Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặc đồng phục để dễ phát hiện người lạ đột nhập trường

Đây là một trong số những lí do khiến ĐH Ngân hàng TP.HCM đưa ra thông báo lấy ý kiến toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên về việc mặc đồng phục và quẹt vân tay để chấm công.

Theo thông báo ngày 27/10, nhà trường lấy ý kiến của toàn thể giáo viên, cán bộ công nhân viên trường về quy định: Nam mặc quần tây đen, áo sơ mi trắng, đeo bảng tên, thắt cà vạt, mang giày khi đến lớp. Nam giảng viên phải mặc thêm áo vest đen trong các buổi hội thảo, hội nghị và các buổi họp quan trọng của trường. Giảng viên nữ mặc áo dài màu sắc tự do, kín đáo, phù hợp thuần phong mỹ tục và môi trường giáo dục, đeo bảng tên, đi giày hoặc dép có quai hậu.

Trong trường hợp mặc thêm áo khoác ngoài, giảng viên nữ phải mặc áo vest đen. Trước đó, ĐH Ngân hàng cũng đưa ra quy định quản lý nhân sự bằng máy chấm công vân tay, áp dụng cho tất cả giảng viên – những người thường có lịch dạy học linh hoạt.

Theo quy định này, trường thực hiện chấm công bằng máy lấy vân tay từ ngày 1/11. Đối với giảng viên, trường lấy dấu vân tay theo thực tế đầu giờ và cuối giờ giảng.

Thông báo về việc mặc đồng phục đối với giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM.
Thông báo về việc mặc đồng phục đối với giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM.                                                                                          

Thông báo nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ đội ngũ giảng viên nhà trường. Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, nhiều thầy cô cho rằng quy định quá cứng nhắc, gây bất tiện, ảnh hưởng tâm lý giảng dạy.

Một nữ giảng viên ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết nếu quy định mặc áo dài được áp dụng, cô sẽ phải sắm lại toàn bộ tủ đồ của mình. Chưa kể việc không phải ai mặc áo dài cũng đẹp. “Xưa nay, tôi vẫn ăn mặc rất lịch sự khi đi dạy, có ngày mặc quần tây, áo sơ mi, đầm vest, thỉnh thoảng mặc áo dài... Giờ vứt hết đồ cũ, mặc áo dài thì bất tiện và phí lắm. Lịch sự hay không do mình, nếu mặc áo dài mà vải xuyên thấu thì còn mất lịch sự hơn cả đầm công sở”.

Trong khi đó, một thầy giáo lâu năm của trường cho biết quy định mặc đồng phục của BGH nhận được 90% ý kiến phản đối của giảng viên.

“Hiện nay, chúng tôi mặc áo sơ mi màu, đeo bảng tên, cà vạt là quá lịch sự rồi. Áo trắng dễ bẩn, mà môi trường dạy học cần sáng tạo. Tôi chưa thấy trường nào áp dụng kiểu đồng phục cho giảng viên như thế này! Đưa ra quy định phải suy xét nó có lợi ích gì, có cần thiết hay không, gây ức chế tâm lý cho giảng viên sẽ làm giảm hiệu quả dạy học”, giảng viên này nói.

Thầy giáo cho biết thêm việc bắt giáo viên quẹt vân tay cũng cho thấy cách quản lý cứng nhắc của BGH.

Giảng viên, cán bộ công nhân viên Trường ĐH Ngân hàng TP HCM sẽ mặc đồng phục theo quy định. Ảnh: Website trường
Giảng viên, cán bộ công nhân viên ĐH Ngân hàng TP.HCM sẽ mặc đồng phục theo quy định. (Ảnh: Website trường).                           

Trả lời vấn đề này, TS Trần Mai Ước - Chánh văn phòng ĐH Ngân hàng TP.HCM cho biết: "Quy định mặc đồng phục và chấm công bằng máy quẹt vân tay đã được Đảng ủy, ban giám hiệu nhà trường bàn bạc, đi đến thống nhất và triển khai. TS Ước nói rằng nhà trường đưa ra các quy định trên nhằm chấn chỉnh nề nếp, phong cách giáo viên, cải thiện môi trường sư phạm. Bên cạnh đó, quy định mặc đồng phục giúp nhà trường dễ dàng phát hiện người lạ đột nhập vào trường, tăng cường giám sát an ninh. Ngoài ra, thông báo cũng xuất phát từ việc nhiều sinh viên sau khi ra trường, làm việc trong môi trường ngân hàng với phong cách chuyên nghiệp, chỉn chu đã trở về góp ý với chúng tôi”.

Về việc chấm công bằng dấu vân tay, TS Trần Mai Ước cho biết trước đó, trường đã có phòng thanh tra làm nhiệm vụ giám sát, kiểm tra lịch dạy của các giảng viên. Vì thế, việc chấm công bằng máy chỉ để hỗ trợ công tác thanh tra, về bản chất không có gì thay đổi. Theo ông Ước, ĐH Ngân hàng TP.HCM không phải trường đầu tiên thực hiện chấm công bằng máy quẹt vân tay.

Khi được hỏi liệu những quy định này có quá cứng nhắc đối với giảng viên, ông Ước cho rằng sự đổi mới khi nào cũng nhận được nhiều luồng ý kiến do thói quen cũ khó từ bỏ. Khi mọi thứ đã đi vào nề nếp, quyết định này sẽ giúp cải thiện môi trường giáo dục, tăng cường an ninh, nề nếp sinh hoạt, dạy học của trường đi vào quy củ. Ông Ước cũng nói thêm đây chỉ mới là thông báo góp ý, BGH mong nhận được nhiều ý kiến từ các thầy cô để có sự thay đổi, điều chỉnh theo hướng tốt hơn.

Trước đó, ngày 4/10, ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) cũng đưa ra quyết định cấm sinh viên mặc quần jean, áo thun và đi dép lê gây tranh cãi.

Ngoài ra, văn bản hướng dẫn vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, các thành viên trong trường mặc áo dài truyền thống đối với nữ và quần tây hoặc quần kaki, áo sơ mi trắng đối với nam.

Các ngày còn lại, mọi người mặc trang phục tự chọn cách lịch sự, trang nhã; đi giày hoặc dép có quai hậu, đảm bảo gọn gàng, kín đáo và không để lộ nội y gây phản cảm, mất mỹ quan; không mặc quần jean, áo thun, nếu sử dụng áo thun phải có cổ, tay áo lịch sự.

Vì sao cấm sinh viên mặc quần jeans?

Sáng 6/10, ghi nhận tại ĐH Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long), hơn 80% sinh viên của trường vẫn mặc quần jeans đến giảng đường.

http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/mac-dong-phuc-de-de-phat-hien-nguoi-la-dot-nhap-truong-20141105085354123.htm

Theo L.Thoa/ Báo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm