Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý Hùng - 'Bạch mã hoàng tử' sáng giá nhất điện ảnh Việt

Ngày trước, Lý Hùng sống là để vượt qua những đỉnh cao tự mình xác lập thì nay, anh sống vì những đam mê vẫn còn tràn đầy trong lòng.

Lý Hùng sinh năm 1969, là nam diễn viên điện ảnh nổi tiếng kiêm ca sĩ của Việt Nam. Thời kỳ huy hoàng trong sự nghiệp điện ảnh của anh ở thập niên 1990, và cũng là một diễn viên Việt Nam thường xuyên xuất ngoại, tham gia đóng trong một số phim hợp tác của điện ảnh Hong Kong.

Từ 1991-1999, Lý Hùng liên tiếp được bình chọn là Nam diễn viên khả ái và Nam diễn viên được yêu thích nhất do báo Thanh Niên và Người Lao Động bình chọn. Hàng chục vai diễn của anh đã để lại ấn tượng đẹp cho khán giả.

Lý Hùng và bạn diễn.

Sinh ra trong một gia đình nhà võ, Lý Hùng sớm được cha dạy dỗ và dìu dắt trên con đường võ thuật, nghệ thuật. Ông nội của anh vốn là một võ sư nổi tiếng. Còn ba anh là NSND Lý Huỳnh, trước năm 1975, từng làm mưa làm gió trên sàn đài quyền Anh và võ tự do. Nghiêm khắc là thế nhưng ông chưa bao giờ đánh con lấy một roi. Ông luôn đi bên cạnh con, dõi theo từng bước đi của Lý Hùng để luôn kịp thời động viên anh.

Nếu “máu” võ đã chảy trong Lý Hùng từ lúc chưa lọt lòng thì niềm đam mê nghệ thuật đã phát sinh từ những ngày anh theo cha đến phim trường xem cha diễn. Ít ai biết Lý Hùng đã khởi nghiệp diễn viên với vai thằng nhỏ bắn ná thun trúng mông tên cảnh sát ngụy trong phim Phượng năm 1982 của đạo diễn Lê Văn Duy.Lúc ấy, đạo diễn cho Lý Hùng đóng phim chỉ vì thấy thằng nhỏ mặt mày sáng sủa, lanh lẹ, chứ chưa biết “hắn” là hậu duệ của diễn viên Lý Huỳnh.

Không ngờ vai diễn bé xíu ấy đã đưa Lý Hùng đến với phim Đàn chim và cơn bão của đạo diễn Cao Thuỵ, rồi đến Nơi bình yên chim hót. Sau một vài vai phụ khác trong các phim: Ván bài lật ngửa, Ông hai cũ…, theo lời khuyên của thân phụ, anh thi vào trường Sân khấu Điện ảnh năm 1986 và học lớp diễn viên điện ảnh khoá 1 của trường.

Tất cả các vai mà Lý Hùng đã diễn, đều lớn tuổi hơn tuổi thực của anh rất nhiều. Ở phim Nơi bình yên chim hót, Lý Hùng thủ vai cậu sinh viên đi bộ đội khi mới học lớp 9 trường Hùng Vương, hay như khi đóng Phạm Công Cúc Hoa, Lý Hùng mới 17 tuổi nhưng đã phải dùng tóc dán vô làm râu để tròn vai Phạm Công nức danh trên chiến trường.

Khi đóng Người không mang họ, Lý Hùng cũng chỉ mới 17 tuổi, nhưng đã thủ vai Trương Sỏi, tên tướng cướp khét tiếng đa tình. 2 diễn viên vào vai người yêu của Trương Sỏi là Lan Hương (đoàn kịch Công an Nhân dân) và nữ võ sư Kim Chi khi đó đều đã ngoài 30 tuổi. Lý Hùng đều gọi họ là cô ở ngoài đời, nhưng trong phim thì lại nhập vai tình nhân rất đạt.

Thời ấy, không ít cô gái đã xiêu lòng trước nam tài tử điển trai này.

Hơn 20 năm trong nghề, anh tham gia diễn xuất trên 100 bộ phim với đủ thể loại, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả Việt. Lý Hùng đóng đa dạng từ phim lịch sử, võ thuật, phản diện, chính diện,.. , trong đó có rất nhiều phim nổi tiếng như: Phạm Công Cúc Hoa, Người không mang họ, Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Phi vụ phượng hoàng, Cảnh sát đặc khu, Hồng hải tặc, Bên dòng sông Trẹm, Lệnh truy nã, Tình và hận, Nước mắt học trò, Đồng tiền nhân nghĩa, Sơn thần - Thủy quái

Thời đỉnh cao của phong độ và sự nghiệp, Lý Hùng nổi tiếng với vẻ đẹp hào hoa, lãng tử và một thân hình săn chắc, nở nang rất "chuẩn form".

Anh bất ngờ nổi tiếng ngoài mong đợi khi mới 17 tuổi sau bộ phim Phạm Công - Cúc Hoa của đạo diễn Trần Bạch Đằng với nữ diễn viên xinh đẹp Diễm Hương. Lý Hùng và các diễn viên phải diễn xuất trong điều kiện kinh phí của đoàn làm phim thiếu thốn, khó khăn. Diễn viên diễn xuất trên những ngọn đồi, phải leo núi giữa cái nắng thiêu đốt của Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) và của miền Trung. Có những lúc cảm thấy rất cực nhưng có ba đi cùng động viên, anh lại tự nhủ phải kiên trì.

Chính sự nghiêm khắc của cha, tinh thần võ đạo được tôi luyện từ thuở nhỏ đã khiến Lý Hùng vượt qua mọi khó khăn. Dù vừa làm vừa học nhưng Lý Hùng luôn đạt kết quả tốt. Những năm cấp II, học lớp chuyên Toán, cậu học trò Lý Hùng không hề học thêm, bài vở chỉ cần xem qua là nắm được ý. Bị gọi lên trả bài, cả lớp đều cười vì Lý Hùng không bao giờ trả lời như mọi người.

Phạm Công - Cúc Hoa ra mắt và thành công vang dội. Nội dung đầy tính nhân văn về câu chuyện tình buồn gặp nhiều trắc trở đã lấy đi nhiều nước mắt của khán giả. Tên tuổi của anh và Diễm Hương cũng theo đó mà nổi tiếng ở khắp mọi nơi và trở thành một cặp sóng thần ở trong phim và mong ước trở thành một cặp tình nhân ngoài đời thực.

Khi cả nước biết đến anh với vai Phạm Công, mỗi khi ra đường có hàng chục người vây lại hâm hộ thì ở trường Lý Hùng vẫn là một cậu học sinh giống như bao học sinh khác, không kênh kiệu vì mình là người nổi tiếng. Anh vẫn khoái đi ăn kem, ngồi tán dóc với các bạn học. Anh chia sẻ: “Tôi không có suy nghĩ mình nổi tiếng với bạn bè mặc dù ra đường được người ta bu lại, tôi vẫn sống bình thường như bạn bè. Không cảm thấy mình cá biệt với các bạn bè vì sự nổi tiếng, làm những điều lập dị vì mình là người nổi tiếng”.

Lý Hùng trở thành nam diễn viên sáng giá nhất trong làng điện ảnh Việt lúc bấy giờ, mức cát-xê “khủng” vào thời đó. Thời kỳ tên tuổi của anh nổi như cồn, có phim anh được trả thù lao rất cao, tính ra tiền hiện tại tới 60 cây vàng một phim. Cuộc sống của anh lúc bấy giờ không thua kém các sao Hollywood. Đóng 2 phim có thể mua một chiếc ôtô xịn. Đó là lý do anh được gọi bằng danh hiệu “ông hoàng phòng vé”.

Vai diễn nào của Lý Hùng cũng thế: hào hoa, nghĩa khí, dũng mãnh và đầy khát vọng sống cao đẹp như cái tên anh, con người anh luôn khiến khan giả lúc bấy giờ mê mẩn. Có người xem anh như người hùng, là bạch mã hoàng tử trong mơ của mình. Cho đến giờ phút này, tên tuổi của chàng diễn viên hào hoa vẫn không hề vướng bận một điều tiếng thị phi nào trong đời tư lẫn sự nghiệp.

Lý Hùng sống kín tiếng và giản dị.

Những năm đỉnh cao, khi tham dự Liên hoan phim Việt Nam tại Hải Phòng, Lý Hùng được chở trên xe xít-đờ-ca chào khán giả làm tắc nghẽn cả thành phố. Không chỉ nổi tiếng trên màn ảnh, Lý Hùng còn đắt show đi hát. Thời đó, chuyện catse không được lên báo và gây sốt như bây giờ. Theo anh kể: “Ngày ấy khi hát ở Cung Hữu nghị Liên Xô – Hà Nội một ngày 2 suất, mà rạp của họ có hơn 1.000 khán giả. Ra Hải Phòng hát cũng 3 suất trong một ngày, tôi đi đến đâu cũng cháy vé”.

Hầu hết những vai anh đóng đều là vai chính diện, hiện thân cho cái thiện ở đời. Điều đó khẳng định một thương hiệu gần như độc quyền của Lý Hùng.

Kể cả khi anh vào vai tướng cướp như Trương Sỏi trong Người không mang họ năm 1990, người hâm mộ vẫn yêu mến vì hình mẫu của một đại ca giỏi võ nghệ, ẩn phía sau những vụ trấn cướp là chất nhân văn sâu thẳm trong tâm hồn, là một khát vọng lương thiện mạnh mẽ. Điều kiện điện ảnh lúc đó còn thiếu thốn, người ta yêu cầu anh phải dùng tay không để chặt một chai rượu thật. Sau cảnh này anh phải khâu 9 mũi ở tay. Có lần diễn cảnh bay qua xe ô tô, bị đập vào kính cũng phải khâu ở đùi. Đó là những kỷ niệm mà anh không bao giờ quên được.

