Số vụ vi phạm pháp luật về ma túy trong 6 tháng đầu năm tăng gần 10% so với cùng kỳ dù có thời điểm Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Đáng lo ngại, thời gian qua, tội phạm ma túy trong nước đã lợi dụng không gian mạng để mua bán chất cấm. Nhiều loại ma túy mới có độc hại cao đã xuất hiện, khiến người sự dụng bị lệ thuộc.
Nhân tháng hành động phòng chống ma túy, Zing có cuộc trao đổi với đại tá Vũ Văn Hậu, Phó cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an), về tình tội phạm trong lĩnh vực này.
Sử dụng tàu ngầm vận chuyển ma túy
- Tội phạm ma túy ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp. Các đường dây ma túy bị triệt phá gần đây cho thấy các băng nhóm nước ngoài muốn chọn Việt Nam làm nơi trung chuyển hàng cấm. Đại tá đánh giá gì về thực trạng này?
- Trên thế giới có 3 trung tâm sản xuất ma túy lớn là Tam Giác Trắng ở Nam Mỹ, vùng Trăng Lưỡi Liềm Vàng ở Tây Á và Tam Giác Vàng thuộc Châu Á. Trong đó, Myanmar trong vùng Tam Giác Vàng và Afghanistan ở Tây Á sản xuất 90% lượng thuốc phiện để tạo ra các loại ma túy khác.
Theo xu hướng hiện nay, các loại ma túy tổng hợp đang phát triển và chiếm thị phần lớn. Ma túy tổng hợp được tạo ra từ các chất hóa học và tiền chất. Đó là chất gây nghiện mới, tạo sự kích thích lớn khiến người sử dụng bị lệ thuộc, gây nhiều hậu quả.
Đại tá Vũ Văn Hậu đánh giá tội phạm ma túy là "tội phạm của tội phạm". Ảnh: Hồng Quang. |
Việt Nam đang đối diện với luồng áp lực rất lớn do tình hình tội phạm về ma túy diễn biến phức tạp. Chúng ta nằm ở trung tâm mà thế giới đánh giá là phức tạp bậc nhất về ma túy.
Trong nước, các đường dây tội phạm ma túy, các tụ điểm và tình trạng sản xuất ma túy tổng hợp, tái trồng luôn tiềm ẩn nguy cơ. Nhiều băng nhóm tội phạm về ma túy luôn muốn biến Việt Nam thành nơi trung chuyển hàng cấm. Trong khi đó, tội phạm ma túy trong nước và quốc tế lại có tính liên kết rất cao, phối hợp với nhau rất chặt chẽ trên một phạm vi rộng lớn.
Đặc biệt, hiện nay tội phạm về ma túy đã ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất, mua bán và vận chuyển hàng cấm, nhất là việc sử dụng không gian mạng để hoạt động tội phạm. Trong đó, một hình thức hoạt động mới của loại tội phạm này ở nước ngoài là sử dụng tàu ngầm để vận chuyển.
Với tình hình phức tạp như hiện nay, chúng ta cần phải có một tư duy mới, cách làm mới. Tức là, lực lượng phòng chống ma túy cần phải đưa ra các giải pháp căng cơ, tổng thể, phù hợp với diễn biến của tội phạm ma túy trên thế giới và trong khu vực.
- Tội phạm ma túy luôn tìm cách sản xuất ra các loại ma túy mới, thậm chí có những chất mới chưa có trong danh mục quản lý của Nhà nước. Tại sao lại có tình trạng này, thưa ông?
- Ma túy tổng hợp bao gồm tiền chất và hóa chất. Trong đó, tiền chất là loại hàng hóa phổ biến, không có gì xa lạ và có ngay trong cuộc sống thường ngày. Tiền chất có thể phục vụ quá trình sinh hoạt nên dễ bị lợi dụng để sản xuất ma túy tổng hợp.
Bất kỳ ai cũng có thể ra chợ hay các cửa hàng kinh doanh hóa chất đều mua tiền chất một cách dễ dàng. Để quản lý chặt chẽ việc mua bán này, Bộ Công an đã phối hợp các ngành chức năng báo cáo Chính phủ đưa các loại tiền chất, hóa chất vào danh mục quản lý.
