Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Mặc áo chống nắng check-in khi điểm du lịch quá nóng

Lễ 30/4 - 1/5 rơi vào đợt nắng chưa từng có trong 10 năm qua khiến nhiều du khách gặp khó khi vui chơi, phải dành phần lớn thời gian "trốn" trong khách sạn.

Du khách mặc áo chống nắng, đội mũ chụp ảnh tại địa điểm du lịch do thời tiết nắng nóng gay gắt. Ảnh: Nguyễn Lê Hoài Thương.

Có mặt tại Phú Yên ngày 27/4, Nguyễn Thị Mỹ Duyên (26 tuổi, sống tại TP.HCM) và nhóm bạn choáng váng với thời tiết nắng nóng gay gắt từ sáng đến chiều. Cô chuẩn bị nhiều quần áo để chụp ảnh, nhưng quyết định cắt bớt kế hoạch check-in bởi không chịu được cảnh oi ả, ngột ngạt.

"Dù đoán trước, tôi vẫn không nghĩ Phú Yên nắng đến mức này. Chúng tôi chỉ đi tham quan vào buổi sáng và chiều, khung giờ 11-14h chỉ nằm trong khách sạn chứ không dám ra ngoài", cô chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Choáng váng, xây xẩm vì nắng nóng

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay, khắp các miền Bắc - Trung - Nam đều ghi nhận nắng nóng chưa từng có trong 10 năm qua, theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia trên tờ Tin Tức.

Đáng chú ý, khu vực Tây Bắc Bộ, Trung Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng, nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt. Các tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa vào đến Bình Định, Phú Yên, nhiệt độ dự báo 37-39 độ C.

Mỹ Duyên và bạn bè du lịch tại Phú Yên 4 ngày 3 đêm. Ngày đầu tiên, nhóm đến Gành Đá Đĩa, nơi cách thành phố Tuy Hòa mà cô lưu trú khoảng 35 km. Theo cô, những điểm đến nổi tiếng tại Phú Yên đều cách xa nhau gây mất nhiều thời gian, công sức để di chuyển.

"Gành Đá Đĩa nằm xa trung tâm, nhưng tôi vẫn muốn đến vì địa điểm này nổi bật ở Phú Yên. Trên đường đi, cứ 10 phút cả nhóm phải dừng lại mua nước uống một lần", cô kể lại.

Tại điểm du lịch, đối mặt với ánh nắng trực tiếp và hơi nóng hắt lên từ mặt đá, Mỹ Duyên đau đầu choáng váng, mồ hôi ướt áo.

"Mới khoảng 9h30 nhưng trời nắng như giữa trưa, nóng không chịu được. Mặt tôi đỏ bừng, hoa mắt, bạn bè phải đỡ tôi vào bóng mát và lấy nước suối rửa mặt hạ nhiệt. Khi bớt cơn say nắng, chúng tôi quay về khách sạn luôn. Kế hoạch đến tháp Nghinh Phong buổi chiều cùng ngày phải dời qua sáng sớm hôm sau", cô cho hay.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Hoàng Thy (29 tuổi, sống tại TP.HCM). Du lịch tại Huế 2 ngày, cô mệt mỏi khi phải "vật lộn" với cái nóng ngoài sức tưởng tượng.

"Lễ là thời gian rảnh hiếm hoi để tôi và người yêu cùng du lịch xa. Ngày thứ 2 của chuyến đi, tôi đến Đại nội tham quan, thấy da rát nhẹ vì nắng. Khi mặc cổ phục chụp ảnh ngoài khuôn viên, tôi bắt đầu lâng lâng, xây xẩm, sau đó phải chuyển vào chụp bên trong", cô tâm sự.

Sau đó, để tránh bị say nắng, Hoàng Thy ưu tiên những điểm đến có mái che như cung An Định, lăng Khải Định, chợ Đông Ba… trong những ngày còn lại ở Huế, buổi trưa chỉ ở khách sạn tránh nắng. Những trải nghiệm vào buổi tối như nghe ca Huế trên sông Hương, dạo phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu… vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch.

Không thể chụp ảnh quá 10 phút

Nắng nóng cũng khiến chuyến du lịch dịp nghỉ lễ của Diễm Hồng (24 tuổi, sống tại Đồng Tháp) kém vui. Cô "căng mình" với cái nắng xấp xỉ 36 độ C tại Hòn Sơn (tỉnh Kiên Giang).

"Miền Tây nóng như đổ lửa, tôi muốn đến nơi có biển, không quá xa nhà để giải nhiệt. Nhưng nắng nóng kèm theo độ ẩm cao làm không khí càng oi bức, gió biển cũng không xoa dịu được. Đi đâu tôi cũng kè kè bình nước cá nhân", cô nói.

Nhớ lại chuyến du lịch lễ năm 2022 và 2023, điện thoại Diễm Hồng ngập tràn hình "sống ảo", nhưng năm nay chỉ lác đác vài bức ảnh chụp từ phía sau hoặc cúi mặt vì nắng gắt.

Cô than thở: "Sợ bỏng da nên tôi vẫn đội nón, đeo kính mát khi chụp ảnh. Chưa kể, nắng rất chói mắt, không thể tạo dáng quá 10 phút, cố chụp cũng không được. Tôi và người bạn đi cùng phải chạy vào quán cà phê gần đó để thở vì ngộp".

Diễm Hồng dự định khám phá Hòn Sơn khoảng một tuần. Để cơ thể không đổ bệnh giữa chừng, cô chỉ tắm biển lúc 6-8h hoặc sau 16h. Các hoạt động vui chơi đẩy hết sang buổi tối, thời gian còn lại nghỉ ngơi trong khách sạn.

Trong khi đó, Nguyễn Lê Hoài Thương (25 tuổi, sống tại TP.HCM) phải mặc váy chống nắng, đeo kính râm và đội nón khi chụp ảnh tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). Theo cô, việc che kín từ đầu đến chân là cách tốt nhất để da không rát khi đứng ngoài trời.

"Cách đây 4 năm, tôi đến Đà Nẵng vào tháng 7 - thời điểm nắng nhất năm nơi đây - nhưng không nóng bằng năm nay. Tôi thấy tiếc nếu không có tấm ảnh nào đăng mạng xã hội khi đi du lịch về nên vẫn chụp. Mặc váy chống nắng check-in cũng tạo ra một concept (chủ đề) mới lạ, hợp thời tiết", Hoài Thương bày tỏ.

Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.

> Xem thêm: Sách cho người xê dịch

Ăn mì gói, vật vờ xuyên đêm chờ tàu ra Phú Quý

Nhiều du khách nằm nghỉ lưng ở cà phê võng, thuê giường trong phòng máy lạnh để chờ lên tàu ra đảo Phú Quý vào ngày thứ 2 của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Phan Thiết nóng rát ngày đầu nghỉ lễ, du khách cuối chiều mới tắm biển

Chiều 27/4, hàng nghìn người đổ về những bãi biển ở Phan Thiết để giải nhiệt, tận hưởng ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Trúc Hồ

Bạn có thể quan tâm