Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặc áo dài không có quần là thảm họa

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng áo dài phải kết hợp cùng quần, cũng như áo tứ thân phải có váy, tuy nhiên ngày nay nhiều người mặc trang phục truyền thống theo cách lố lăng.

Trong khuôn khổ Festival Áo dài Hà Nội, diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, BTC tổ chức một buổi hội thảo với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị áo dài truyền thống trong phát triển du lịch".

Sự kiện có sự tham gia của ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật Trần Đình Sơn, các nghệ sĩ gạo cội như Trà Giang, Thanh Loan, Trần Nhượng và các nhà thiết kế áo dài. 

Festival Ao dai Ha Noi 2016 anh 1
Các nhà thiết kế chụp ảnh cùng các nghệ sĩ tại buổi hội thảo ngoài trời. Đứng ngoài cùng bên phải là ông Đỗ Đình Hồng và ngoài cùng bên trái là NTK Lan Hương. Ảnh: M.Đ.

Tại hội thảo, Nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh đặt ra câu hỏi làm thế nào để áo dài không trở thành thảm họa: "Nếu như trong quá trình sáng tạo của chúng ta, không lấy gốc làm đường dẫn sẽ xảy ra thảm họa áo dài. Mà thực tế đã xảy ra chuyện đó. Vậy biện pháp nào của các NTK để bảo vệ áo dài?".

NTK Lan Hương, người có 10 năm gắn bó với trang phục truyền thống, cho rằng cần có một quy chuẩn chung: "Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã nói áo dài trải qua nhiều thời kỳ, mỗi thời kỳ lại có một sự cách tân khác nhau. Đây là thời kỳ chúng ta hãy cùng nhau chung tay để đưa ra một quy chuẩn cho tà áo dài truyền thống Việt Nam. Đi theo một con đường nhất định, chúng ta sẽ không có thảm họa".

Bên cạnh đó, chị cũng nhắn nhủ đến các nhà thiết kế hãy yêu tà áo dài và không dễ dãi với bất cứ mẫu thiết kế nào. 

Cùng quan điểm với Lan Hương, NTK Lan Anh bày tỏ: "Tôi cũng muốn kết hợp với nhà nghiên cứu, nhà quản lý để xây dựng quy chuẩn cho tà áo dài. Phải phân biệt rõ áo dài truyền thống và áo dài cách tân. Nếu có một đường lối dẫn dắt, chúng ta sẽ không còn thảm họa. Tôi chỉ nói đơn giản áo dài là phải có quần".

Festival Ao dai Ha Noi 2016 anh 2
Đồng Lan là một trong những sao Việt từng bị dư luận phản ứng khi biến tấu áo dài. Ảnh: NVCC.

Trong khi đó, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam và Hữu Huệ cho rằng bảo vệ tà áo dài là trách nhiệm của cả nhà thiết kế và người mặc. Theo Hoài Nam, ý thức của một hoặc một vài nhà thiết kế chưa làm nên điều gì. NTK làm nên một bộ áo dài đẹp nhưng người mặc bỏ đi cái quần. Đó cũng làm thảm họa!.

NTK Huệ Hữu chia sẻ: "Nếu đặt ra quy chuẩn, nó sẽ gò ép tính sáng tạo và sự tự do. Làm sao để áo dài không trở thành thảm họa, nó phải bắt nguồn từ cả khả năng thẩm mỹ của khách hàng, chứ không riêng nhà thiết kế". 

Liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng không nên đề ra tiêu chuẩn. Ông trả lời phỏng vấn Zing.vn: "Tôi thấy tiêu chuẩn không thể dành cho thời trang, phải để nó sống với thời đại. Có lúc các cô thích mặc áo cổ cao, lúc lại thích mặc cổ thấp. Tiêu chuẩn chỉ dành cho quốc phục, lễ phục cấp nhà nước khi tiếp khách quốc tế, thủ tục ngoại giao...".

 

Ông nói thêm: "Thời trang phải để nó sống động, ai được đa số chấp nhận thì sẽ sống lâu dài và nhà thiết kế thu được lợi. Thời trang lố bịch dành cho tuổi trẻ, trải qua 1-2 năm sẽ biến mất". 

 

 

Festival Ao dai Ha Noi 2016 anh 3
Nhiều mẫu thiết kế áo dài cách tân được giới thiệu tại Festival Áo dài 2016. Ảnh: Anh Tuấn.

Nhà nghiên cứu nhấn mạnh bản thân ông rất khuyến khích sự cách tân, sáng tạo trang phục áo dài. Tuy nhiên, quốc phục phải có chuẩn mực về màu sắc, hoa văn, không thể ngẫu hứng.

Nhắc đến thảm họa áo dài ngày nay, ông Trần Đình Sơn nêu quan điểm: "Nhiều khi người ta thiết kế áo dài nhưng lại mặc quá lố lăng. Áo dài phải đi với quần, áo tứ thân phải có váy. Hiện nay, phụ nữ mặc áo dài nhưng lại mặc quần bò, có những chiếc quần sát quá nhìn như không mặc. Áo dài không ra áo dài, áo ngắn không ra áo ngắn". 

Trong vai trò giám đốc sáng tạo của Festival Áo dài Hà Nội 2016, NTK Minh Hạnh cho biết để sự cách tân không đi quá xa nguồn gốc, chị trực tiếp can thiệp vào các bộ sưu tập: "Một số mẫu dành cho thương mại, tôi không can thiệp. Nhưng với những mẫu áo dài trình diễn, tôi can thiệp hoàn toàn".

Bên cạnh đó, chị đánh giá những bộ áo dài cách tân vừa phải tạo cho người mặc sự thoải mái nhất định, để các bạn trẻ có thể tung tăng nhảy múa, đi xe đạp. Theo NTK Minh Hạnh, đó là cách tân tích cực. 

"Tôi vẫn nói với các nhà thiết kế rằng trình độ và sự hiểu biết của bạn như thế nào, bạn hãy cứ làm như vậy. Khi nào tâm hồn đủ chín, đủ đẹp, bạn sẽ làm áo dài đẹp". 


Minh Đức

Bạn có thể quan tâm