Sau khi tập đầu tiên được phát sóng, The Idol vấp phải sự phản đối kịch liệt từ cộng đồng quốc tế. Phần lớn khán giả chật vật khi theo dõi bởi bộ phim tràn ngập phân cảnh tục tĩu, lố bịch. Đặc biệt, khoảnh khắc nhân vật của Jennie (BlackPink) thể hiện màn vũ đạo gợi dục khiến người hâm mộ bày tỏ sự phẫn nộ.
Tờ London Evening Standard cho rằng bộ phim không có yếu tố gợi cảm, thay vào đó The Idol giống như phim khiêu dâm nhếch nhác và tra tấn. Đặc biệt, chuyên gia tâm lý học chỉ trích The Idol khắc họa một bức tranh tiêu cực về bệnh tâm thần. Khiến người xem có góc nhìn méo mó về căn bệnh độc hại trong xã hội hiện đại.
Sự độc hại vượt qua ranh giới giải trí
“Bệnh tâm thần thật gợi cảm” là lời nhận xét của một thành viên trong ê-kíp khi họ bàn luận việc Jocelyn (Lily-Rose Depp) đeo vòng tay bệnh viện. Người này cho rằng việc lãng mạn hóa bệnh tâm thần là cần thiết và không nên ngăn cản sự phóng khoáng của ngôi sao trẻ Jocelyn.
Theo Mark Travers - tiến sĩ tâm lý học từ Đại học Colorado Boulder (Mỹ) - nhận định The Idol vô trách nhiệm khi đưa ra những quan niệm sai lầm về “sự gợi cảm” của bệnh tâm thần.
Anh cho biết: “Việc thể hiện bệnh tâm thần một cách sáng tạo và nghệ thuật vốn dĩ không có gì sai trái. Vì vậy, trong bối cảnh khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, chúng ta cần có trách nhiệm khắc họa bệnh tâm thần theo những cách tinh tế và có trách nhiệm”.
Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Health Communication khẳng định các mô tả về bệnh tâm thần trên màn ảnh có thể ảnh hưởng đáng kể đến nhận thức và hiểu biết của công chúng về sức khỏe tâm thần. Theo nhóm tác giả, ngành công nghiệp điện ảnh và truyền hình cần có sự đồng cảm, đồng thời chống lại những mô tả tiêu cực về bệnh tâm thần.
Bệnh tâm thần được khắc họa thiếu tinh tế trong loạt phim The Idol. |
Năm 2021, tạp chí Drug and Alcohol Dependence công bố nghiên cứu dựa trên việc phân tích 725 bình luận về series Euphoria cho thấy đa số người xem cảm nhận được tính chân thực trong cách mô tả bệnh tâm thần và sự phụ thuộc vào chất gây nghiện. Kết quả nghiên cứu cũng tiết lộ rằng người xem đôi khi bị kích thích bởi những mô tả về bệnh tâm thần và cách sử dụng chất kích thích trong phim.
Theo tiến sĩ Mark Travers các bộ phim trên truyền hình trực tuyến mang đến lối thoát cho những người dễ bị tổn thương. Từ đó, cho phép họ liên tưởng đến những hình mẫu hư cấu để tạo sự đồng cảm. Đa phần người xem đều hiểu rằng họ đang xem một chương trình hư cấu, song cách kể chuyện trên màn ảnh thường tác động một cách âm thầm và khéo léo.
Mới chỉ phát sóng tập đầu tiên, The Idol đã khiến khán giả sửng sốt bằng loạt phân cảnh gợi dục, cài cắm thông điệp một cách đen tối. Khán giả có thể quay lưng với The Idol, nhưng ảnh hưởng tiêu cực mà bộ phim truyền tải là đáng quan ngại. Khó để dự đoán thời điểm cơn ác mộng mang tên The Idol mới có thể chấm dứt.
Thảm họa “The Idol” chưa dừng lại
Tại LHP Cannes 2023, The Weeknd, nam chính và là người đồng sáng tạo The Idol cho hay: “Tôi muốn mang đến một câu chuyện cổ tích đen tối và phức tạp về ngành công nghiệp âm nhạc”. Anh tiết lộ đã cùng đạo diễn Sam Levinson tạo ra một bộ phim thú vị, đồng thời chọc tức một số người. Theo đó, vị đạo diễn cũng thừa nhận đang thực hiện một bộ phim mang tính khiêu khích.
Bộ đôi thành công trong việc khiêu khích và chọc tức người xem. Tuy nhiên, việc đưa góc khuất trong ngành công nghiệp âm nhạc ra ánh sáng đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Sử dụng yếu tố khiêu dâm, tục tĩu là công thức quen thuộc mà đạo diễn Sam Levinson từng thể hiện qua loạt phim Euphoria. Tới The Idol, vị đạo diễn thất bại trong cách truyền tải nội dung, biến bộ phim trở thành "rác phẩm" trong mắt khán giả toàn cầu.
Ngoài ra, đạo diễn The Idol phủ nhận khi Jocelyn được ví như Britney Spears: “Chúng tôi không xây dựng nhân vật dựa trên bất kỳ ngôi sao nhạc pop cụ thể nào. Chúng tôi quan tâm đến cách thế giới nhìn nhận các ngôi sao nhạc pop và áp lực đối với cá nhân đó”.
Vai phụ của Jennie gây phẫn nộ bởi màn thể hiện vũ đạo gợi dục trong phim. |
Thay vì lột tả góc khuất đời tư nghệ sĩ, The Idol lạc lối và dần đi theo con đường cổ xúy cho các giá trị tiêu cực. Chưa kể, một thiếu sót nghiêm trọng là bộ phim không hiện cảnh báo nội dung tiêu cực. Việc khắc họa chủ đề nhạy cảm một cách thiếu tinh tế sẽ khó để người xem nắm bắt nội dung hay gợi sự đồng cảm. Câu chuyện, nhân vật trong phim có thể hư cấu, song tác động tiêu cực hoàn toàn có thể xảy ra trong đời thực.
Khi Pop Tarts and Rat Tales chỉ là món khai vị, khán giả khó có thể dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong bữa tiệc được The Idol chuẩn bị. Hiện tại, trên trang đánh giá Rotten Tomatoes, The Idol được chấm 27% từ các nhà phê bình và 58% của khán giả. Dự kiến, số điểm sẽ có nhiều biến động trong khoảng thời gian tới.
Chuyên mục giải trí giới thiệu cuốn sách ‘Liệu pháp âm nhạc - lý thuyết và thực hành’. Tác phẩm là một trong những tài liệu đầu tiên về việc sử dụng âm nhạc để điều trị bệnh tâm thần tại Việt Nam. Cuốn sách gồm 5 chương chứa đựng toàn bộ kiến thức lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực tiễn và những thành công trong việc sử dụng liệu pháp âm nhạc.