Uốn ván là bệnh truyền nhiễm do độc tố vi khuẩn gây ra. Ảnh: Osasconoticias. |
Sinh ra ở vùng quê nghèo, xa bệnh viện cùng với tin đồn một đứa trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine đã khiến gia đình chị Nguyễn Thị Sari (38 tuổi) không tiếp cận với vaccine.
Tuy nhiên, sau cơn sốt bại liệt, đôi chân của Sari không thể đứng lên được nữa. Tuổi thơ chị là những ngày buồn trĩu trong mái tranh nghèo ở miền quê Cần Đước, Long An.
Câu chuyện được kình ngư Sari chia sẻ trong buổi Tọa đàm tiêm vaccine phòng bệnh truyền nhiễm đầy đủ cho trẻ em và người lớn do Báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Trong quá khứ, bại liệt từng là nỗi khiếp sợ của toàn cầu. Hàng loạt trận dịch lớn nhỏ trong những năm giữa thế kỷ 20 đã để lại nỗi đau đớn tinh thần không thể bù đắp vì thương tật vĩnh viễn.
Từ năm 1962, Việt Nam chế tạo thành công vaccine bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV), tỷ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể và không có các vụ dịch xảy ra. Nhờ hiệu quả của Chương trình tiêm chủng mở rộng, năm 2000, Việt Nam đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do virus bại liệt hoang dại gây nên.
Tuy nhiên, ở những vùng sâu vùng xa, khu vực chưa có điều kiện tiếp cận y tế, mối nguy cơ và gánh nặng do bại liệt vẫn diễn ra. Câu chuyện của kình ngư Nguyễn Thị Sari là một điển hình.
“Suốt thời gian còn đương nhiệm tại Cục Y tế Dự phòng, tôi chứng kiến không ít vụ dịch lớn nhỏ. Có những năm bùng phát bạch hầu, mỗi ngày báo cáo lên một ca bệnh nặng”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam. Ảnh: Tuấn Dũng. |
Chuyên gia này nhấn mạnh vaccine được xem là phát minh vĩ đại của nhân loại.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, vaccine góp phần giảm tỷ lệ bệnh chuyển biến nặng và tử vong là điều không bàn cãi. Nhờ sự ra đời trong khẩn trương của vaccine Covid-19 đã khiến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, chuyển từ giai đoạn khẩn cấp sang thích ứng an toàn, tiến tới sống chung.
“Sau sự ra đời của vaccine bại liệt, hàng loạt vaccine khác được phổ biến, đặc biệt sự góp sức của vaccine dịch vụ đã góp phần đẩy lùi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tại Việt Nam”, ông nói thêm.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng phân tích trong giai đoạn các kênh thông tin y tế chưa phát triển, những địa bàn vùng sâu vùng xa chưa được tiếp cận vaccine để tiêm ngừa cho trẻ nhỏ. Điều này đã để lại nhiều di chứng đau thương.
“Tôi từng chứng kiến trong giai đoạn dịch sởi, người ta tung ra tin đồn vaccine sởi gây ra bệnh tử kỷ, điều này khiến cho làn sóng dịch sởi bao trùm. Phân tích điều này để thấy rằng việc tiêm vaccine cho trẻ nhỏ rất quan trọng, đặc biệt tiêm đủ liều, đúng độ tuổi”, PGS Trần Đắc Phu khuyến cáo.
PGS Phu nhấn mạnh tiêm vét cho trẻ không tiêm đủ mũi là điều quan trọng phụ huynh nên lưu ý. “Chúng ta phải phòng bệnh trong tiêm chủng chứ không ngừng tiêm chủng để phòng bệnh, không vì chống lại bệnh này mà bỏ qua việc đề phòng các loại bệnh khác”, ông nhắc lại.
Hiện tại, trong chương trình Tiêm chủng Mở rộng tại Việt Nam, 10 loại vaccine bắt buộc mà trẻ nhỏ cần được tiêm đúng lịch và đủ mũi, gồm: Lao, bạch hầu - uốn ván - ho gà, bại liệt, sởi - rubella, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm gan B....
Mục Sức khỏe giới thiệu đến độc giả cuốn sách Smoothie: Giải pháp từ thiên nhiên giúp giảm cân, thải độc, phòng bệnh, sống lâu.
Cuốn sách sẽ cung cấp cho bạn đọc kiến thức về sinh tố, lời khuyên trong việc làm và sử dụng sinh tố sao cho có ích với sức khỏe. Ngoài ra, tác giả Farnoosh Brock còn bật mí về những công dụng bất ngờ của sinh tố trong việc giúp phái đẹp giảm cân tự nhiên, cải thiện tâm trạng hiệu quả.