Lý Nhã Kỳ và khoảng đời 'lạ' sau scandal
Trong nghệ thuật có bao nhiêu người đã rơi vào hoàn cảnh như Lý Nhã Kỳ, nhưng người đẹp của "Kiều nữ và đại gia" luôn tin rằng, khi trải qua những sóng gió cuộc đời, mới biết giá trị thực của những việc đang làm hôm nay.
Nhắc tới Lý Nhã Kỳ, người ta nhớ đến những scandal người thứ ba và được nhắc nhớ với vai trò một nữ doanh nhân việt kiều trở về từ Đức. Nhưng ít ai biết rằng, người đẹp của Kiều nữ và đại gia cũng có những khoảng đời sống riêng “kỳ lạ”...
Người đẹp có cuộc chia sẻ rằng trước khi cô chính thức thông báo với truyền thông trong nước về vai trò mới của mình, Phó chủ tịch quỹ từ thiện Sheen Hok ở Hong Kong.
- Chị vừa nhận thêm một vai trò mới, trở thành Phó chủ tịch quỹ từ thiện Sheen Hok quốc tế và là giám đốc quỹ này tại Việt Nam. Chị có thể cho biết con đường nào đưa chị tới cơ duyên này?
- Tôi gặp bà Alice Chiu, giám đốc quỹ từ thiện Sheen Hok hồi tháng 11/2009, dịp bà sang Việt Nam cùng với Thành Long để tiến hành mổ hàm ếch cho các trẻ em Việt Nam, khi đó tôi đang là đại sứ của chương trình trong nước. Sau 5 phút tiếp chuyện, bà đã mời tôi cùng tham gia công tác từ thiện. Khi nhận được lời mời từ bà tôi đồng ý ngay, lúc đó chưa hề biết bà là tỷ phú đang sở hữu một quỹ từ thiện có tiếng nhiều năm tại Hong Kong và quốc tế. Tôi nhận lời bà với một suy nghĩ đơn giản, làm từ thiện thì đâu phân biệt màu da, ngôn ngữ hay lãnh thổ.
Sau đó, bà mời tôi sang Hong Kong để ra mắt các thành viên. Bà chia sẻ nhận ra tôi là người có đủ tâm và tài để có thể theo đuổi công việc từ thiện, một công việc mà dư luận vốn có những cái nhìn chưa thực sự thống nhất. Và một điều thật đáng trân trọng là bà đã ngỏ lời nhận tôi làm con nuôi.
Qua một thời gian tiếp xúc và làm việc, bà đề nghị tôi giữ chức vụ Phó chủ tịch quỹ Sheen Hok quốc tế và làm chủ tịch quỹ này tại Việt Nam. Sau khi nhận chức PCT Sheen Hok tôi lên chương trình xin đưa quỹ vào Việt Nam, viết dự án để triển khai công việc của mình ở trong nước. Rất may, tôi sớm nhận được sự đồng ý của chính phủ. Và dự án đầu tiên tôi triển khai ở trong nước là lên kế hoạch mổ mắt cho các trẻ em bị khiếm thị, vì sau khi khảo sát, con số trẻ bị khiếm thị ở nước ta vào khoảng 23.000 trẻ em.
Lý Nhã Kỳ đang giữ chức Phó chủ tịch quỹ từ thiện Sheen Hok quốc tế.
- Như chị nói, người làm từ thiện phải có cái tâm, vì thế tôi rất muốn biết từ nhỏ chị đã nhận được sự giáo dục như thế nào trong gia đình về tình thương yêu, sự tương trợ?
- Tôi tin rằng, con người làm được điều gì đó cho cuộc đời khi họ trưởng thành đều chịu ảnh hưởng lớn từ nền tảng giáo dục của gia đình. Tôi may mắn được lớn lên trong gia đình không hẳn giàu có nhưng nhận được rất nhiều sự thương yêu. Tuy nhiên, bản thân cũng từng trải qua những điều kém may mắn.
