Dù không thực sự bất ngờ, kết quả Cánh diều lần thứ 19 vẫn mang đến một số lăn tăn cho khán giả yêu điện ảnh Việt. Phần lớn ý kiến đồng tình khi Đêm tối rực rỡ đại thắng với 5 giải thưởng, bao gồm Phim truyện xuất sắc. Song, quyết định của ban giám khảo vẫn để lại một vài tiếc nuối. Điển hình là việc Lý Hải trắng tay với Lật mặt: 48h - tác phẩm anh đạo diễn kiêm biên kịch.
Là phim hành động duy nhất ở mảng điện ảnh, dự án có nhiều lợi thế và dễ được chú ý hơn khi tham gia cuộc đua Cánh diều. Đáng tiếc, phim không được gọi tên ở bất kỳ hạng mục nào, thậm chí mất cơ hội giành Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Lý Hải trắng tay ở giải Cánh diều
Lật mặt: 48h là dự án thứ 5 trong loạt phim Lật mặt do Lý Hải cầm trịch, khởi động từ năm 2015 khi anh chính thức bước chân vào con đường đạo diễn. Đáng chú ý, các tác phẩm có nội dung độc lập, chủ đề hoàn toàn khác nhau, chỉ có những màn hành động làm nên phong cách đặc trưng đậm chất Lý Hải.
Chuyện phim đơn giản, xoay quanh cuộc rượt đuổi, truy lùng của băng tội phạm để giành lại báu vật từ nhân vật chính - cựu vận động viên boxing. Dẫu vậy, tác phẩm của Lý Hải vẫn gây được ấn tượng nhờ phần hành động được đầu tư.
Xuyên suốt thời lượng 110 phút, những màn đánh đấm, rượt đuổi diễn ra liên tục giúp phim duy trì không khí hồi hộp, căng thẳng. Thậm chí, đây còn là dự án chịu chơi hiếm thấy của điện ảnh Việt với loạt cảnh đa dạng, từ cận chiến, đua xe, rượt tàu, cháy nổ cho đến sập nhà,...
Lật mặt: 48h được đánh giá là tác phẩm đột phá trong sự nghiệp của Lý Hải. |
Ra rạp tháng 4/2021, tác phẩm nhận nhiều ý kiến đánh giá tích cực từ giới phê bình lẫn khán giả. Doanh thu phòng vé cũng ấn tượng, đạt hơn 150 tỷ đồng, hiện đứng thứ 8 trong danh sách phim Việt ăn khách nhất mọi thời.
Thế nhưng tại giải Cánh diều 2021, Lật mặt: 48h chỉ được công nhận bằng việc có tên trong hạng mục đề cử. Xét về chất lượng tổng thể, dự án chưa đến mức xuất sắc nhưng lại có phần nhỉnh hơn Bẫy ngọt ngào - phim đầu tay của Đinh Hà Uyên Thư - giành Bằng khen của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Thuộc thể loại chính kịch, Bẫy ngọt ngào pha trộn giữa một chút chick flick (dòng phim dành cho phụ nữ) và một chút giật gân. Khi ra mắt, tác phẩm gây tranh cãi vì kịch bản và cách khai thác chủ đề còn nhiều điểm lấn cấn, nhất là cái kết phá hỏng hoàn toàn câu chuyện, làm giảm giá trị phim.
Ở lần đầu lấn sân sang mảng điện ảnh, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư chưa thể kiểm soát được phong cách lẫn lối kể chuyện. Trái lại, Lý Hải có đến 7 năm kinh nghiệm, từng thực hiện 4 phim hành động trước đó, tạo được dấu ấn cá nhân mạnh mẽ qua khung hình.
Khó thể nói Bẫy ngọt ngào dở. Nhưng nếu phim được nhận Bằng khen, ít ra Lật mặt: 48h cũng nên đạt thành tích tương tự.
Với sự đầu tư và kinh nghiệm đạo diễn, phim của Lý Hải dung hòa tốt yếu tố giải trí lẫn kỹ thuật, để lại cảm giác thỏa mãn cho người xem. Trong khi đó, một điểm trừ của Bẫy ngọt ngào làm hỏng nhiều điểm cộng, tạo nên cái kết gây thất vọng.
Nếu phải đặt lên bàn cân, chất lượng của Bẫy ngọt ngào vẫn thua thiệt so với Lật mặt: 48h. |
Việc Bẫy ngọt ngào được gọi tên cho thấy giải Cánh diều luôn ghi nhận nỗ lực của một nhà làm phim mới như Đinh Hà Uyên Thư, sẵn sàng bỏ qua những khiếm khuyết trong tác phẩm. Song, Lý Hải bị phớt lờ lại là điều gây tiếc nuối.
Có vẻ như Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thực sự cởi mở với dòng phim hành động. Những năm gần đây, danh sách đề cử giải Cánh diều chỉ lác đác một, hai phim thuộc thể loại này xuất hiện.
Hai năm trước tại giải Cánh diều 2019, kết quả gây sốc khi Hai Phượng (Lê Văn Kiệt đạo diễn) phải nhường giải cao nhất cho Hạnh phúc của mẹ (Huỳnh Đông đạo diễn), chỉ nhận về Cánh diều bạc. Thậm chí, tác phẩm của Huỳnh Đông còn vướng tin đồn mua giải vì chất lượng có phần thua thiệt so với phim Ngô Thanh Vân đóng chính.
Tại cuộc đua Cánh diều 2018, Người bất tử (Victor Vũ đạo diễn) cũng rơi vào trường hợp tương tự Lật mặt: 48h. Phim có nhiều điểm sáng nhưng hoàn toàn thua cuộc, phải ra về tay trắng.
