Nữ sinh đột ngột ngất xỉu, ngưng tim khi đang tập văn nghệ. Ảnh minh họa: Pexels. |
Thông tin được ThS.BS Trương Quốc Cường, Phó khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất cho biết sáng 5/3.
Bệnh nhân là nữ sinh 18 tuổi, học tại một trường THPT trên địa bàn TP.HCM. Trước đó, trong khi tập văn nghệ, em đột nhiên hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu và mất ý thức.
Phát hiện nữ sinh ngưng tim, ngưng thở, bạn bè xung quanh đã làm hồi sức tim và nhanh chóng đưa em đến Bệnh viện Thống Nhất.
"Khi nhập viện, đồng tử bệnh nhân đã giãn, tiên lượng rất xấu, khả năng cao là không cứu được", bác sĩ Cường kể lại tình hình.
Nữ sinh 19 tuổi suýt đột tử do uống thực phẩm chức năng giúp tăng cân. Ảnh: BVCC. |
Tại bệnh viện, nữ sinh được hồi sức tim phổi nâng cao, sốc điện và chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Tại đây, các bác sĩ đã dùng kỹ thuật hạ thân nhiệt để bảo vệ não.
Sau 2 ngày, người bệnh được chuyển đến khoa Nhịp tim. Nữ sinh sinh được theo dõi điện tim và làm một số xét nghiệm chuyên sâu, kết quả cho thấy em mắc hội chứng QT dài.
"Gia đình của nữ sinh không có yếu tố di truyền mắc bệnh này. Do đó, chúng tôi nhận định nguyên nhân gây hội chứng QT dài cho bệnh nhân là dùng thuốc", bác sĩ Cường cho hay
Theo TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim, nữ sinh có sử dụng các loại thực phẩm chức năng giúp tăng cân vì có cơ địa gầy gò.
"Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu điện giải như kali, magie gây rối loạn nhịp tim dẫn đến suýt đột tử. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân được chỉ định ngừng uống thực phẩm chức năng, điều chỉnh điện giải, nhịp tim trở lại bình thường", tiến sĩ Khanh phân tích.
Bác sĩ Trương Quốc Cường cũng đánh giá nữ sinh rất may mắn khi có bạn bè biết cách sơ cứu tim, nhập viện sớm, được sốc tim và hạ thân nhiệt, không để chết não.
"Có thể nói, trường hợp này là kỳ tích khi chúng tôi có thể cứu sống được bệnh nhân", bác sĩ Cường cho hay.
Hội chứng QT dài là chứng rối loạn nhịp tim gặp nhiều ở nữ, khiến nhịp nhanh, tim đập hỗn loạn, có thể khiến người bệnh ngất đột ngột.
Đây là một trong những nguyên nhân gây đột tử cho bệnh nhân. Tỷ lệ đột tử hàng năm ở người mắc hội chứng QT dài không triệu chứng, không điều trị là dưới 0,5%. Con số này tăng lên 5% ở bệnh nhân có tiền căn ngất.
Người bệnh mắc hội chứng QT dài có thể do có tiền căn của gia đình hoặc sử dụng một số loại thuốc chống rối loạn nhịp tim như thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu, tim mạch, thuốc hướng thần...
Một số trường hợp gia tăng khả năng mắc bệnh là bệnh nhân có sử dụng các loại thuốc nói trên và có tiền sử suy gan, suy thận.
Tiến sĩ Trương Quang Khanh khuyến cáo mọi người, đặc biệt là những ai có người thân cũng mắc bệnh, nên thường xuyên đo nhịp tim, điện tim để sớm phát hiện bất thường và được điều trị sớm nếu không may mắc hội chứng này.
Máu là sức mạnh tự nhiên, là nguồn năng lượng quan trọng đã duy trì sự sống của chúng ta từ thời xa xưa. Bạn có thể không biết mình thuộc nhóm máu nào trừ khi bạn từng đi hiến máu hoặc cần truyền máu. Tại sao nhóm máu của chúng ta lại mạnh mẽ đến vậy? Vai trò thiết yếu của nhóm máu đối với sự tồn tại của chúng ta là gì - không chỉ trong hàng nghìn năm trước mà cho đến tận ngày nay?
Cuốn sách Ăn theo nhóm máu của BS Peter J D’Adamo gợi ý những chế độ ăn theo nhóm máu và những tác động đến sức khỏe, đời sống và tuổi thọ.