Gia đình tôi trước đây có thể coi là khá giả vì ba tôi theo nghiệp buôn bán hải sản và tàu thuyền. Nhưng năm tôi lên 7 tuổi, bất ngờ ba gặp tai nạn, với chẩn đoán bị liệt vĩnh viễn nếu không có bác sĩ giỏi, mổ cấp cứu. Không chần chừ, gia đình tôi khi đó quyết định bán hết mọi tài sản: ghe, thuyền để mời ba bác sĩ (Mỹ, Nga, Đức) sang mổ cho ba.
Khi đó chị cả 13 tuổi, chị hai 10 tuổi nên mẹ trở thành trụ cột gia đình. Từ xưa, mọi chuyện lớn trong gia đình đều do ba lo lắng nên khi ba nằm một chỗ, mẹ bị áp lực rất lớn. Vì vậy, sau khi phẫu thuật xong cho ba, mẹ đã bị kiệt sức phải đưa đi cấp cứu cách ly ở bệnh viện Sài Gòn. Chị cả mới 13 tuổi phải đứng ra buôn bán, chị hai chăm ba ở bệnh viện. Nghe tin mẹ bị bệnh nặng, ba quyết định không tiếp tục làm vật lý trị liệu nữa. Bác sĩ cảnh báo nếu không tiếp tục trị liệu và tập thì ba sẽ bị liệt vĩnh viễn. Ba chọn con đường liệt vĩnh viễn để điều hành gia đình, và quyết định đó khiến ba phải sống cảnh liệt vĩnh viễn trong 17 năm sau đó.
Cô cho rằng, ý thức muốn được chia sẻ với những cuộc đời bất hạnh của mình xuất phát từ nền giáo dục gia đình. |
Gia đình tôi rơi vào khủng hoảng cả kinh tế và tâm lý nhưng ba chị em và mẹ vẫn dành thời gian chăm sóc ba chu đáo. Khi đó mấy chị em còn nhỏ cả, mỗi lần khiêng ba, chị cả bao giờ cũng phụ trách phần đầu, chị giữa phần thân, còn em là cái chân. Nếu ai đi học thì mẹ sẽ thế vào vị trí người đó. Mỗi bữa đút cho ông ăn cũng phải hết sức cẩn thận. Tôi cũng quen tiếp xúc với vết thương từ khi 7 - 8 tuổi.
Mẹ tôi sau trận ốm cũng mất sức lao động nên hai chị gái phải thay nhau làm và nối nghiệp ba kinh doanh. Hoàn cảnh gia đình như thế nên các chị suốt ngày chỉ biết đến công việc, chăm ba. Mãi đến khi ba mất (2006), hai chị mới lập gia đình. Sống trong gia đình như thế nên tôi thấu hiểu rằng, tình thương là thứ vô cùng quan trọng trong cuộc đời mỗi người.
- Tại sao năm 14 tuổi (khoảng 1996), Lý Nhã Kỳ lại qua Đức?
- Tôi sang Đức theo diện bảo lãnh của chú, em ruột ba và chỉ đi có một mình vì mẹ và hai chị vẫn ở lại Việt Nam chăm sóc ba. Đến năm 18 tuổi khi đủ tư cách công dân tôi mới làm bảo lãnh cho ba mẹ và hai chị sang Đức. Nhưng khi đó ba đã phải thở máy và không đi được.
- Nhưng ba Lý Nhã Kỳ là người Nga mà?
- Đúng là tôi có mang hai dòng máu Việt - Nga, nhưng người cha mà tôi nói tới ở trên là ba Lý, người Việt Nam. Trong suy nghĩ của tôi, công sinh không bằng công dưỡng. Nhưng tôi lớn lên và may mắn khi nhận được quá nhiều sự yêu thương đến mức không nhận ra mình là con riêng nữa. Kể cả khi chọn người cho chú bảo lãnh sang Đức, tôi cũng là người được chọn. Ba mẹ lúc nào cũng lo lắng ở Việt Nam, với hoàn cảnh gia đình như hiện tại thì tôi không có điều kiện học hành tốt nhất.
