Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mặc quần đùi hay bikini, là quyền của vận động viên nữ

Câu chuyện về trang phục của các nữ vận động viên chưa bao giờ ngừng gây tranh cãi kể từ khi họ được phép tham dự thế vận hội.

trang phuc olympic anh 1

Olympic 2020 tại Tokyo (Nhật Bản) không đơn thuần là cuộc cạnh tranh của các vận động viên từ nhiều nước trên thế giới. Năm nay, phong trào chống "tình dục hóa" trong thể thao và những quy định ngặt nghèo cho vận động viên nữ cũng tạo nên một cuộc chiến ngầm khác.

Vấn đề phân biệt giới tính trong thể thao đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, việc thay đổi được không vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Cuộc chiến ngầm ở Olympic

Tuần qua, đội thể dục dụng cụ nữ của Đức đã thi đấu trong trang phục quần bó sát đến mắt cá chân. Thông thường, các vận động viên nữ thi đấu môn này mặc leotard trông giống đồ bơi một mảnh.

trang phuc olympic anh 2

Các cô gái của đội Đức mặc bộ trang phục kín đáo tại Olympic. Ảnh: Time.

Lý do phía đội Đức đưa ra là họ đang cố gắng chống lại "tình dục hóa phụ nữ và trẻ em gái" trong môn thể thao này. Suốt chiều dài lịch sử, những bê bối tình dục trong thể dục dụng cụ vẫn là câu chuyện khiến nhiều người đau đầu.

Ngoài những cô gái từ Đức, các vận động viên nữ của đội bóng ném bãi biển nữ Na Uy cũng gặp phải nhiều rắc rối. Họ vừa bị Liên đoàn Bóng ném châu Âu phạt do mặc quần đùi thay vì bikini bắt buộc.

Pink - ca sĩ nổi tiếng người Mỹ - đã lên tiếng ủng hộ các cô gái Na Uy. Cô thậm chí còn đề nghị nộp phạt hộ họ.

"Tôi tự hào về đội bóng ném nữ Na Uy khi phản đối những quy tắc mang tính phân biệt giới tính về trang phục. Liên đoàn Bóng ném châu Âu mới là những người đáng bị phạt", cô chia sẻ.

trang phuc olympic anh 3

Đội bóng ném nữ Na Uy bị phạt vì mặc quần đùi. Ảnh: New York Post.

Tonje Lerstad - thành viên đội bóng - thừa nhận không ngạc nhiên khi cả đội bị phạt. Họ lường trước điều đó và đã được cảnh báo. Tuy nhiên, tất cả đều muốn đấu tranh cho sự bình đẳng.

Hay cũng có thể nói đến câu chuyện của Olivia Breen - vận động viên Paralympic người Anh. Chia sẻ với ESPN, cô nói thấy kinh tởm khi một quan chức nước này chê quần của mình quá ngắn. "Đồ cô mặc hở hang quá. Tôi nghĩ cô nên mua thêm vài chiếc quần đùi", Breen kể lại những lời nhận xét.

Lịch sử bị kìm hãm của các vận động viên nữ

Ngày 29/7, tờ New York Times đăng bài Ai là người quyết định các vận động viên mặc gì. Trong bài viết này, cây bút Vanessa Friedman đã có đoạn nói về lịch sử bị kiểm soát của các vận động viên nữ.

Kể từ khi phụ nữ được tham gia thể thao, dường như luôn có thế lực cố kiểm soát những gì họ mặc. Bộ trang phục đôi khi buộc phải bớt nữ tính hoặc để giảm sự hấp dẫn với nam giới khi xem thi đấu. Cũng có khi, người ta lại đưa ra quy định trang phục phải gợi cảm để khiến cánh mày râu bỏ tiền xem họ thi đấu.

Câu chuyện "mỗi lúc một kiểu" này được nhìn thấy rõ nhất ở môn tennis. Năm 1919, Suzanne Lenglen mặc váy dài ngang bắp chân nhưng không sử dụng váy lót hay áo nịt ngực tại Wimbledon. Cô bị chỉ trích là không đứng đắn.

trang phuc olympic anh 4

Trang phục của các tay vợt nữ từng bị chỉ trích nhiều lần suốt lịch sử. Ảnh: Wimbledon.

30 năm sau, Gertrude Morales - tay vợt Mỹ - mặc váy tennis dài đến giữa đùi. Tuy nhiên, các nhân vật quyền lực của Wimbledon vẫn gọi đó là "sự thô tục và tội lỗi với tennis".

Đến năm 1955, Billie Jean King - khi ấy mới 12 tuổi - không được phép chụp ảnh nhóm tại một câu lạc bộ tennis vì mặc quần đùi chứ không phải váy ngắn.

