Chia sẻ với Guardian, Michelle nói rằng "thế giới ảo" trở thành nơi giới trẻ kết nối với bạn bè, cộng đồng, xua tan cảm giác cô lập trong thời gian giãn cách.
Nhưng một thời gian sau, cả hai đều bắt đầu ăn kiêng, lao vào tập thể dục và dần sinh chứng rối loạn ăn uống trầm trọng. Thậm chí, con gái lớn của Michelle suýt phải vào viện vì biếng ăn kéo dài.
Nhiều thiếu nữ ở Mỹ mắc chứng biếng ăn khi theo dõi các bài đăng khuyến khích giảm cân, khoe vóc dáng "không tì vết" trên Instagram. Ảnh: The Conversation. |
Michelle cho rằng mạng xã hội là nguyên nhân khiến các con cô mặc cảm với ngoại hình, dẫn đến tình trạng sức khỏe và tinh thần tồi tệ.
"Tôi hiểu Instagram không trực tiếp gây ra chứng rối loạn ăn uống. Nhưng nền tảng này lại cổ xúy, kích thích cảm giác tự ti, khiến người trẻ mắc kẹt trong nền văn hóa độc hại này", cô nói.
Bị tấn công bởi bài đăng độc hại
Ngày 5/10, Frances Haugen, cựu giám đốc sản phẩm của Facebook, tuyên bố trước Thượng viện Mỹ rằng Instagram có tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần của nhiều cô gái trẻ, gián tiếp thúc đẩy hành vi ăn uống không lành mạnh.
Nghiên cứu nội bộ của Facebook, được trích dẫn trong hồ sơ bà Haugen gửi lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán, chỉ ra "13,5% thiếu nữ tuổi teen trên Instagram nói nền tảng này khiến suy nghĩ về 'Tự tử và tự gây thương tích' trở nên tồi tệ hơn".
17% nói rằng nền tảng làm gia tăng các vấn đề ăn uống, chẳng hạn như chứng biếng ăn.
17% các thiếu nữ tuổi teen cho biết Instagram khiến chứng biếng ăn, rối loạn ăn uống của họ gia tăng. Ảnh: BBC. |
Điều này khiến cha mẹ của nhiều thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn ăn uống cảm thấy giận dữ.
Neveen Radwan, một bà mẹ sống ở San Francisco (Mỹ), khẳng định mạng xã hội có tác động mạnh mẽ tới chứng rối loạn ăn uống mà con gái 17 tuổi của cô mắc phải.
Radwan nói con gái cô và nhiều thiếu nữ khác dễ cảm thấy tự ti, mặc cảm khi bắt gặp các bài đăng ủng hộ ăn kiêng, giảm cân, và những bức hình đã qua chỉnh sửa của các influencer trên mạng.
"Vừa mở ứng dụng, con tôi lập tức bị 'tấn công' bởi những bức ảnh được chỉnh sửa kỹ lưỡng, phô bày cơ thể thon gọn. Con bé mải miết theo đuổi một vóc dáng 'hoàn hảo' không có thực suốt nhiều năm", cô chia sẻ.
Đẹp và gầy trên mạng xã hội trở thành nỗi ám ảnh của nhiều cô gái. Ảnh: Independent. |
Con gái của Radwan từng trải qua quãng thời gian dài đấu tranh và điều trị chứng rối loạn ăn uống. Có thời điểm, cô gái 17 tuổi chỉ nặng 33 kg, tim suýt ngừng đập và phải đi cấp cứu.
Để hỗ trợ quá trình phục hồi, Radwan đã cài đặt một số biện pháp bảo vệ, giám sát hoạt động trực tuyến trên điện thoại của con.
Sau một năm rưỡi điều trị, con gái của Radwan đã được phép sử dụng điện thoại trở lại. Mặc cho hàng loạt ứng dụng giám sát, cô gái này chỉ mất 30 phút vượt tường lửa, đăng nhập vào Instagram.
