Năm 2012, So You Think You Can Dance (Thử thách cùng bước nhảy) - mua bản quyền từ Mỹ - lên sóng mùa đầu tiên, nhận được sự chú ý lớn của khán giả và giúp nhiều vũ công tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong showbiz, ví dụ Lâm Vinh Hải, Quang Đăng, Tố Như. Chương trình kéo dài 5 mùa, sau đó ngừng sóng.
Sau So You Think You Can Dance, các chương trình về vũ đạo xuất hiện lẻ tẻ trên một số kênh địa phương, nhưng không chương trình tạo được ấn tượng mạnh với khán giả, cũng như không chương trình nào quy tụ được dàn thí sinh có kỹ năng chuyên môn tốt tương tự. Dần dần, chương trình về vũ đạo chuyên nghiệp "mất tích".
Sau khoảng 5 năm vắng bóng, hai chương trình về vũ đạo chuyên nghiệp, quy tụ dàn thí sinh có chuyên môn là Sàn đấu vũ đạo và Nhóm nhảy siêu Việt cùng lúc lên sóng truyền hình. Tuy nhiên, cả hai show vẫn còn điểm trừ lớn.
Sàn đấu vũ đạo và Nhóm nhảy siêu Việt - hai chương trình về vũ đạo chuyên nghiệp cùng lúc lên sóng truyền hình. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Dễ dãi với thí sinh không có căn bản vũ đạo
Việc hai chương trình được đầu tư lớn cả về quy mô tổ chức và thí sinh đồng loạt trở lại trên sóng truyền hình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả yêu mến lĩnh vực vũ đạo. Tuy nhiên, cả hai show vẫn còn những điểm yếu nhất định.
Với Sàn đấu vũ đạo, đây là chương trình có format mới mẻ, yêu cầu các nghệ sĩ, người nổi tiếng phải coi bản thân như một phần của nhóm nhảy, yêu cầu chính mình trở thành một vũ công chuyên nghiệp để biểu diễn. Điều này khiến các giám khảo khách mời - cũng là những vũ công, biên đạo nổi tiếng của showbiz Việt - cảm động, họ cho rằng hiếm có chương trình nào tạo thế cân bằng cho nghệ sĩ và vũ công như Sàn đấu vũ đạo. Trước đó, vũ công luôn bị coi là thành phần phụ, làm nền cho nghệ sĩ tỏa sáng.
Tuy nhiên, vì những yêu cầu trên, nghệ sĩ phải có nền tảng vũ đạo nhất định để hòa nhập được và có thể đảm bảo được cường độ vũ đạo của mỗi tiết mục. Các thí sinh xuất thân là vũ công chuyên nghiệp như Tlinh, Hậu Hoàng, Hành Or hay có nền tảng võ thuật như Katleen Phan Võ cũng phải dồn sức tập luyện cho show.
Trong khi đi đó, những người đã tập nhảy nhiều năm để phục vụ cho tiết mục âm nhạc như Thiều Bảo Trang hay Liz Kim Cương gặp không ít khó khăn. Mới đây, Thiều Bảo Trang còn bị thương trong khi tập luyện một động tác khó.
Tlinh vốn là thành viên nhóm nhảy Last Fire Crew trước khi chuyển sang làm rapper. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Điều này khiến hai thí sinh không có nền tảng vũ đạo cơ bản là Phạm Đình Thái Ngân và Lyly trở nên lạc lõng, yếu kém giữa cuộc thi.
Trong tiết mục chào sân ở tập 1, Phạm Đình Thái Ngân vẫn xoay sở ở mức khá tròn trịa khi cố gắng theo kịp tiết tấu, kỹ thuật của thể loại old school. Tuy nhiên, tới vòng thi chính thức đầu tiên, nam ca sĩ khiến khán giả ngơ ngác, khó hiểu khi ngồi im trên sân khấu tới quá 2/3 tiết mục, chỉ tham gia một chút phần cuối với những động tác không quá khó.
Khi được hỏi về lý do, Phạm Đình Thái Ngân giải thích bản thân là ca sĩ chuyên hát ballad, không có khả năng và thời gian để theo kịp toàn bộ tiết mục. Lời lý giải trên khiến ban giám khảo không hài lòng, thậm chí John Huy Trần phải nói thẳng "tôi không ở đây để nghe em giải thích". Khán giả cũng bình luận tiêu cực về thái độ thiếu chuyên nghiệp của giọng ca 28 tuổi.
