50 triệu đồng để sống với người khác
Ông Trần Văn Thương và bà Bùi Thị Nhị sống chung với nhau từ năm 1992 và có 3 đứa con. Sau đó ông Thương có qua lại với một người phụ nữ khác tên Bùi Thị Hiền. Sau khi hòa giải không thành, bà Nhị đồng ý nhận 50 triệu đồng và để ông Thương đến sống với bà Hiền.
Giấy thỏa thuận giữa ba người có nội dung: “Ngày 24/5/2010 âm lịch, tôi Bùi Thị Nhị đồng ý cho chồng tôi là Trần Văn Thương sống chung với chị Bùi Thị Hiền ngụ tại… Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai”.
Sau hai năm chung sống, ông Thương bỏ đi, bà Hiền tìm gặp bà Nhị để đòi lại 50 triệu đồng. Ngày 28/6/2013, tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thương nhận trách nhiệm và cam kết trả 50 triệu đồng cho bà Hiền trong 60 ngày. Vài tháng sau, bà Nhị xin ly hôn nhưng tòa tuyên không công nhận bà Nhị và ông Thương là vợ chồng.
Quá thời hạn trả nợ, bà Hiền tiếp tục khiếu kiện với lý do cho bà Nhị “mượn” 50 triệu đồng chứ không phải “cho”. TAND huyện Thoại Sơn căn cứ vào tờ thỏa thuận có dấu sửa nên yêu cầu bà Nhị trả 50 triệu đồng cùng 11 triệu đồng tiền lãi phát sinh.
Chuyện hi hữu này xảy ra tại xã Phú Thuận, Thoại Sơn (An Giang). |
Nhiều câu hỏi quanh chữ “mượn”
Nhiều bạn đọc đã thốt lên rằng đây là trường hợp hi hữu trong những câu chuyện về mối quan hệ ba người. Phần khác thì bày tỏ sự băn khoăn tại sao tòa lại quyết định xử bà Nhị phải trả 50 triệu đồng và 11 triệu đồng tiền lãi dựa trên một văn bản có chỉnh sửa.
Trước tòa, bà Hiền đưa ra tờ thỏa thuận có dòng chữ “cho chị Bùi Thị Nhị mượn với số tiền mặt là 50 triệu đồng thời hạn 1 năm”, trong đó chữ “mượn”, số “1” và vài chỗ có dấu sửa, được tô đậm lên.
Bà Nhị thì khẳng định các chữ “mượn” và “thời hạn 1 năm” trong tờ thỏa thuận là… ghi thêm.
Bạn đọc Nguyễn Thị Thu Thủy viết: Văn bản đó có đúng với quy định pháp luật không vì nội dung văn bản cũng là vi phạm pháp luật rồi? Người chồng có phải là tài sản giao dịch không, chẳng lẽ Việt Nam có quy định cho thuê hay bán người sao?
Một bạn đọc khác bày tỏ quan điểm: Giấy nợ có chỉnh sửa mà toà lại xử như kiểu không hề có gì. Thật là buồn.
Nhiều ý kiến khác cho rằng hợp đồng nhượng chồng, mượn chồng là trái với luật hôn nhân gia đình và hoàn toàn vô giá trị.
“Theo tôi, việc hợp đồng mượn chồng là trái với luật hôn nhân gia đình. Vì vậy, tòa không cần phải can thiệp vào hợp đồng này”, một bạn đọc chia sẻ.
Đồng tình, bạn đọc Nguyễn Công Minh viết: Đây là thỏa thuận trái pháp luật (trái với pháp luật về hôn nhân và gia đình) do đó bị vô hiệu hóa. Còn nếu có chữ mượn thì cần giám định xem tờ giấy vay mượn này có bị sửa chữa hay không.
50 triệu đồng thực tế là tiền cấp dưỡng?
Nhận định về vụ việc này, luật sư (LS) Lê Quang Vũ, Phó trưởng văn phòng luật sư Người Nghèo, cho rằng bản án ly hôn đã xác định ông Thương và bà Nhị không phải là vợ chồng nhưng bà Nhị đang chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ và các con của ông Thương thì ông Thương phải có trách nhiệm cấp dưỡng là hợp tình, hợp lý.
LS Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng vì bà Nhị và ông Thương không phải là vợ chồng nên một số ý kiến cho rằng bà Hiền, ông Thương vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng là không chính xác.
“Tôi cho rằng trong vụ tranh chấp này cần tập trung vào giấy thỏa thuận ba bên giữa bà Nhị, bà Hiền, ông Thương để làm rõ 50 triệu đồng bà Hiền đưa cho bà Nhị là khoản tiền bà Hiền tặng cho bà Nhị để “bù đắp tổn thất tinh thần” hay là khoản tiền bà Hiền cho bà Nhị vay. Theo đó, toà án cấp phúc thẩm cần tổ chức giám định lại giấy thỏa thuận ba bên để xác định sự thật của vụ án”, LS Hậu nói.
Trong khi đó, LS Lê Quang Vũ nhận định vì bà Hiền đã đồng ý cho ông Thương nhận trách nhiệm trả nợ 50 triệu đồng nên cho dù số tiền bà Nhị nhận là tiền vay, tiền cho, tiền cấp dưỡng… thì bà Nhị cũng không còn trách nhiệm đối với bà Hiền.
“Do đó, bà Hiền không có quyền khởi kiện bà Nhị trong lần khởi kiện thứ hai, trừ trường hợp số tiền khởi kiện lần 2 là một giao dịch khác lần khởi kiện thứ nhất. Tòa án có thể đối chiếu văn bản thỏa thuận giữa bà Hiền, ông Thương, bà Nhị trong hai vụ kiện sẽ xác định được bản chất sự việc”, LS Lê Quang Vũ nói thêm.
Trao đổi với TTO, một chuyên gia tâm lý hôn nhân gia đình cho rằng câu chuyện này cũng là một lời cảnh báo đối với những người đang có các quan hệ ngoài luồng.
“Cơ sở của một mối quan hệ, một gia đình bền vững là sự chung thủy và tôn trọng lẫn nhau. Nếu nghĩ rằng người vợ hay người chồng là “vật sở hữu” của mình và mình có thể nhượng lại cho người khác thì không đúng. Hậu quả của việc này không chỉ với những người lớn mà còn đối với những đứa trẻ trong gia đình”, chuyên gia nhận định.
Thỏa thuận ba bên không vi phạm pháp luật
Theo LS Lê Quang Vũ, thỏa thuận ba bên về mặt đạo đức, thuần phong mỹ tục thì không phù hợp, nhưng không vi phạm pháp luật.
Lẽ ra các bên nên giải quyết vấn đề này theo trình tự pháp luật là bà Nhị, ông Thương giải quyết việc ly hôn, cấp dưỡng xong, rồi ông Thương có thể đến sống chung với bà Hiền và bà Hiền có thể đưa tiền cho ông Thương thanh toán tiền cấp dưỡng.
Lưu ý, việc ông Thương không chịu sống chung với bà Hiền nữa không phải là lỗi của bà Nhị.