![]() |
Bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử. Ảnh: Adobe. |
Theo thống kê, rung nhĩ là một gánh nặng đối với sức khoẻ toàn cầu, khi có đến 43 triệu người trên thế giới mắc căn bệnh này. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh này tại Việt Nam cũng đang có xu hướng gia tăng. Hàng năm, nhóm bệnh nhân dưới 40 tuổi có tỷ lệ mắc mới là 0,1%, người trên 80 tuổi tỷ lệ này là 1,5-2%.
Báo cáo tại Hội nghị khoa học thường niên của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) diễn ra ngày 17/4, ThS.BS Trần Lê Uyên Phương, Phó khoa Điều trị rối loạn nhịp của bệnh viện, cho biết rung nhĩ không những là một rối loạn nhịp thường gặp nhất mà còn dẫn đến nhiều hậu quả nặng nề như tăng tỷ lệ tử vong, đột quỵ, suy tim và sa sút trí tuệ.
Mối quan hệ mật thiết giữa đột quỵ và rung nhĩ
Đột quỵ và rung nhĩ có mối quan hệ mật thiết. Cơ chế gây đột quỵ trong rung nhĩ được giải thích là do sự hình thành các cục máu đông trong tiểu nhĩ trái và nhĩ trái. Khi dòng máu bị xáo trộn, các huyết khối này có thể bong ra, di chuyển theo dòng máu và gây tắc nghẽn các động mạch não, dẫn đến đột quỵ thiếu máu.
Các biện pháp điều trị phòng ngừa đột quỵ trong rung nhĩ, chủ yếu dựa vào thuốc kháng đông. Thế hệ thuốc kháng đông cũ (kháng vitamin K) giúp giảm đến 60% nguy cơ đột quỵ trong rung nhĩ, trong khi thuốc kháng đông thế hệ mới có thể giảm thêm 19% nguy cơ này.
"Nhưng ngay cả khi sử dụng thuốc, bệnh nhân rung nhĩ vẫn có nguy cơ đột quỵ tái phát 1,5-2,5% mỗi năm. Nguy cơ này còn cao hơn ở những bệnh nhân có chống chỉ định với thuốc kháng đông, hoặc có tiền sử xuất huyết", bác sĩ Phương nói.
Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ Phương cho hay phương pháp bít tiểu nhĩ trái bằng dụng cụ đã nổi lên như một giải pháp thay thế tiềm năng cho những bệnh nhân có nguy cơ cao. Hiện nay, có nhiều loại dụng cụ bít tiểu nhĩ trái có thể tiếp cận qua đường nội mạch, thượng mạc hoặc thậm chí phẫu thuật.
![]() |
Người bị rung nhĩ có nguy cơ cao bị đột quỵ. Ảnh: Pexels. |
Trong đó, bít tiểu nhĩ trái qua nội mạch là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất nhờ tính xâm lấn tối thiểu. Với sự phát triển của dụng cụ và kỹ thuật, tỷ lệ thành công của thủ thuật này đã đạt trên 90%, với tỷ lệ biến chứng chỉ 2,5-5%.
Điều này đã khiến chỉ định bít tiểu nhĩ trái được nâng lên mức 2A trong khuyến cáo năm 2023, cho thấy đây là một lựa chọn hợp lý cho bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ từ trung bình đến cao và có chống chỉ định với điều trị kháng đông đường uống dài hạn.
Bác sĩ Phương nhấn mạnh, bên cạnh phòng ngừa đột quỵ, việc kiểm soát triệu chứng cho bệnh nhân rung nhĩ, đặc biệt là rung nhĩ kịch phát có triệu chứng. Trong đó, phương pháp đốt rung nhĩ qua catheter đã chứng minh hiệu quả vượt trội so với thuốc trong việc duy trì nhịp xoang và giảm tái phát rung nhĩ. Sự ra đời của các catheter có cảm biến áp lực ở đầu giúp bác sĩ kiểm soát lực tiếp xúc, tăng tính an toàn và hiệu quả của thủ thuật.
Những nguyên nhân gây đột tử
Trong bài báo cáo, bác sĩ Phương cũng nói đến vấn đề đột tử do tim. Đây là tình trạng ngưng hoàn toàn hệ thống tuần hoàn, trong vòng 1 giờ ở những người trước đó có vẻ khỏe mạnh. Tỷ lệ mắc đột tử thấp hơn nhiều so với rung nhĩ, nhưng hậu quả lại nghiêm trọng. Nguyên nhân gây đột tử khác nhau tùy theo độ tuổi.
Ở người trẻ dưới 40 tuổi, nguyên nhân thường liên quan đến các bệnh lý tim mạch bẩm sinh, di truyền. Ở người trên 40 tuổi, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến bệnh động mạch vành và suy tim. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân suy tim sau 5 năm chẩn đoán là rất cao, với 25-50% trường hợp tử vong do đột tử.
Các rối loạn nhịp thất nguy hiểm như rung thất và nhịp nhanh thất, là nguyên nhân hàng đầu gây đột tử. Tuy nhiên, các thuốc chống loạn nhịp lại không cho thấy hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm bệnh nhân này. Thay vào đó, các thuốc điều trị suy tim tứ trụ (chẹn beta giao cảm, ức chế hệ renin-angiotensin-aldosterone) đã được chứng minh là giảm tỷ lệ đột tử ở bệnh nhân suy tim.
Để lấp đầy khoảng trống trong việc phòng ngừa đột tử ở bệnh nhân suy tim có nguy cơ cao, máy ICD (Implantable Cardioverter-Defibrillator) đã được chứng minh là một giải pháp hiệu quả. Máy ICD được cấy vào cơ thể với điện cực đặt ở buồng thất phải, có khả năng phát hiện và điều trị kịp thời các rối loạn nhịp thất nguy hiểm bằng sốc điện, tạo nhịp hoặc kích thích vượt tần số, giúp bệnh nhân trở về nhịp xoang ngay lập tức.
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của ICD trong việc giảm tỷ lệ đột tử lên đến 23%. Tuy nhiên, ICD chỉ là giải pháp điều trị triệu chứng của nhịp nhanh thất, không ngăn ngừa được các đợt tái phát. Để điều trị tận gốc, cần phải thay đổi cơ chất gây loạn nhịp, đặc biệt là các eo then chốt của vòng vào lại, thường do sẹo nhồi máu cơ tim.
"Vệc phòng ngừa đột quỵ và đột tử đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa thuốc, thiết bị và các phương pháp triệt đốt sinh lý", bác sĩ Phương nhấn mạnh.
Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.