Nghị định 73/2018 đã có quy định quản lý 515 chất ma túy và 44 tiền chất. Tuy nhiên, tiền chất ma túy luôn có sự phát triển. Mới đây, Nghị định 60/2020 đã bổ sung thêm 23 chất ma túy và 13 tiền chất vào danh mục quản lý. Điều đó chứng tỏ cuộc đấu tranh với tội phạm về ma túy, đặc biệt là tội phạm về tiền chất luôn rất quyết liệt.
"Nấm ma túy" lần đầu bị phát hiện ở Việt Nam. Ảnh: N.H. |
Tội phạm ma túy được xem là “tội phạm của tội phạm”. Chúng có thể thể hiện sự manh động, tính côn đồ khi sử dụng vũ lực chống đối lực lượng chức năng nhưng cũng thừa kinh nghiệm trong việc ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất ra các chất cấm mới.
Những loại ma túy mới này có tính độc hại cao, độ phê nghiện lớn nhưng giá thành thấp. Đó là nguyên nhân nhiều loại ma túy mới liên tục xuất hiện.
- Đâu là giải pháp xử lý khi tội phạm tìm cách lách luật bằng cách sản xuất ra các loại ma túy mới?
- Tội phạm ma túy không những có tiềm lực mà còn đủ khôn ngoan nhằm tìm cách lách luật. Để đấu tranh với loại tội phạm này, Chính phủ cần quản lý từ gốc bởi chỉ cần một ký hiệu được thêm vào là chất ma túy sẽ không nằm trong danh mục quản lý của Nhà nước.
Muốn xử lý tội phạm về ma túy cần phải chứng minh loại ma túy người đó sản xuất, mua bán, tàng trữ hay vận chuyển có trong danh mục quản lý. Như trường hợp ma túy lá Khat trước đây, chúng ta mất hàng năm trời nhưng vẫn không xử lý được người sử dụng. Cục cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng luôn tìm cách nắm bắt, tham mưu cho Bộ Công an trong việc quản lý các tiền chất, tránh bỏ lọt những chất mới liên tục xuất hiện.
Hiện nay, lực lượng phòng chống ma túy đang đối diện nhiều khó khăn và thách thức, nhất là áp lực về nguồn ma túy tràn vào Việt Nam. Chúng ta phải làm sao ngăn chặn từ xa, kiểm soát từ khu vực biên giới và xây dựng tuyến phòng thủ liên kết chặt chẽ giữa các lực lượng biên phòng, hải quan, cảnh sát biển và cảnh sát phòng chống ma túy.
Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19 nhưng 6 tháng đầu năm, số vụ việc và số đối tượng về ma túy không hề giảm. Chỉ có những đường dây ma túy lớn, xuyên quốc gia không hoạt động được. Còn các tụ điểm ma túy trong nước vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là các cơ sở kinh doanh như quán bar, vũ trường hay quán karaoke. Đây là những nơi mà tội phạm về ma túy luôn lợi dụng để hoạt động.
Đưa máy móc vào sản xuất ma túy ở Việt Nam
- Khi các đường dây vận chuyện ma túy lớn ở trong nước bị triệt phá thì gần đây lại xuất hiện tình trạng tội phạm từ nước ngoài như Trung Quốc đưa thiết bị, nhân sự vào Việt Nam để sản xuất ma túy. Thủ đoạn của các băng nhóm này là như thế nào?
- Tội phạm ma túy được ví như con bạch tuộc, có thể vươn vòi ra bất cứ nơi nào. Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều khu vực khác trên thế giới, các băng nhóm tội phạm ma túy sẽ tìm cách chọn làm nơi sản xuất, trung chuyển hoặc tiêu thụ hàng cấm.
Tại khu vực Châu Á, không phải Việt Nam mà một số quốc gia như Myanmar, Lào hay Thái Lan mới được coi là trung tâm hoạt động của tội phạm về ma túy. Tuy nhiên, Việt Nam là nơi tội phạm đã để ý và đang tìm cách thâm nhập để hoạt động.
Về lý do, khu vực biên giới của chúng ta giáp nhiều nước trọng điểm về ma túy. Do đó, nhiều kẻ cầm đầu các đường dây ma túy xuyên quốc gia đi vào bằng đường nhập lậu, không qua chính ngạch.