Lyly cũng là thí sinh yếu thế rõ rệt trong cuộc thi. Tiết mục "chào sân" của cô được nhận xét giống một tiết mục vũ công làm nền cho ca sĩ điển hình, giọng ca sinh năm 1994 cũng chỉ thể hiện được những động tác có kỹ thuật cơ bản và dễ nhất.
Tới phần thi chủ đề hip hop, Lyly - tương tự Phạm Đình Thái Ngân - ở trong cánh gà tới quá nửa tiết mục, chỉ xuất hiện ở phần sau. Tiết mục này của đội Lyly - Lê Vinh cũng phạm lỗi tương tự tiết mục chào sân, đó là đẩy Lyly lên vị trí quá cao, khiến toàn bộ đội thi trông giống vũ công phụ họa của cô, thay vì khiến nữ ca sĩ trở thành một phần của nhóm nhảy.
Trước phần thể hiện đuối sức của Lyly hay Phạm Đình Thái Ngân, các giám khảo vẫn khen ngợi một cách khách khí. Chẳng hạn, Đông Nhi đã khen Lyly: "Chị không ngờ Lyly nhảy đẹp tới vậy". Noo Phước Thịnh hay John Huy Trần cũng ít khi thẳng thắn nhận xét về mặt kỹ năng vũ đạo, thay vào đó chỉ nói sơ qua về tổng thể sân khấu hoặc nỗ lực của biên đạo.
Lyly và Phạm Đình Thái Ngân đuối sức trong cuộc thi vì không có căn bản vũ đạo. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Format quá cũ, không còn sức hút với đại chúng
Nếu Sàn đấu vũ đạo gặp vấn đề về chất lượng thí sinh, thì Nhóm nhảy siêu Việt có vấn đề ở tính thời thượng. Sàn đấu vũ đạo là phiên bản Việt hóa, mua bản quyền của Ameria's Best Dance Crew (ABDC) - chương trình từng là "quả bom" trên sóng truyền hình Mỹ vào, có mức phủ sóng cực lớn và tạo ra rất nhiều thay đổi trong giới vũ công Mỹ nói riêng, thế giới nói chung.
Với danh tiếng và sức ảnh hưởng ngay từ khi tập đầu tiên lên sóng, Ameria's Best Dance Crew từng là giấc mơ của tất cả vũ công trên toàn thế giới. Hay như giám khảo Việt Max chia sẻ: "Từng có thời bất kỳ vũ công nào cũng mong muốn được đứng trên sân khấu của Vietnam's Best Dance Crew. Giờ đây, giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực".
Trước đó, So You Think You Can Dance cũng mua bản quyền từ Mỹ. Nhưng vào thời điểm mùa đầu tiên lên sóng là năm 2012, chương trình gốc mới lên sóng mùa thứ 9 và vẫn còn "nhiệt", vẫn là game show được yêu thích với độ phủ sóng lớn. Thậm chí, bản Việt với tên gọi Thử thách cùng bước nhảy còn kết thúc trước phiên bản gốc, khi bản gốc dừng lại ở mùa 16 vào tháng 9/2019.
Trong khi đó, phiên bản gốc ABDC của Mỹ bắt đầu vào năm 2008 và ngừng sóng từ năm 2015. Sau 6 năm, chương trình mới được đưa về Việt Nam và thực hiện phiên bản Việt hóa. Lúc này, danh tiếng và sức nóng của chương trình gốc đều đã "chết", không thể thu hút được khán giả đại chúng.
Nhóm nhảy siêu Việt quy tụ 8 nhóm nhảy hàng đầu Việt Nam, trong đó có 218 Dance Crew và Lyricíst từng chinh chiến quốc tế. Ảnh: Anh Tú. |
Việc làm lại một game show đã ngừng lên sóng được 6 năm và không còn sức hút trên các phương tiện truyền thông là một nước đi mạo hiểm của ê-kíp sản xuất Nhóm nhảy siêu Việt. Thực tế, không có nhiều khán giả có thể nhớ được một chương trình đã bị ngừng sản xuất khoảng 2-3 năm, càng không nói tới 6 năm như ABDC bản gốc.
Thêm vào đó, Nhóm nhảy siêu Việt tập trung vào tôn vinh mặt chuyên môn vũ đạo, không có tính giải trí. Thị hiếu khán giả Việt ưa chuộng các show giải trí, với sự xuất hiện của ngôi sao, nghệ sĩ quen mặt với đại chúng. Điều này cũng khiến chương trình khó tạo được danh tiếng.