Nhiều người ám ảnh với việc tìm ra cách quản lý thời gian hiệu quả. Ảnh minh họa: KoolShooters/Pexels. |
Trong một thế giới có nhịp độ nhanh, bị ám ảnh bởi nền văn hóa hối hả, cuốn sách Four Thousand Weeks: Time Management for Mortals của Oliver Burkeman giống như một liều thuốc giải độc. Nó cung cấp cho người đọc mẹo để sống chậm lại, tận hưởng khoảng thời gian hữu hạn chúng ta có trên Trái Đất, theo New York Post.
Kể từ khi được phát hành vào tháng 8/2021, cuốn sách trở thành tác phẩm ăn khách và lọt vào danh sách bán chạy của tờ New York Times.
Burkeman, nhà bình luận tâm lý học của The Guardian, sống tại New York (Mỹ), cho biết ông đã dành nhiều năm sống như một kẻ đam mê năng suất công việc, luôn muốn tìm ra phương pháp quản lý thời gian mang lại cho ông sự an tâm và cảm giác kiểm soát thời gian.
Tác giả Oliver Burkeman truyền tải thông điệp về thời gian trong cuốn sách. |
Tuy nhiên về sau, ông nhận ra rằng cuộc sống con người quá ngắn ngủi, thậm chí ông gọi là "ngắn một cách ngớ ngẩn, kinh khủng, xúc phạm". Nếu trung bình tuổi thọ một người là 80 năm, tương đương họ sẽ có khoảng 4.000 tuần. Đó cũng là tiêu đề cuốn sách.
Trong khoảng thời gian tồn tại ngắn ngủi, chúng ta loay hoay với việc quản lý thời gian để làm sao tận dụng tối đa từng giây. Nhưng thay vì trở nên năng suất hơn, chúng ta lại trở nên căng thẳng hơn và nói thẳng ra là đau khổ.
"Điều chúng ta thực sự tìm kiếm khi cố gắng 'đạt được mọi thứ' là khả năng sử dụng thời gian của mình để làm được nhiều việc hơn những gì con người có thể làm được", Burkeman nói.
Thay vào đó, Four Thousand Weeks ủng hộ việc nắm lấy sự hữu hạn của thời gian ngắn ngủi của con người. Burkeman kêu gọi độc giả chấp nhận rằng làm việc hiệu quả nhất không có nghĩa là thỏa mãn nhất.
Lời khuyên số một của ông dành cho độc giả: "Tôi nghĩ rằng vấn đề ở đây là bạn cần chấp nhận việc mình có thể 'không' hoàn thành công việc nào đó, để có thể tập trung vào những gì quan trọng nhất. Nếu một số hoạt động hoặc dự án hay mối quan hệ thực sự quan trọng với bạn, bạn chỉ cần dành thời gian và sự chú ý cho nó ngay lập tức, ngay cả khi những thứ khác có thể bị trì hoãn hoặc bỏ dở".
Gen Z giúp đẩy doanh số của tiểu thuyết lãng mạn
Cách đây một thập kỷ, nhóm đọc tác phẩm lãng mạn nhiều nhất là phụ nữ 35-54 tuổi. Nhưng trong vài năm qua, độ tuổi đã được mở rộng và trẻ hóa xuống thế hệ Gen Z. Sự thành công của các tác phẩm lãng mạn trong việc chinh phục độc giả này còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi những cộng đồng yêu sách trên mạng xã hội.