Ví dụ như trong vụ Cục C04 bắt đối tượng cầm đầu nhóm sản xuất ma túy ở tỉnh Kon Tum, người này dù bị bắt ở Việt Nam nhưng khi kiểm tra thông tin nhập cảnh đường bộ và đường hàng không, lực lượng chức năng không phát hiện ra do anh ta vượt biên để vào.
Ngoài ra, số người Trung Quốc đang sống tại Việt Nam rất nhiều, lượng người nhập cảnh cũng không hề ít. Do đó, tội phạm ma túy dễ dàng trà trộn để thâm nhập vào nội địa của chúng ta. Sau khi quen địa bàn, chúng sẽ tìm cách đưa máy móc, thiết bị công nghệ và nhân lực sang Việt Nam để hoạt động phi pháp.
Một địa bàn phức tạp nữa là khu vực Tây Nam Bộ và TP.HCM, do những nơi này gần với khu vực biên giới Campuchia. Do đó, các băng nhóm tội phạm ma túy sẽ tìm cách thâm nhập, thuê địa điểm để hoạt động sản xuất, vận chuyển ma túy.
300 kg ma túy được cảnh sát thu giữ hồi trong một chuyên án hồi tháng 3. Ảnh: Công an cung cấp. |
- Nói như vậy thì mục tiêu lớn nhất của tội phạm ma túy là biến Việt Nam thành địa bàn trung chuyển. Vậy Bộ Công an có phương án ra sao để ngăn chặn ma túy thẩm lậu qua biên giới vào nội địa?
- Với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy nói riêng và toàn lực lượng phòng, chống ma túy nói chung, chúng tôi đang thực hiện hiệu lệnh “Không để Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển ma túy”. Nghĩa là, mục tiêu chính là phải ngăn chặn bằng được các đường dây ma túy quốc tế từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại.
Để thực hiện nhiệm vụ đó, lực lượng chống ma túy phải ngăn chặn tội phạm ma túy từ khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển hoặc các tụ điểm phức tạp trong nước. Nhiệm vụ đó đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa công an, biên phòng, hải quan và cảnh sát biển.
Hiện, Cục C04 sắp trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Quyết định 133 về quy chế phối hợp giữa các lực lượng nói trên. Ngoài ra, chúng tôi cũng báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng đề án ngăn chặn ma túy qua biên giới.
Ở phạm vi rộng hơn, chúng ta đã sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp bộ trưởng của 10 nước trong khu vực và một số tổ chức quốc tế. Qua đó ra được thông báo chung, thỏa thuận chung để phối hợp điều tra, triệt phá các chuyên án chung giữa cảnh sát các nước trong khu vực và trên thế giới.
Để triệt xóa tận gốc các đường dây ma túy xuyên quốc gia rất cần hoạt động hợp tác quốc tế. Việt Nam và các nước khác, nhất là các quốc gia chung đường biên giới đã phối hợp, hỗ trợ nhau như thế nào?
- Để ngăn chặn tội phạm nước ngoài vào Việt Nam hoạt động sản xuất, chế tạo và trung chuyển ma túy, cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã đóng vai trò nòng cốt, chủ công phối hợp với các lực lượng khác trong đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Với các nước trong khu vực và trong nhóm tham gia hiệp định phòng chống ma túy, Việt Nam là thành viên tham gia rất tích cực, có trách nhiệm trong các diễn đàn hay hội nghị quốc tế. Chúng ta đã ký 3 công ước và hàng loạt hiệp định, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận với lực lượng phòng chống ma túy các nước và tổ chức phòng chống ma túy quốc tế.
Trong nhiều chuyên án ma túy xuyên quốc gia, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã cung cấp thông tin giúp cảnh sát một số nước như Philippines phá nhiều vụ án, trong đó có vụ bắt gần 3.00 kg ma túy tổng hợp.
Ngược lại, chúng ta thường xuyên tiếp nhận thông tin từ cảnh sát các nước như Trung Quốc, Philippines, Lào và một số quốc gia để theo dõi, rà soát các băng nhóm tội phạm, đối tượng người nước ngoài thâm nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau.