Ly hôn bạt mạng
Hiện nay việc ly hôn có vẻ quá ư dễ dàng, hai người trẻ tuổi đến với nhau rồi lại mang nhau ra tòa nhẹ nhàng như không.
Nhận được tin nhắn của cô bạn, Tuấn chạy qua quán cà phê như lời hẹn. Chưa ngồi ấm chỗ cô bỗng khóc nức lên làm anh phát hoảng, vừa chả hiểu chuyện ra làm sao, vừa sợ mọi người xung quanh hiểu nhầm.
Một lúc sau, cô mới hết thút thít và buông một câu xanh rờn “Em sẽ ly dị chồng”. Há hốc mồm mất một lúc Tuấn mới có thể bắt lại nhịp cuộc nói chuyện và sử dụng nghiệp vụ tư vấn của mình.
Hóa ra chuyện cũng chả có gì ghê gớm. Dạo gần đây, sau khi sinh con, chả hiểu sao chồng cô lại bắt đầu bê trễ chuyện “vợ chồng”. Hôm nào cũng thế, về đến nhà nằm dài, chơi với con, ăn cơm, xem tivi và lăn quay ra ngủ.
Trăm ngày như một, chả mấy ngày anh động đến lông chân của vợ chứ đừng nói thực hiện trách nhiệm của “người chồng chân chính”. Loay hoay gợi ý thì cô vợ cũng chỉ nhận được những lời ừ hữ, "anh mệt quá" hay nếu có “tham chiến” thì cũng chỉ nhoáy cái là xong.
Ấm ức lắm, cô vợ đoán già đoán non là chồng có bồ. Thêm những xung đột nảy sinh với gia đình chồng làm cục tức trong cô càng to. Cuối cùng quyết định đơn giản là ly dị.
Quyết định dứt khoát và chóng vánh của cô làm Tuấn hoảng hồn. Vận dụng hết khả năng tư vấn cùng những kiến thức sẵn có, hơn một tiếng sau cô bạn mới mỉm cười và cam kết sẽ có cuộc nói chuyện thoải mái với chồng nhằm cải thiện tình hình.
Chuyện cô bạn kia không phải là một trường hợp thiểu số mà dường như nó là đa số trong xã hội hiện nay. Nhiều khách hàng trẻ tuổi đều có những phán quyết rất nhanh chóng và có phần tiêu cực.
Ngay những người thân của Tuấn cũng không ít lần phải nhờ đến anh tư vấn. Vợ chồng ông bà chị họ là một ví dụ điển hình nữa mà anh từng biết.
Từ ngày cưới nhau, hai bên đã không ít lần va chạm. Có lần nặng, lần nhẹ nhưng các quyết định đều dẫn đến “tôi với anh hay tôi với cô tốt nhất là ly dị, chứ sống thế này sống làm gì”.
Lần gần đây nhất và cũng là lần căng thẳng nhất. Số là hai anh chị đang vui vẻ, anh nằm trên giường, chị cho con ăn, lằng nhằng cãi cọ chuyện cho con ăn thế nào mà chị cho anh cả ca nước ướt từ chân đến đầu, mà trời thì đang rét căm căm. Chả nói chả rằng, anh xách xe đi thẳng.
Tưởng chồng đi đến tối thì về, chị mặc xác. Nhưng lần này đằng đẵng gần tuần chả thấy tăm hơi chị bắt đầu tức tối. Bình thường chỉ có chị hay bỏ về nhà mẹ mỗi khi cãi nhau chứ làm gì có chuyện chồng biến đi mà chẳng nói một lời thế này.
Thế là từ người cảm thấy có lỗi, chị chuyển sang tâm trạng của người bị phản bội. Chị vội vã quyết định đơn giản là ly hôn, sống với người chồng thế này thà chết quách đi còn hơn.
Chị kiên quyết, anh cũng chẳng vừa. Sau một tuần biến mất, anh xuất hiện ở nhà vợ với lời xin lỗi bố mẹ vợ: "Con với nhà con chắc không ở được với nhau. Con xin lỗi bố mẹ để chúng con ly dị".
Những tưởng như lần trước mọi người bình chân như vại, nhưng đến lúc thấy hai anh chị đâm đơn thật thì cả nhà bắt đầu phát hoảng.
"Trong cuộc sống hiện đại, có vẻ như những cặp vợ chồng trẻ hiện nay chưa cảm nhận hết được những giá trị của gia đình. Mỗi khi có va chạm, ít người ngồi lại nói chuyện với nhau một cách thẳng thắn để xem xét vấn đề tỉ mỉ nhằm có giải pháp tích cực mà họ thường đưa ra những giải pháp tiêu cực như ly hôn. Có thể đó chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ ly hôn trong giới trẻ Việt Nam hiện nay rất cao.
Đến được với nhau đã là một điều khó, nói như nhà Phật, phải có duyên, trở thành vợ chồng lại càng khó hơn. Thế nhưng chia tay nhau lại là điều đơn giản. Do đó, trước khi nói lời chia tay, hãy phấn đấu hết mình, suy xét cụ thể vấn đề để có những giải pháp tích cực nhất. Mỗi khi có va chạm trong gia đình, hãy đừng nói hai chữ “ly hôn” một cách vội vàng và nhẹ nhàng như thế bởi vì nếu chúng ta cứ nhắc đi nhắc lại biện pháp tiêu cực này, người nghe sẽ bị ảnh hưởng nặng nề và bản thân chính chúng ta cũng bị ảnh hưởng nhất định khiến vết rạn nứt càng trở nên khó hàn gắn hơn", chuyên gia tư vấn tâm lý gia đình Phạm Văn Tuấn của công ty An Việt Sơn (http://tamly.anvietson.com/) cho ý kiến.
Theo Ngôi Sao