Vương Gia Vệ là đạo diễn phim nghệ thuật hàng đầu của Hong Kong thập niên 1990 cho đến nay. Phim của ông cuốn hút người xem bởi những rung cảm sâu lắng từ tâm hồn. Nặng lòng với tình yêu và có niềm khao khát mãnh liệt được kể những câu chuyện yêu đương trên màn ảnh, phim của Vương Gia Vệ lúc nào cũng tràn ngập chất thơ, chất lãng mạn, để lại cho người xem nỗi buồn man mác, xót xa, dù kết thúc của nó thế nào chăng nữa.
Bộ phim mới của ông - Blossom, được tiết lộ sẽ là phần thứ 3 của In the mood for love và 2046, hứa hẹn tiếp tục mang nặng tính màu sắc cá nhân của Vương Gia Vệ. Khán giả sẽ lại được thấy những khuôn hình duy mĩ, những tông màu ám ảnh, những câu thoại “ít mà chất” thể hiện được triết lý sâu xa. Và cũng như hai tác phẩm trước đó, Vương Gia Vệ sẽ lại kể những câu chuyện tình yêu ngọt ngào mà sâu lắng, tưởng nhẹ nhàng nhưng hóa ra lại “thấm thật lâu” sau khi thưởng thức.
Điều gì đã giúp những bộ phim nói về tình yêu đơn thuần của Vương Gia Vệ để lại những ấn tượng đậm sâu đến thế?
Những thước phim màu ám ảnh
Ám ảnh - đó chính xác là hai từ để diễn tả cảm giác về những khung hình tự sự của Vương Gia Vệ một cách chân thật nhất. Từ những gam màu nóng rực rỡ của tình yêu đan xen bên cạnh những gam màu lạnh của nỗi cô đơn khôn xiết. Những ánh đèn trên đường phố Hong Kong nhập nhoạng, những cảnh quay không hề có nhân vật nhưng chuyển tải được rất nhiều tâm tư. Những dòng độc thoại lửng lơ còn để ngỏ, chẳng cần nói ra hết mà thâm thúy sâu xa.
Khung hình tự sự ám ảnh trong phim Vương Gia Vệ (cảnh phim In the mood for love). |
Bộ phim nào cũng chậm rãi, từ tốn, như thời gian thực tế của cuộc đời. Mỗi câu chuyện tình yêu đều đặt trong những mối quan hệ khác nhau, không gian và thời gian cũng thay đổi. Ấy thế nhưng, sau khi xem hết những bộ phim của Vương Gia Vệ, ta cứ ngỡ như mình vừa lướt qua từng con phố nhỏ, mỗi con phố đều bắt gặp dáng hình của một đôi tình nhân nào đó.
Họ có thể đang say đắm trong tình yêu của mình, cũng có thể đang ngập ngừng muốn chạm khẽ đôi bàn tay nhau nhưng mãi không dám hoặc đã đến lúc họ phải chia xa mà cả hai vẫn còn lưu luyến, bịn rịn.
Trong các bộ phim của mình, Vương Gia Vệ thường xoáy sâu vào những chi tiết rất nhỏ nhưng gợi được cảm giác chân thực và tinh tế nhất.
Đó là sự trống trải của trần nhà, sự tương phản ánh sáng lung linh trong một vũng nước, con ngõ hẹp mà cặp tình nhân đi qua nhưng không hề chạm vào người nhau, những cuộc điện thoại một chiều chỉ nghe thấy lời độc thoại từ chàng trai hay cô gái. Tất cả bộ phim của Vương Gia Vệ đều như một giấc mộng mơ hồ, rất gần mà cũng rất xa, và cũng chính vì thế nên nó cứ man mác khôn nguôi, khó diễn tả.
Mỗi bộ phim của Vương Gia Vệ đều có một hình ảnh “đinh” khiến khán giả chỉ cần nhắm mắt lại là có thể mường tượng ngay đến bộ phim ấy. Đó là cảnh hôn nhau trong bốt điện thoại của Trương Quốc Vinh và Trương Mạn Ngọc trong As tear go by, cảnh Trương Mạn Ngọc và Lương Triều Vỹ đứng sát cạnh nhau bên bức tường. Họ nhẹ nhàng nói lời chia tay nhau rồi ai đi đường nấy trong In the mood for love. Hay hình ảnh anh chàng người Nhật tình tự với cô gái robot trên chuyến tàu 2046 - chuyến tàu của ký ức, ràng buộc giữa quá khứ và tương lai, chuyến tàu dành cho những con người đang đi tìm thân phận của chính mình.
Ký ức đóng một vai trò quan trọng trong các phim của Vương Gia Vệ và khiến tác phẩm của ông tạo ra một cảm giác hoài cổ, nhẹ nhàng. Tình yêu không được hồi đáp, những lời hứa hẹn mãi không thành hiện thực, những mơ tưởng và ước vọng của người đang yêu hoặc đang biến dạng trong tình yêu… thông qua diễn xuất của dàn diễn viên nổi tiếng trở nên cảm xúc và tinh tế hơn bao giờ hết.