Lý Hùng từng chia sẻ có lẽ mặt mũi mình nhìn đàng hoàng, hiền lành nên đạo diễn thường nhắm cho những vai anh hùng, công an, doanh nhân thành đạt… để đấu tranh với cái ác. Lý Hùng còn được xem là một gương mặt vàng để các đạo diễn dựng nên hình tượng người anh hùng dân tộc như: Quang Trung - Nguyễn Huệ (phim Tây Sơn hào kiệt), Lý Công Uẩn (phim Về đất Thăng Long), vị tướng trong Lửa cháy thành Đại La, Thăng Long đệ nhất kiếm…

Trước đây anh từng gặp nhiều sự cố cười ra nước mắt, lúc đóng Thăng Long đệ nhất kiếm, Lý Hùng bị ngựa... "tự phi" chạy suýt té. Lý do là sơ ý khi đeo kiếm, để kiếm đâm vô lưng ngựa làm nó đau mà càng đau thì nó càng chạy và càng chạy thì kiếm càng đâm vô lưng nên nó cứ cắm đầu chạy riết không chịu dừng. Một lần khác quay phim ở Đà Lạt, vì không tìm được con ngựa to nên đoàn phim đánh liều chọn luôn con ngựa nhỏ, Lý Hùng mới leo lên, chưa kịp quay thì nó bị... sụm bà chè".

Đẹp trai, phong độ, mạnh mẽ và nổi tiếng nên thời còn đi học, Lý Hùng cũng có những mối tình học trò trong trường. Anh kể học trò ngày xưa không yêu như teen bây giờ, thích nhau là rủ nhau đi uống cà phê, uống trà sữa ào ào. Có lần gặp một bạn nữ ở căn tin, cô bạn hỏi đóng phim có vui không, có khó không thì anh cũng chỉ dám trả lời cụt ngủn. Để ý tới nhau nhiều mà tới giờ nghĩ lại, anh nhớ mình còn chưa được một lần nắm tay cô gái đó.

Đến thời kỳ đỉnh cao, những mối tình đẹp tuyệt vời mà khán giả hy vọng "phim giả tình thật" nhưng vẫn không như họ nghĩ. Lý Hùng xem Việt Trinh, Diễm Hương, Thu Hà… như những người bạn thân. Chỉ có Y Phụng là Lý Hùng đã thừa nhận từng yêu nhau 4 năm, cặp đôi này cũng một thời làm khán giả phải thổn thức, xao xuyến trong các phim: Bên dòng sông Trẹm, Sóng tình,…

Sau nhiều năm quay trở lại với điện ảnh, cái tên ấy vẫn chưa một lần nguội lạnh trong lòng người hâm mộ. Anh được sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "Nam diễn viên đóng nhiều vai chính nhất phim Việt Nam” trong hơn 50 bộ phim.

Không chỉ yêu kính cha, Lý Hùng còn học được rất nhiều điều từ người mẹ kính yêu của mình. Anh thường nói rất thần tượng mẹ và mong cưới được một người vợ có những đức tính như mẹ. Chia tay với những mối tình đã qua vì nhiều lý do khác nhau, đến giờ khi đã bước qua tuổi tứ tuần Lý Hùng vẫn là “lính phòng không”. Lý Hùng mong muốn vợ của mình sau này cũng giống như mẹ, vợ anh không cần đẹp mà chỉ cần có lòng nhân ái.

Thời hoàng kim, Lý Hùng lãnh cát-xê vài chục triệu, có thể mua được cả chục lượng vàng, mang về hết cho mẹ. Nhưng anh lại thấy mẹ đem tiền chia sẻ cho người nghèo, bệnh nhân khốn khổ... Lúc đầu vì chưa hiểu, Lý Hùng cảm thấy hơi buồn. Thế nhưng, qua những chuyến đi từ thiện của mẹ, anh dần dần thấm nhuần lòng bác ái của bà và vô cùng tự hào, khi được góp phần xoa dịu những nỗi đau. Một Lý Hùng ngang tàng hoặc lãng tử trên phim ảnh, hóa ra lại rất giản dị trong cuộc sống đời thường.

Khán giả bây giờ quay lại với phim Việt nhiều hơn, nhưng không vì thế mà thời hoàng kim trở lại. Những tháng ngày huy hoàng đó đối với người ái mộ điện ảnh nói chung và với Lý Hùng nói riêng đã mãi mãi là huyền thoại. Lý Hùng chấp nhận, vui vẻ và thích nghi với thời kỳ mới, với những vai diễn mới. Ngày trước, anh sống là để vượt qua những đỉnh cao tự mình xác lập thì nay, anh sống vì những đam mê vẫn còn tràn đầy trong anh.

Lý Hùng đã tham gia rất nhiều bộ phim truyền hình ấn tượng như: Oan nghiệt, Cuộc đối đầu hoàn hảo, Đường chân trời, Cù lao lúa, Bằng chứng vô hình,…và bộ phim nhựa đang khởi quay Hy sinh đời trai của đạo diễn Lưu Huỳnh.

http://2sao.vn/dien-anh/ly-hung-bach-ma-hoang-tu-trong-mo-sang-gia-nhat-dien-anh-viet-p0c1002n20150731121300993.vnn

Theo Hoàng Khôi/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm