Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội), nơi nhiều học sinh lớp 5 mơ ước được vào học. Ảnh: Lao Động. |
Thời điểm này, nhiều trường THCS tại Hà Nội đã trình Sở GD&ĐT các phương án tuyển sinh khác nhau của mình, và đang hồi hộp chờ đến ngưỡng 16/4 - ngày mà Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, sẽ chốt phản hồi mọi cách thức tuyển sinh từ các trường chuyển lên.
Khẳng định chắc chắn một lần nữa về việc các trường không được có bất cứ hình thức thi tuyển đầu vào nào đối với các môn văn hóa để phân chia lớp, ông Phạm Văn Đại - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - đồng thời cho biết thêm, quy định này không loại trừ môn ngoại ngữ.
Đây là băn khoăn của nhiều trường THCS, đặc biệt với nhiều trường ưu tiên giảng dạy ngoại ngữ. Tuy nhiên, với quy định cứng này, các trường đành chọn những phương án khác nhau, miễn là không liên quan “thi”.
Theo khảo sát, hiện một số trường THCS có nhiều cách thức tuyển sinh khá phong phú. Trường THCS Nguyễn Siêu sẽ tuyển sinh thông qua hoạt động “ngày trải nghiệm”, cho các em hoạt động nhóm và chơi trò chơi phát triển trí tuệ.
Hiệu trưởng của trường - bà Nguyễn Thị Minh Thúy - cho hay: “Hành vi, thái độ, năng lực của trẻ sẽ bộc lộ trong quá trình hoạt động nhóm, trò chơi trí tuệ. Những người làm công tác giáo dục hiểu tâm lý học sinh chỉ cần nhìn ánh mắt có thể hiểu được trẻ. Ngoài ra, trường sẽ kiểm tra thêm kiến thức bằng bài đo chỉ số thông minh (IQ), hay thông minh cảm xúc (EQ). Chúng tôi sẽ kết hợp với Viện KHGD cùng thực hiện các bài đo này”.
Bài đo chỉ số cũng được một số trường áp dụng như THCS Nguyễn Tất Thành, THCS Marie Curie. Trường THCS Lương Thế Vinh cũng đề xuất phương án tuyển sinh riêng bằng bài kiểm tra trắc nghiệm trên giấy trong vòng 100 phút với 25 - 30 câu hỏi về mọi lĩnh vực, phù hợp trình độ lớp 5 của học sinh.
Trường THCS Cầu Giấy dự kiến tuyển thẳng học sinh đoạt giải ba trở lên khi thi các môn cấp thành phố, đồng thời xét tuyển theo học bạ, trong đó chú trọng điểm tổng kết các môn toán, văn và lời nhận xét cụ thể của giáo viên.
Trong khi đó, tại TP HCM, công tác tuyển sinh bắt đầu từ ngày 15/6 hàng năm và công bố kết quả đồng loạt ngày 15/7. Hiện tại, một số trường đã công bố hình thức tuyển sinh vào lớp 6. Đa số các trường đều xét bằng điểm học bạ. Riêng một số trường được phép thi ngoại ngữ để chọn đầu vào.
Trường THCS chuyên Trần Đại Nghĩa sẽ tổ chức thi khảo sát tiếng Anh. Cụ thể, thay vì thi tuyển 3 môn như các năm trước, năm nay, học sinh muốn đăng ký xét tuyển vào trường THCS chuyên Trần Đại Nghĩa phải hoàn thành chương trình cấp tiểu học có điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 5 ở mỗi môn tiếng Việt và toán từ 9 điểm trở lên.
Ngoài ra, học sinh còn tham gia bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh 90 phút vào ngày 20/6. Đây là trường có tỉ lệ chọi cao nhất, hằng năm có từ 3.500 - 4.000 học sinh thi vào trong khi trường chỉ tuyển hơn 300 em.
Phụ huynh, học sinh như lạc vào ma trận!
Với muôn kiểu tuyển sinh lớp 6 nói trên, nhiều bậc cha mẹ đang như lạc vào… ma trận với tâm trạng hoang mang, chưa xác định được nên lựa chọn cho con học trường nào. Nhiều ý kiến trái chiều cũng được đưa ra.
Chị Phan Quỳnh Liên (quận 5, TP HCM) cho biết: “Tôi thấy bỏ thi là hợp lý, như thế sẽ giảm bớt áp lực thi cử cho các con, nhưng cần phải làm triệt để, khách quan tránh tạo kẽ hở cho một số trường hợp tranh thủ xin vào trường chuyên, lớp chọn”.
Tuy nhiên, vẫn có những quan điểm khác như anh Vũ Minh Công (quận 1, TP HCM), cho rằng: “Nếu không tổ chức thi tuyển sẽ khó phân loại được đối tượng học sinh, trong khi ở cấp 1 đã bỏ chấm điểm. Riêng tôi vẫn cho cháu tham gia lớp ôn luyện thêm ở trung tâm bồi dưỡng và luyện thi, đặc biệt dành nhiều thời gian cho môn tiếng Anh để thi vào trường Trần Đại Nghĩa, vì khảo sát thì cũng là một hình thức thi tuyển”.
Anh Nguyễn Đình Hải (quận Đống Đa, Hà Nội), lo lắng: “Mong muốn của tôi là cho con được học với những bạn học sinh có lực học khá, việc thi tuyển như mọi năm sẽ phân loại được các con theo trình độ. Điều này cũng sẽ không gây khó khăn cho nhà trường khi lọc đầu vào. Tuy nhiên, với cách tuyển sinh mới, hiện chúng tôi vẫn trong quá trình tham khảo, chờ đợi các phương án khả thi của các trường để có quyết định cuối cùng”.
Với cương vị là nhà quản lý giáo dục, PGS, TS Văn Như Cương cho rằng, cách thức tuyển sinh nào cũng có hai mặt. Nếu nhìn ở mặt tích cực, thay vì các bài thi nặng nề lý thuyết, các đề khảo sát khác trong đó chú trọng các kiến thức thực tế sẽ khiến học sinh hứng thú hơn. Hơn nữa, qua các kiểu bài khảo sát này, nhà trường kỳ vọng sẽ lựa chọn tìm kiếm những học sinh thực sự thông minh, năng động, có ý thức về gia đình, xã hội.
Còn theo bà Lê Thị Oanh - hiệu trưởng THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nếu các trường tập trung tuyển theo bài kiểm tra năng lực đòi hỏi trí thông minh của học sinh, hiệu quả tuyển sinh sẽ rất cao.
“Bài test không đo lường khối lượng kiến thức của học sinh tiểu học được nhận mà tập trung việc đánh giá năng lực trong quá trình sử dụng kiến thức, vận dụng kiến thức trong thực tế để biến thành năng lực của mỗi cá nhân” - bà Oanh nói.