Mang vẻ đẹp của một người lai, nhưng Lý Nhã Kỳ cho biết cả đời cô không bao giờ quên công ơn dưỡng dục của ba Lý. |
- Tiếp xúc với Lý Nhã Kỳ nhận thấy một hình ảnh khác của chị, khác rất nhiều với một cô gái từng là nghi can trong các cuộc đổ vỡ hạnh phúc gia đình của bạn diễn. Riêng bản thân mình, chị tiếp nhận các thông tin đồn không hay với mình bằng suy nghĩ như thế nào?
- Về dư luận, không ai có thể kiểm soát được. Ngay cả làm từ thiện cũng có hai luồng dư luận cơ mà. Chúng ta sống thì chịu sự phán xét của dư luận là đương nhiên. Hơn nữa, chỉ khi được coi là người có chút ít thành công mình mới được dư luận mang ra mổ xẻ. Tôi coi đó cũng là chuyện bình thường. Bởi khi mình không còn được quan tâm nữa thì chắc hẳn cũng không có gì đáng vui.
Cũng có người cho rằng Lý Nhã Kỳ lý trí. Thật ra nhiều người đến với tôi, phỏng vấn về con người Lý Nhã Kỳ trong công việc (kinh doanh, diễn viên) thì tôi phải đối diện với họ bằng một con người lý trí. Nhưng nếu một người đến với mình bằng những sự chia sẻ như hôm nay đây thì tôi nghĩ mình sẵn sàng chia sẻ con người thật với những vui buồn đơn giản nhất của một người bình thường
Còn nếu coi Lý Nhã Kỳ là người gây ra những mối rạn nứt của các gia đình thì tại sao mọi người không đặt câu hỏi ngược lại, trong nghệ thuật có bao nhiêu người đã rơi vào hoàn cảnh như Lý Nhã Kỳ. Chưa kể, các scandal đều không có căn cứ, tất cả các câu hỏi đều là: tôi nghe nói, tôi nghe kể ... Hơn nữa, những scandal tôi dính phải đều với những người bạn diễn chứ không phải người thuộc lĩnh vực khác. Nếu một người hiểu biết họ sẽ tự phân tích được là tại sao.
Dù gặp phải nhiều scandal khi theo đuổi nghệ thuật nhưng Lý Nhã Kỳ cảm thấy yên lòng vì bên cô những người thân yêu nhất luôn hiểu và thông cảm. Cô gái lý trí này cũng cho rằng, cô không phải là người xã hội có thể làm cho thay đổi. |
- Là người công chúng phải đối mặt với thị phi là điều bình thường. Nhưng xin hỏi, chị có bao giờ nghĩ những thông tin đó sẽ khiến người thân của mình buồn?
- Tôi luôn sống cho người thân của mình và chỉ đóng góp cho xã hội, chứ nhất định không phải là người để xã hội chi phối. Gia đình tôi trước hết hiểu tôi thế nào và không dễ tin vào những điều không có căn cứ.
- Làm gì cũng có kế hoạch, vậy kế hoạch cho cuộc sống riêng thì chị tính sao?
- Công việc mình có thể chủ động và trong bất cứ việc gì tôi cũng là người phụ nữ chủ động. Tôi có thể lập ra kế hoạch trong 5 năm sẽ làm gì, nhưng trong tình yêu không phải muốn là được. Lý Nhã Kỳ không bao giờ đi tìm và giữ tình yêu. Nếu yêu nhau thì hạnh phúc bên nhau, hết yêu thì giải thoát cho nhau. Có thể quan điểm của Lý Nhã Kỳ hiện đại quá. (cười!)
Theo Đất Việt