Phim hành động lép vế
Năm nay, điện ảnh Việt chứng kiến sự lên ngôi của dòng phim kinh dị với hàng loạt tác phẩm như Bóng đè, Chuyện ma gần nhà, Cù lao xác sống, Vô diện sát nhân,… Chỉ riêng trong danh sách đề cử Cánh diều lần thứ 19, có đến 3/11 dự án kinh dị gồm: Rừng thế mạng (Trần Hữu Tấn đạo diễn), Nhà không bán (Hoàng Tuấn Cường đạo diễn), Người lắng nghe: Lời thì thầm (Khoa Nguyễn đạo diễn).
Số lượng phim kinh dị tăng lên không đồng nghĩa với chất lượng đảm bảo. Phần lớn các tác phẩm nói trên đều nhận nhiều lời chê về kịch bản, nội dung, diễn xuất cho đến phong cách đạo diễn.
Trong khi đó, phim hành động Việt hoàn toàn vắng bóng ngoài rạp. Khán giả yêu thích thể loại này buộc phải lựa chọn các tác phẩm quốc tế.
Một số phim Việt dù có yếu tố hành động lại không được khai thác sâu, thậm chí rất tệ. Đơn cử như Cù lao xác sống. Những cảnh con người đánh đấm, tiêu diệt zombie trong phim chẳng những không tạo được kịch tính mà còn khiến người xem thở dài vì cách dàn dựng sơ sài, thiếu đầu tư.
Một số phim như Cù lao xác sống có yếu tố hành động nhưng không được đầu tư, chỉ đưa vào cho vui. |
So với thể loại kinh dị, phim hành động thường khó thực hiện hơn. Trên thế giới, từng có nhiều phim kinh dị thành công dù số tiền đầu tư ít ỏi. Chẳng hạn như Saw (2004) với 1,2 triệu USD, hay Get Out (2017) với 4,5 triệu USD. Trái lại, phần lớn phim hành động thường gắn mác bom tấn, có kinh phí cao ngất ngưỡng.
Năm nay, một dự án hành động Việt được quảng bá rầm rộ là 578: Phát đạn của kẻ điên lại gây thất vọng vì chất lượng kém.
Phim có kinh phí đắt đỏ, lên đến 60 tỷ đồng, được hứa hẹn là “bom tấn” hành động với sự tham gia của ê-kíp nước ngoài, từ đạo diễn hành động Hàn Quốc Oh Sea Young đến diễn viên Pháp gốc Việt Alexandre Nguyễn.
Chưa kể, cầm trịch dự án lại là đạo diễn Lương Đình Dũng, người từng làm Cha cõng con - đại diện Việt Nam tranh giải Oscar 2018 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc. Tất cả khiến nhiều khán giả đặt kỳ vọng, mong rằng điện ảnh Việt sẽ có một phim hành động xứng tầm quốc tế.
Tuy nhiên, khi ra mắt phim bị chê vì kịch bản kém, cách dàn dựng rời rạc, nhiều lỗi. Nội dung ngớ ngẩn một cách khó hiểu khi bắt nhân vật chính phải đối diện với kẻ thù này đến kẻ thù khác, chỉ để khoe những màn đánh đấm, rượt đuổi vô nghĩa.
Phần hành động trong phim được đầu tư, nhưng lại không tạo được cảm giác hồi hộp, gay cấn cần có. Thậm chí, không ngoa khi nói tác phẩm có chất lượng thua cả phim hạng B (các dự án kinh phí thấp, đạo diễn và diễn viên mới vào nghề, ít tên tuổi hoặc đã qua thời). Kết quả là phim bại trận khi ra mắt, rơi vào tình trạng lỗ nặng vì chỉ đạt doanh thu hơn 3,5 tỷ đồng.
Một dự án khác cũng có thể xếp vào hàng bom tấn là Thanh sói đến từ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, với kinh phí công bố hơn 46 tỷ đồng. Nhưng phim liên tục bị dời lịch chiếu với nhiều lý do, đến nay vẫn chưa chốt ngày ra mắt chính thức.
Thanh Sói là dự án hành động được quảng bá từ lâu nhưng dời lịch chiếu nhiều lần, chưa chốt ngày ra mắt chính thức. |
Khó làm một tác phẩm hành động hay, nhưng không phải là điều bất khả thi. Sau gần hai thập niên, Dòng máu anh hùng (2007) vẫn luôn giữ được chỗ đứng nhất định trong lòng khán giả như tượng đài thể loại hành động Việt. Song, đó chỉ như cơn mưa hiếm hoi giữa sa mạc khô cằn.
Trong bối cảnh phim hành động xuất hiện nhỏ giọt, một tác phẩm được đầu tư chỉn chu như Lật mặt: 48h của Lý Hải xứng đáng được tuyên dương. Việc dự án chịu thua các đối thủ tại giải Cánh diều phần nào cho thấy phim hành động vẫn lép vế, chưa thực sự có chỗ đứng vững chắc.
Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã đưa thể loại hành động lên đến đỉnh cao. Hollywood sản xuất hàng loạt dự án tranh giải Oscar như The Dark Knight (2008), Avatar (2010), Mad Max: Fury Road (2015),… Hay Hàn Quốc có The Admiral: Roaring Currents hiện đứng đầu danh sách phim nội địa ăn khách nhất mọi thời, đạt doanh thu gần 140 triệu USD.
Nhìn chung, điện ảnh Việt cần nhiều hơn nữa các tác phẩm hành động được đầu tư, cũng như những đạo diễn chịu chơi như Lý Hải. Muốn như vậy, giải thưởng điện ảnh cũng nên cởi mở hơn với dòng phim hành động, tạo điều kiện để những tác phẩm hay được công nhận.