Mấy ngày nay, cộng đồng mạng xôn xao về phần thi "Ai là triệu phú" của cô Kim Liên - Hiệu trưởng trường tiểu học Phù Ninh, Phú Thọ.
Trước câu hỏi về nghĩa trang Hàng Dương, cô giáo này xin dừng cuộc chơi và phán đoán: "Nghĩa trang Hàng Dương nằm ở Quảng Trị".
Nhiều người cho rằng hiệu trưởng khối tiểu học phải biết nghĩa trang Hàng Dương thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bởi đây là nơi yên nghỉ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
"Không biết cũng dễ thông cảm"
Chia sẻ với Zing.vn cô Liên cho biết: Tôi biết và thuộc lòng bài thơ Võ Thị Sáu. Khi rời ghế nóng tôi còn đọc bài thơ này cho bạn đồng nghiệp đi cùng nên họ cũng hiểu.
Theo cô Liên, bài thơ này hiện cũng không thuộc chương trình sách giáo khoa hiện hành, trước kia thuộc phần đọc thêm trong sách Tiếng Việt lớp 1. Nữ hiệu trưởng chia sẻ từng đến Bà Rịa – Vũng Tàu nhưng chưa đến thăm nghĩa trang Hàng Dương.
Nhiều giáo viên tiểu học cũng cho biết: Nghĩa trang Hàng Dương không được nhắc đến trong sách Tiếng Việt của bậc tiểu học.
Theo cô giáo Thủy Chung (Bình Dương): “Tôi đặt câu hỏi này cho nhiều giáo viên và họ cũng không biết, vì trong sách không ghi. Theo tôi hiểu, trong chương trình sách Tiếng Việt hiện hành chỉ có một bài để học sinh rèn luyện chính tả nói về anh hùng Võ Thị Sáu. Bài không nói cụ thể đến nghĩa trang Hàng Dương”.
Cô giáo Chung nêu quan điểm: Sách giáo khoa nên có một bài tập đọc về nữ anh hùng dân tộc. Trước đây, sách giáo khoa cũ có bài thơ Võ Thị Sáu nhưng bây giờ chỉ là phần bài tập "Điền vào chỗ trống" nên thế hệ sau không nắm rõ.
Anh hùng Võ Thị Sáu trong sách giáo khoa hiện hành. |
TS Vũ Thu Hương - Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội - bày tỏ: “Cô giáo không nhớ nghĩa trang Hàng Dương ở đâu cũng là điều hơi lạ”. Tuy nhiên, không ai chắc chắn 100% sẽ luôn nhớ và thuộc kiến thức ở mảng nào đó. Có những thứ rất quen thuộc nhưng đôi khi lãng đi, ta lại không nhớ. Vì vậy, ai đó bỗng quên một điều gì đột xuất hoàn toàn dễ hiểu.
Bản thân TS Hương là người làm việc nhiều trong lĩnh vực giáo dục thoát hiểm cho trẻ, song bà nói nhiều khi lẫn lộn giữa số điện thoại cấp cứu và cứu hỏa. Đặt trong cương vị một hiệu trưởng, có thể lần chơi này đã khiến cô Kim Liên quá xúc động khi ngồi ghế nóng. Vì vậy, cô đã không nhớ chính xác.
Hình ảnh chị Võ Thị Sáu trong sách giáo khoa cũ
Trước đó, nhiều thế hệ đã quen thuộc với bài thơ Võ Thị Sáu (Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, SGK Tiếng Việt lớp 1, tập hai). Đây là phần trích đầu thuộc bài thơ dài “Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn".
Bài thơ như sau:
Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đóa hoa tươi
Chị cài lên mái tóc
Đầu ngẩng cao bất khuất
Ngay trong phút hy sinh
Bây giờ dưới gốc dương
Chị nằm nghe biển hát
Đó là câu chuyện thực
Về người nữ anh hùng
Fanpage Sách đẹp cũng chia sẻ lại hình ảnh trong bài tập đọc Trên đường đến nhà lao, tác giả Lê Quang Vịnh được in trong sách Tiếng Việt lớp 2 cũ:
Hình ảnh được minh họa trong bài tập đọc Trên đường đến nhà lao. |
"Bầu trời Côn Đảo trong buổi bình minh rất đẹp. Con đường từ Bến Đầm đến nhà lao uốn quanh bờ biển, men theo triền núi, bên trên là cây cối um tùm, bên dưới là sóng trắng vỗ bờ đá dựng. Trên cành cây, chim kêu ríu rít. Chị Sáu như say sưa với cảnh tự nhiên. Chị hát theo một con chim hót. Chị rướn đôi tay bị còng chụp một con bướm bay qua. Chị chẳng để ý gì đến bọn lính với súng gươm tua tủa ở xung quanh mình...".
Côn Đảo (thuộc Bà Rịa - Vũng Tàu) được biết đến là khu du lịch với nghĩa trang hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng nghìn chiến sĩ cách mạng, trong đó có nữ anh hùng Võ Thị Sáu.
Theo Cổng Thông tin Du lịch của Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000 m2, gồm 3 khu A, B và C. Theo số liệu ước định 20.000 người đã mất ở Côn Đảo, nhưng không phải tất cả đều nằm ở Hàng Dương.