Vương Gia Vệ chỉ đưa ra cho người xem một câu chuyện bình thường, một diễn biến vô thưởng vô phạt nhưng lại đúng với tâm lý nhân vật, mở đầu bằng tâm trạng man mác của những người từng sống trong tình yêu nay hồi tưởng lại, còn cái kết, ông để khán giả của mình tự đưa ra và suy ngẫm. Như chính ông từng thừa nhận: “Nhiều người làm phim để đưa ra một lời giải đáp. Còn cách tôi làm phim giống như là đặt câu hỏi nhiều hơn”.
Âm nhạc được chọn lọc kỹ càng và sử dụng tinh tế
Với sự khắt khe và cầu toàn, Vương Gia Vệ luôn là người trực tiếp lựa chọn nhạc phim cho những tác phẩm của mình. Hầu hết tác phẩm của ông, âm nhạc được sử dụng luôn u sầu, phù hợp với tông màu trầm buồn mà ông dựng nên.
Âm nhạc trong phim góp phần khiến cảm xúc thăng hoa (cảnh phim Chungking Express). |
Thế giới của Vương Gia Vệ luôn tách riêng với thực tại. Ông đẩy câu chuyện của mình vào những ảo ảnh, những viễn tưởng mơ hồ, mà ở đó, âm nhạc cũng là một ngôn ngữ tạo nên sự khác biệt. Âm nhạc trở thành thứ lời thoại thứ hai, diễn tả những vui buồn hờn giận, những cung bậc cảm xúc khác nhau trong tình yêu đôi lứa, sâu lắng, len lỏi mà đầy xúc cảm.
Là Yumeji’s Theme ngọt ngào, da diết của In the mood for love, là Xavier Cugat tràn ngập âm hưởng Latinh trong A Phi chính truyện, hay Final Tango Apasionado đầy ám ảnh, day dứt trong Xuân Quang Xạ Tiết, California Dreams tươi sáng yêu đời của Chungking Express…
Mỗi ca khúc mang sắc màu khác nhau, dẫn lối cho câu chuyện tình yêu mà Vương Gia Vệ muốn kể một cách nhịp nhàng, khiến cảm xúc thăng hoa hơn và dư vị đọng lại cũng thấm thía hơn.
Âm nhạc được lồng ghép vào các phân cảnh rất hợp lý, tạo nên không gian dễ chịu, êm ái nhưng cũng trĩu nặng suy tư. Nốt nhạc lúc trầm lúc bổng như tâm trạng bồn chồn, lo lắng, day dứt của những người khao khát yêu thương, trăn trở vì tình yêu.
Nghệ thuật dựng phim độc đáo
Phim của Vương Gia Vệ phần nào đó có điểm giống với nhà làm phim nổi tiếng người Nhật - Yasujiro Ozu. “Mỗi khung hình đều đẹp tựa như tranh, như thể một sản phẩm nghệ thuật được phôi thai từ điện ảnh và hội họa”.
Vương Gia Vệ hay sử dụng những khuôn hình chật hẹp thể hiện nỗi cô đơn trong tình yêu của con người (cảnh phim 2046). |
Những cảnh phim tĩnh nối liền nhau tạo nên một nhịp điệu man mác, không khí lơ lửng, mập mờ như chính sự mông lung của người trong cuộc. Bằng cách này, Vương Gia Vệ tạo ra những câu chuyện tình đẹp nhưng buồn thảm. Buồn từ những khung hình màu trầm tối tăm. Đẹp trong cả ánh nhìn của người thương, trong cả cái cách nam nhân vật chính đưa tay lên châm điếu thuốc rồi nhẹ nhàng phả ra một vệt khói bảng lảng.
Vương Gia Vệ thích sử dụng góc máy xa, với nhiều lớp lang tạo chiều sâu, như người đứng ngoài nhìn trộm vào thế giới của nhân vật, biểu đạt cảm xúc của họ bằng con mắt khách quan.
Góc máy toàn cảnh nhưng bị khuất lấp gợi sự tò mò và kích thích trí tưởng tượng của khán giả. Mọi thứ đều mập mờ, không rõ ràng, buộc người xem phải cố nhìn sâu hơn để quan sát, cố ngẫm kỹ hơn để phát hiện những tầng ý nghĩa ẩn giấu bên trong.
Nhân vật đôi khi bị dồn vào một góc hẹp như cảnh Tĩnh Văn hút thuốc trên sân thượng khách sạn trong 2046, hay như cảnh ông Chu và bà Trương ngả người vào nhau ở ghế sau chiếc xe trong In the mood for love. Tất cả giống như giấc mơ xa vời trong góc khuất sâu kín và buồn, được thể hiện một cách êm ái và giàu cảm xúc, khiến khán giả chỉ cần xem một lần là đủ để nhớ mãi không quên.