"Một khi xem video, bài đăng trên nền tảng này, thuật toán sẽ hoạt động và không ngừng đưa ra những gợi ý liên quan. Tôi chẳng thể làm gì để ngăn chặn điều đó", Radwan thở dài.
Đấu tranh tư tưởng
Madelyn Webb, Phó giám đốc Nghiên cứu của Media Matters, khẳng định một số công cụ có thể hạn chế các nội dung độc hại, sai lệch lan truyền trên mạng xã hội, nhất là những bài viết liên quan tới chứng rối loạn ăn uống.
Tuy nhiên, cô nói rằng Facebook sẽ "không bao giờ thay đổi thuật toán để bảo vệ mô hình lợi nhuận của họ".
Báo cáo do Haugen công khai cho thấy 86,7% bài đăng về chứng rối loạn ăn uống đang "mở lối" cho các loại thuốc ức chế cơn thèm ăn, 52,9% trực tiếp ủng hộ thói quen ăn uống không lành mạnh.
Các bài đăng về việc ăn kiêng khắc nghiệt nhằm giảm cân trên Instagram vẫn sẽ hiện lên theo thuật toán khi người dùng quan tâm tới chủ đề này. |
Lucy, một phụ huynh ở Washington D.C. (Mỹ), kể con gái cô phải vật lộn với chứng biếng ăn từ khi mới 11 tuổi. Vài năm gần đây, cả gia đình đều mừng khi thấy bệnh tình của cô bé tiến triển tích cực.
Nhưng khi con cô sử dụng mạng xã hội thường xuyên hơn trong thời gian giãn cách xã hội, căn bệnh ấy lại quay lại.
"Chúng tôi nhận ra điều này quá muộn, con bé một lần nữa rơi vào trạng thái kén ăn, không muốn động đến bất kỳ món nào. Đứa con gái thông minh, đáng yêu, biết quan tâm của tôi sẽ lại một lần nữa thấy tự ti về cơ thể mình khi xem cái bài đăng mang thông điệp 'Đừng ăn' trên mạng xã hội", Lucy trải lòng.
Ngoài bệnh tình của con gái, gia đình Lucy cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ sở điều trị hợp lý cho những đứa trẻ như con cô.
Nhiều bậc phụ huynh loay hoay tìm cách kiểm soát hoạt động của con cái trên mạng xã hội nhằm hạn chế các bài đăng độc hại xuất hiện, ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người trẻ. Ảnh: Getty. |
Thực tế, việc điều trị chứng rối loạn ăn uống ở Mỹ còn nhiều hạn chế, dù tỷ lệ bệnh nhân tăng mạnh trong những năm gần đây.
Nghiên cứu do Bệnh viện Nhi CS Mott ở Michigan (Mỹ) cho thấy số trẻ em nhập viện do mắc chứng này trong 12 tháng đầu tiên của đại dịch cao hơn mức trung bình 3 năm trước đó.
"Các cơ sở trị liệu trên cả nước đều kín chỗ, phải vào danh sách chờ. Song, bệnh tình có thể trở nặng hơn, đến gần với cái chết hơn", Lucy nói.
Dẫu biết Facebook, Instagram có liên quan tới sức khỏe thể chất và tinh thần của con mình, nhiều bậc phụ huynh phải đấu tranh tư tưởng để rời khỏi nền tảng này.
Với Lucy, cô cảm thấy rất mâu thuẫn vì dù ghét mạng xã hội, cô vẫn phải dựa vào nó để kết nối với các bậc cha mẹ có con mắc chứng rối loạn ăn uống.
Chia sẻ với Guardian, Lucy hồi tưởng lại thời điểm con gái mắng mỏ mình khi bị mẹ giục ăn uống, dù chỉ một lượng thức ăn rất nhỏ. Đêm ấy, Lucy khóc đến mức không ngủ được, bèn chia sẻ tâm sự lên nhóm chung.
"Hàng chục người trên khắp thế giới cùng vào an ủi, san sẻ với những trải nghiệm tôi đang có. Họ nói rằng tôi sẽ vượt qua được cửa ải này, và điều đó trở thành động lực cho tôi", cô nói.