Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Mặc lệnh cấm, quần đùi, áo crop top vẫn xuất hiện tại World Cup 2022

Daniela Crawford đã lo lắng về những quy tắc trang phục tại Qatar. Nhưng giống như nhiều fan nữ khác, cô nói rằng mình chưa gặp bất kỳ rắc rối nào.

"Ở Brazil, mọi người đã quen với quần áo như thế này, nên khi đến đây, chúng tôi quyết định thể hiện con người thực sự", Crawford cho biết.

Crawford đã mặc quần đùi khi cùng chồng và hai con trai đến sân vận động Education City để theo dõi trận tứ kết giữa Brazil và Croatia.

2022 là kỳ World Cup đầu tiên được tổ chức tại một quốc gia Ả Rập và Hồi giáo. Trước giải đấu, chính phủ Qatar, tổ chức bóng đá thế giới FIFA và chính phủ các quốc gia khuyến cáo cổ động viên từ khắp nơi trên thế giới nên tôn trọng phong tục địa phương, bao gồm quy định về trang phục và tiêu thụ rượu bia.

Thông tin này đã gây tranh luận, nhưng mọi thứ bắt đầu lắng xuống sau gần một tháng diễn ra World Cup.

Giờ đây, một số người thậm chí hoan nghênh lệnh cấm đồ uống có cồn của nước chủ nhà, cho biết điều này khiến họ cảm thấy an toàn hơn. Nhiều cổ động viên nữ nói với AP rằng mặc dù lo lắng, họ không gặp phải rắc rối nào và chỉ phải điều chỉnh một chút về cách ăn mặc khi đến Qatar.

Quần đùi, áo crop top

Qatar giới thiệu World Cup 2022 là cơ hội để vượt qua định kiến ​​về vai trò của phụ nữ ở đất nước này.

Quốc gia vùng Vịnh có nhiều quy tắc bảo thủ và hầu hết phụ nữ đều phải đội khăn trùm đầu, mặc áo choàng rộng ở nơi công cộng. Nhưng vì đây còn là nơi sinh sống của hơn 2 triệu lao động nước ngoài, áp đảo 300.000 cư dân bản địa, các quy tắc có thể được nới lỏng trong nhiều trường hợp.

Bemie Ragay, phụ nữ Philippines đã làm việc ở Qatar được 8 năm, cho biết cô luôn cảm thấy an toàn, "thậm chí an toàn hơn đất nước của mình". Cô nói rằng trang phục không phải là vấn đề, miễn là mọi người không vượt qua giới hạn.

Ví dụ, bạn có thể mặc áo crop top, nhưng không thể đi dạo trên phố với trang phục hở lưng. "Bạn phải tôn trọng văn hóa ở đây", cô nói.

co dong vien nu anh 1

Cổ động viên của Morocco đến sân vận động trước trận tứ kết World Cup giữa Morocco và Bồ Đào Nha. Ảnh: AP.

Isabeli Monteiro, cổ động viên 32 tuổi của Brazil, cho biết cô mặc váy dài hơn thay vì quần đùi và không gặp trở ngại gì trong suốt thời gian ở Qatar. "Không ai nhòm ngó chúng tôi, đặc biệt là vì chúng tôi đang ở trong một kỳ World Cup với các nền văn hóa khác nhau từ khắp nơi trên thế giới".

Theo Fatma Al Nuaimi, người phát ngôn của Ủy ban tối cao (SC), cơ quan phụ trách giải đấu, phụ nữ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc tổ chức World Cup, bao gồm một số người giữ vị trí cao trong SC.

Bà Nuaimi cũng hy vọng World Cup 2022 sẽ làm thay đổi thái độ về các vấn đề giới trong khu vực.

"Rất nhiều người có nhận thức sai lầm, đặc biệt khi nói đến vai trò của phụ nữ ở Qatar hoặc trong khu vực. Người hâm mộ đến Qatar sẽ thấy rằng nữ giới có quyền và thực sự được trao quyền", bà chia sẻ.

Nữ giới tại Qatar

Qatar cho biết cải thiện vị thế của phụ nữ là một trong những ưu tiên. Phụ nữ nắm giữ một số vị trí quan trọng trong chính phủ và giới học thuật, bao gồm 3 nữ bộ trưởng. Cựu Hoàng hậu Qatar Sheikha Moza bint Nasser al-Missned là một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất Trung Đông, được biết đến với việc ủng hộ các hoạt động xã hội.

Qatar cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ phụ nữ đi học cao nhất trong thế giới Ả Rập. Tại các trường đại học, số lượng sinh viên nữ gấp đôi nam giới. Gần như tất cả trẻ em, nam và nữ, đều hoàn thành chương trình tiểu học.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, quốc gia này vẫn đứng gần cuối trong báo cáo khoảng cách giới toàn cầu (nghiên cứu xem xét khoảng cách giữa phụ nữ và nam giới trong việc làm, giáo dục, y tế và chính trị) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

co dong vien nu anh 2

Phụ nữ Qatar không được phép kết hôn, đi du lịch nếu không được người giám hộ nam cho phép. Ảnh: Reuters.

Hiến pháp Qatar đề cao sự bình đẳng giữa các công dân. Nhưng các nhóm nhân quyền nói rằng hệ thống pháp luật Qatar phân biệt đối xử với phụ nữ khi liên quan đến quyền tự do đi lại và các vấn đề về hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, quyền nuôi con và thừa kế.

Theo thống kê của chính phủ, khoảng 37% phụ nữ Qatar đi làm, tỷ lệ cao trong khu vực nhưng hầu như không thay đổi trong vài năm gần đây. Trong khi đó, Saudi Arabia đã chứng kiến ​​​​sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn, với tỷ lệ phụ nữ có việc làm tăng từ 14% vào năm 2019, một trong những mức thấp nhất của khu vực, lên gần 27% trong năm nay.

Mead El-Amadi, Giám đốc FIFA Fan Festival tại Doha, cho biết những phụ nữ tham gia tổ chức giải đấu sẽ là hình mẫu cho nữ giới muốn kinh doanh bóng đá hoặc quản lý thể thao nói chung.

"Bóng đá nhìn chung vẫn là môn thể thao do nam giới thống trị. Nhưng các nhà tổ chức nữ với sự hỗ trợ của các đồng nghiệp nam đã đem đến một giải đấu thành công, một sự kiện trọng đại và khiến cả thế giới phải nhìn vào chúng tôi", bà El-Amadi nói.

Nhà vô địch World Cup không chỉ chiến thắng trong bóng đá

Ngoài mang cúp về cho đất nước, đội bóng vô địch World Cup còn đem lại cơ hội phát triển thể thao, kinh tế, du lịch cho quê hương.

Nhà có nhiều cột

Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Lê Vy

Bạn có thể quan tâm