Ra rạp hôm 12/5, King Arthur: Legend of the Sword của Warner Bros. lập tức bị gắn mác “bom xịt” khi chỉ thu chưa đầy 15 triệu USD tại quê nhà Bắc Mỹ sau ba ngày đầu trình chiếu.
Các thị trường quốc tế cũng không giúp được gì nhiều cho Warner Bros. Trung Quốc, quốc gia tỷ dân, chỉ mang về cho tác phẩm giả tưởng khoảng 5 triệu USD trong kỳ nghỉ cuối tuần.
Do đã bỏ ra tới 175 triệu USD để thực hiện bộ phim, Warner Bros. hiện đứng trước nguy cơ thua lỗ ít nhất 100 triệu USD vì bộ phim.
Thiếu vắng ngôi sao thực thụ
Nhiều studio tại Hollywood thường hay đánh cược với các nam diễn viên da trắng còn trẻ, sở hữu thân hình cơ bắp, khi trao cho họ những dự án tầm cỡ bom tấn, để rồi nhận ra đó không phải là Tom Cruise, Hugh Jackman, hay thậm chí là Chris Hemsworth tiếp theo.
Charlie Hunnam dường như chưa đủ sức để cáng đáng một dự án có kinh phí khổng lồ. |
Charlie Hunnam, đáng buồn thay, lại rơi vào chuỗi trường hợp đó. Ngôi sao của series truyền hình Sons of Anarchy hiện bị coi là Taylor Kitsch mới - người từng có hai thất bại liên tiếp trong năm 2012 là John Carter và Battleship. Tương lai điện ảnh của Charlie Hunnam sau King Arthur: Legend of the Sword thực sự là dấu hỏi lớn.
Lựa chọn kịch bản chưa phù hợp
Năm 2005, đạo diễn Christopher Nolan kể lại câu chuyện khởi nguồn của siêu anh hùng Batman với Batman Begins và khiến công chúng nức lòng, dù họ đã nằm lòng câu chuyện về Người Dơi. Hơn một thập kỷ qua, Hollywood nhiều lần cố gắng tái lặp điều đó, nhưng không phải lúc nào cũng thành công.
Kể lại sự ra đời của một nhân vật nổi tiếng, hoặc kể lại một câu chuyện kinh điển nào đó, với dàn diễn viên hiện đại từng khiến chính Warner Bros. phải đau đầu, như Pan (2015) hay The Man from U.N.C.L.E. (2015) đã chứng minh.
Universal thì nhận chén đắng với Robin Hood (2010). Còn ông lớn Disney buộc phải đưa ra nhiều thay đổi chiến lược sau hai quả bom xịt là John Carter (2012) và The Lone Ranger (2013).
Kịch bản của King Arthur: Legend of the Sword có nhiều điểm chưa hợp lý và không kích thích được trí tò mò của khán giả. |
Câu chuyện về Vua Arthur và Hội Hiệp sĩ Bàn tròn của nước Anh không thực sự kích thích được sự hào hứng cho khán giả đại chúng. Chưa kể, Guy Ritchie và đội ngũ biên kịch còn mắc phải một sai lầm chết người khác.
Họ dự định kể lại toàn bộ thiên truyện về nhân vật qua tổng cộng sáu tập phim. Hậu quả là Legend of the Sword chỉ đơn thuần là phần mở đầu và không giống như một tác phẩm có thể đứng độc lập.
Ngay cả Batman Begins tuy hé lộ về ác nhân Joker ở đoạn kết, nhưng bản thân câu chuyện trong phim rất chặt chẽ, giúp khán giả hiểu hơn về nhân vật và bối cảnh Gotham. Đó cũng là điều mà những phim tái khởi động (reboot) như Casino Royale (2006) và Star Trek (2009) đã thành công, khiến công chúng thêm tò mò về James Bond và phi hành đoàn Enterprise.
