Các quốc gia ở Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung đang rất khao khát những siêu sao như Taylor Swift để tăng trưởng du lịch và kích thích tiêu dùng, theo The Straits Times.
Nhưng các chuyên gia cho rằng những nghệ sĩ kiếm được rất nhiều tiền như Swift sẽ chỉ biểu diễn ở những nơi có điều kiện tốt nhất.
Bên cạnh những khoản tiền khổng lồ như những gì Singapore tiết lộ đã cung cấp cho nữ ca sĩ, điều kiện ở đây còn bao gồm cả khả năng kết nối, cơ sở hạ tầng và an ninh. Những yếu tố này thậm chí còn quan trọng hơn cả tiền bạc.
Khuấy động cuộc đua
Singapore là điểm dừng chân duy nhất ở Đông Nam Á của Swift. Nữ ca sĩ sẽ biểu diễn tại Sân vận động Quốc gia từ ngày 2 đến ngày 9/3, sau khi dừng chân ở Nhật Bản và Australia.
Swifties, fandom của nữ ca sĩ, trong khu vực bắt đầu lên kế hoạch đi du lịch khi có thông báo vào giữa năm 2023 rằng Tokyo và Singapore là hai điểm đến của Eras Tour ở châu Á. Số lượt đặt phòng khách sạn tại Singapore trong tháng 3 đã tăng đột biến.
Chủ tịch công ty du lịch Caesar Indra cho biết lượng đặt vé máy bay đến và đi từ Singapore trong khoảng thời gian diễn ra concert của Swift đã tăng gấp 6 lần.
Các concert của Taylor Swift thúc đẩy du lịch, tác động tích cực đến kinh tế của điểm tổ chức. Ảnh: Danielle Bonica/ABC News. |
Điều tương tự cũng xảy ra với ban nhạc Coldplay của Anh, nhóm đã biểu diễn 6 đêm nhạc ở Singapore vào tháng 1. Sân vận động Quốc gia, nơi diễn ra các buổi diễn cháy vé của Swift và Coldplay, có thể chứa tới 60.000 người.
Còn ở Nhật Bản, 4 buổi biểu diễn của Swift được cho là đã giúp nền kinh tế nước này thu hơn 34 tỷ yen (230 triệu USD).
Khi những tác động hữu hình của "Swiftonomics" trở thành hiện thực, nhiều nơi cũng muốn trở thành điểm dừng chân tiếp theo của ngôi sao âm nhạc.
Indonesia đã thành lập quỹ du lịch trị giá 1.000 tỷ rupiah (64 triệu USD) để lôi kéo các nghệ sĩ biểu diễn hàng đầu đến đất nước này.
"Chúng tôi cần 'Swiftonomics' cho du lịch Indonesia", Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno cho biết trong cuộc phỏng vấn vào ngày 20/2, đề cập đến hiệu ứng quả cầu tuyết đối với các lĩnh vực như bán lẻ và du lịch khi nhiều nghệ sĩ đến biểu diễn.
Hong Kong (Trung Quốc) cũng "không ngừng nỗ lực" để thu hút các sự kiện âm nhạc lớn. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin hôm 22/2 cho biết nước này sẽ làm nhiều hơn nữa để thu hút "những ngôi sao hạng A và những nghệ sĩ đẳng cấp thế giới", bao gồm miễn thị thực du lịch và thay đổi quy định uống rượu tại các concert.
Lợi thế cạnh tranh
Singapore thừa nhận rằng đã cung cấp một khoản tài trợ cho Swift - thông tin chi tiết không được tiết lộ với lý do bảo mật kinh doanh - vì các buổi hòa nhạc có khả năng tạo ra lợi ích đáng kể cho nền kinh tế của nước này.
Tiến sĩ Samer Hajjar, giảng viên marketing tại Trường Kinh doanh NUS, cho biết việc tài trợ tiền để thu hút nghệ sĩ không phải là chuyện hiếm. Chính phủ Singapore cũng như hội đồng du lịch thường sử dụng các biện pháp khuyến khích tài chính như tài trợ, giảm thuế và hỗ trợ tiếp thị để tổ chức các sự kiện quan trọng.
Tuy nhiên, ông cho biết số tiền dự kiến chi cho các đêm diễn của Taylor Swift cao đáng kể, vượt xa số tiền thường được phân bổ cho chi phí hoạt động, tiếp thị hoặc nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Người hâm mộ tại buổi diễn của Taylor Swift ở Australia. Ảnh: Danielle Bonica/ABC News. |
"Việc các quốc gia khác có nên học theo cách tiếp cận này hay không còn phụ thuộc vào mục tiêu và cũng như giới hạn ngân sách của họ. Khoản tài trợ có thể kích thích du lịch, hoạt động kinh tế và nâng cao hình ảnh quốc gia một cách hiệu quả, nhưng việc cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích và chi phí là điều cần thiết, đảm bảo sự phù hợp với các mục tiêu kinh tế và văn hóa rộng lớn hơn".
Bà Rebecca Neo, nhà nghiên cứu tại Viện ISEAS - Yusof Ishak, cho biết mặc dù khoản tài trợ có thể giảm bớt chi phí tổ chức các buổi hòa nhạc, vẫn cần cân nhắc thêm một số yếu tố khác.
Bà Neo, người nghiên cứu các sự kiện âm nhạc trong khu vực Đông Nam Á, cho biết: "Những yếu tố này bao gồm sức chứa địa điểm, an ninh (của người biểu diễn và ekip của họ), phương tiện di chuyển cho khán giả... Các quốc gia muốn tổ chức concert quy mô lớn như vậy cũng cần phải xem xét tất cả yếu tố này để tăng sức hấp dẫn của mình với tư cách là chủ nhà".
Siwage Dharma Negara, thành viên cấp cao và là điều phối viên của chương trình Nghiên cứu Indonesia, nói rằng những buổi biểu diễn như vậy cũng sẽ được xem xét về mặt lợi suất đầu tư cho người biểu diễn.
"Thông qua việc lựa chọn địa điểm tổ chức concert, các nghệ sĩ rất muốn tăng cường khả năng kiếm tiền trong tương lai của mình, chẳng hạn như bằng cách bán album, thu tiền bản quyền và nhiều thứ khác".
Ngoài ra, một số yếu tố chính trị, văn hóa, xã hội sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức các sự kiện âm nhạc quy mô quốc tế. Siwage lấy ví dụ Indonesia mất quyền đăng cai vòng chung kết U20 World Cup, sau khi Thống đốc Wayan Koster của Bali từ chối để đội tuyển trẻ Israel đến thi đấu hồi tháng 3/2023.
Xung đột về các giá trị xã hội cũng xuất hiện vào tháng 7/2023, khi thủ lĩnh của The 1975 say rượu chửi bới luật chống LGBTQ của Malaysia trong buổi biểu diễn của ban nhạc Anh tại lễ hội âm nhạc Good Vibes ở Kuala Lumpur. Sự cố dẫn đến sự kiện bị hủy bỏ đột ngột và ban nhạc sau đó đã hủy buổi biểu diễn tại We The Fest ở Jakarta.
Vấn đề thanh toán và bán vé cần được cân nhắc. Sau buổi biểu diễn của Coldplay ở Jakarta hồi tháng 11/2023, cảnh sát cho biết các nạn nhân đã bị lừa mua gần 2.300 vé giả trị giá 5,1 tỷ rupiah (327.000 USD).
Màu xanh trong suốt là tác phẩm đầu tay của Ryu Murakami, đoạt giải Akutagawa danh giá năm 1976, đưa tên tuổi tác giả lên hàng nổi bật của văn học đương đại Nhật Bản. Cuốn sách cuồng loạn này kể về nhân vật Ryu cùng nhóm bạn của mình, những người mà tác giả mô tả là gần như không có một mục đích sống. Cuốn tiểu thuyết gần như không có cốt truyện, mà chỉ như một lát cắt, một trường đoạn, một montage về tuổi trẻ lạc lối, điên cuồng và gần như man dã. Qua hoạt cảnh u tối và bạo liệt ấy, Ryu Murakami khắc họa nỗi lòng của một lớp thanh niên Nhật Bản một thời: vô định và dễ sa ngã.