Bác sĩ Vũ Đức Công, chuyên khoa Nam học tại TP.HCM cho biết anh H. (ngụ TP.HCM) đến khám với triệu chứng tiểu gắt, tiểu buốt kèm chảy mủ, chảy dịch vùng niệu đạo.
Qua thăm khám và kết quả xét nghiệm, anh H. được xác định nhiễm lậu cầu, nguyên nhân có thể xuất phát từ việc quan hệ không an toàn.
Bên cạnh đó, trong quá trình khai thác bệnh sử cũng như các yếu tố liên quan, vợ anh H. cũng có triệu chứng tương tự kèm theo cảm giác hơi đau tức nhiều vùng âm đạo, bàng quang.
Vi khuẩn lậu cầu lây nhiễm chủ yếu qua đường quan hệ tình dục không an toàn. Ảnh: Cidrap. |
Bác sĩ Công khuyên bệnh nhân đưa vợ đi khám phụ khoa để tránh ảnh hưởng đến thai nhi vì người vợ đang mang thai. Kết quả qua thăm khám phụ khoa cho thấy vợ bệnh nhân cũng nhiễm lậu cầu.
Nhờ phát hiện sớm nên bệnh tình của hai vợ chồng anh H. được kiểm soát bằng điều trị nội khoa và dần hết triệu chứng sau một tuần dùng kháng sinh đặc hiệu.
Bác sĩ Công cho biết trường hợp của anh H. không phải chuyện hiếm gặp ở các cặp vợ chồng khi đang trong giai đoạn mang thai, ở cử. Thực tế, nếu người vợ không rơi vào nhóm thai kỳ có nguy cơ như hở eo cổ tử cung, nhau tiền đạo, nhau bám thấp..., chuyện chăn gối vẫn nên tiếp tục duy trì đến 6 tháng đầu thai kỳ.
Lậu cầu là bệnh lý chủ yếu lây truyền qua đường tình dục do Neisseria gonorrhoeae gây nên. Vi khuẩn này có xu hướng lây nhiễm ở những vùng niêm mạc trên cơ thể như niệu đạo, âm đạo, hậu môn, mắt...
Phụ nữ mang thai nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến sinh non hoặc trong quá trình sinh nở, trẻ dễ bị lậu cầu mắt.
Các bác sĩ khuyến cáo để phòng bệnh lậu cầu, vợ chồng nên quan hệ chung thủy và luôn lắng nghe đối phương. Khi có dấu hiệu nhiễm trùng ở vùng sinh dục, cả hai nên kiêng quan hệ và sớm đến các cơ sở y tế để kiểm tra phòng tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.