Có một điều trớ trêu là Warner Bros. từng tìm cách sáng tạo khi không kể lại nguồn gốc Sherlock Holmes và bác sĩ Watson trong hai tập phim Sherlock Holmes, hay Tarzan trong The Legend of Tarzan (2016). Giờ thì chính họ, và cả đạo diễn Guy Ritchie, lại chọn cách làm cũ và thất bại.
Không hiểu rõ nhu cầu của khán giả
Trong suốt lịch sử điện ảnh, câu chuyện về Vua Arthur nhiều lần được chuyển thể lên màn bạc. Song, chỉ Excalibur (1981) là cú hit tại phòng vé, còn nhiều bộ phim khác đều không thể lôi kéo khán giả tới rạp.
Trường hợp đặc biệt nhất là Monty Python and the Holy Grail (1975). Tuy ăn khách ở một mức độ nhất định, nhưng đó là phiên bản giễu nhại và hưởng lợi từ thành công trên truyền hình của nhóm danh hài Monty Python.
Liệu khán giả có thực sự muốn theo dõi lại câu chuyện về Vua Arthur không? Hay về Tarzan, Peter Pan, John Carter, Tonto (của The Lone Ranger)? Thật khó để tìm ra câu trả lời chính xác.
Nhưng những bộ phim cùng dòng như Batman Begins, Casino Royale, Star Trek hay thậm chí là The Amazing Spider-Man vẫn dễ dàng kéo khán giả tới rạp nhờ lượng fan hùng hậu dành cho nhân vật chính được bồi đắp qua nhiều năm.
Trong quá khứ, các bộ phim như King Arthur: Legend of the Sword sẽ gợi lên cho khán giả cảm giác hoành tráng ngay từ cái tên. Nhưng ở thời điểm hiện tại, điều đó không còn nữa.
Giờ khán giả có thể thưởng thức Game of Thrones hay Vikings - các tác phẩm truyền hình cùng thuộc thể loại giả tưởng - có chất lượng chẳng kém gì phim điện ảnh mỗi tuần.
Kinh phí bị đội lên quá mức
Guy Ritchie không phải là người thích tiêu tốn nhiều tiền của studio. Bằng chứng là hai tập Sherlock Holmes của ông có kinh phí sản xuất lần lượt là 90 triệu USD và 120 triệu USD.
Thiệt hại do bom xịt The Man from U.N.C.L.E. (2015) của nhà làm phim người Anh gây ra cũng không quá lớn, khi tác phẩm mang đề tài điệp viên chỉ tốn 75 triệu USD.
Những ai theo dõi trang IMDb cách đây hai năm sẽ thấy King Arthur: Legend of the Sword được ghi là có mức kinh phí 102 triệu USD. Song, con số đó giờ bị đội lên tận 175 triệu USD, phần nhiều bởi đoàn làm phim phải chỉnh sửa kịch bản (Astrid Bergès-Frisbey không còn sắm vai Guinevere) và quay lại nhiều trường đoạn.
Quá trình thực hiện bộ phim vốn gặp không ít trắc trở. |
Nếu King Arthur: Legend of the Sword thành công, chuyện quay lại hoặc ghi hình thêm sẽ không có gì đáng nói. Nhưng bộ phim giờ rơi vào trường hợp của The Wolfman (2010). Tác phẩm kinh dị của Universal bị đội kinh phí từ 90 lên tới 150 triệu USD, và trở thành “bom xịt” tại phòng vé năm ấy.
Warner Bros. có nhiều bài học cần phải rút ra sau King Arthur. Dù sao, kể từ đầu năm, những Going in Style hay Kong: Skull Island cũng đủ giúp hãng phim phần nào cảm thấy yên lòng.
Và nếu Wonder Woman chiếm được cảm tình của cả giới phê bình lẫn công chúng vào đầu tháng 6, họ hoàn toàn có thể tạm quên đi thất bại của King Arthur.