Ở những môn thể thao khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Năm 2012, trước Olympic London, Hiệp hội Quyền anh Quốc tế Nghiệp dư đã đề xuất nữ võ sĩ phải mặc váy chứ không dùng quần đùi. Họ nói đây là cách phân biệt với nam giới.

Trước đó một năm, Liên đoàn Cầu lông Thế giới cũng từng cố ép các tay vợt nữ mặc váy và áo dài. Dù vậy, cả 2 kiến nghị này đều đã bị phản đối kịch liệt.

trang phuc olympic anh 5

Sepp Blatter từng ngụ ý cầu thủ nữ phải ăn mặc gợi cảm để hút người xem. Ảnh: AFP.

Nói tới bóng đá, Sepp Blatter - cựu chủ tịch FIFA (Liên đoàn Bóng đá Quốc tế) - cũng từng gợi ý cầu thủ nữ nên chơi trong những bộ đồ bó hơn. Theo Blatter, điều này giúp họ tăng tính thẩm mỹ và nữ tính.

"Đó cũng có nghĩa là họ nghĩ cầu thủ nữ phải bán thân xác của mình để thu hút người xem trả tiền đến sân", cây viết của New York Times bình luận.

Mặc quần đùi hay bikini, chỉ vận động viên nữ mới biết

Chia sẻ với New York Times, Megan Neyer - chuyên gia tư vấn tâm lý và thể thao, đồng thời là cựu vận động viên Olympic - nói những quy định được đặt ra do văn hóa thể thao.

"Văn hóa thể thao tập trung quyền lực vào những cơ quan quản lý. Họ cai trị bằng nắm đấm thép. Khi ai đó nắm ước mơ của bạn trong tay, thật khó để phản đối. Trong nhiều năm, các vận động viên dường như chỉ được nhìn thấy. Họ không được lắng nghe. Thực trạng kéo dài tạo điều kiện cho việc lạm dụng tình dục mà gần đây bị phanh phui ở nhiều môn thể thao. Điều đó khiến cuộc tranh luận về trang phục trở nên gay gắt hơn", Neyer nói.

trang phuc olympic anh 6

Trang phục thi đấu có phản cảm hay không mang nhiều tính chủ quan. Ảnh: Money.

Bà Scheider - thuộc Trung tâm Nghiên cứu Olympic - cho biết Ủy ban Olympic Quốc tế ủy quyền cho Ủy ban Olympic quốc gia của từng phái đoàn về việc chọn trang phục.

Nghe có vẻ thoải mái nhưng sự thật không như vậy. Họ luôn kèm theo quy tắc ngầm là "trang phục không gây khó chịu". Tuy nhiên, khó chịu thế nào lại là khái niệm mang tính chủ quan.

Dù vậy, phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã đem đến sự thay đổi lớn. Các vận động viên được nói lên tiếng lòng mình và thể hiện suy nghĩ riêng theo những cách mà bậc tiền bối chưa bao giờ có.

"Đã có sự thay đổi quyền lực. Phong trào quyền của vận động viên đang gây tiếng vang đáng kể", bà Schneider nói.

Theo tờ New York Times, bộ trang phục mà đội thể dục dụng cụ nữ của Đức mặc giống như tuyên bố chính trị. Tuy nhiên, đó cũng là trang phục được chấp thuận. Chỉ là trước đây, không có vận động viên nào chọn làm vậy tại một thế vận hội.

Hồi tháng 6, các lãnh đạo cấp cao của thể dục dụng cụ Mỹ cũng đưa ra những thay đổi tích cực. Họ cho phép vận động viên nữ được mặc quần đùi như nam giới.

Cây viết New York Times nhấn mạnh việc mặc trang phục thế nào thực sự ảnh hưởng đến thành tích của vận động viên. Catherine Sabiston - giáo sư tâm lý thể thao - chia sẻ sau những nghiên cứu về trang phục thi đấu: "Với bộ đồ thoải mái, một vận động viên có thể làm tốt hơn. Chỉ họ mới biết bộ đồ nào khiến mình thoải nhất. Đó có thể là quần đùi hay bikini?".

Ẩn ý trang phục của các VĐV tại Olympic Tokyo

Những chi tiết được lồng ghép khéo léo trên bộ đồ thi đấu mang nhiều ý nghĩa, giúp VĐV có tinh thần hơn.

Kẹp tóc vịt vàng giống nữ xạ thủ Olympic được săn lùng

Nhiều cửa hàng bán được 10.000 chiếc kẹp vịt một ngày sau khi Dương Thiến (Yang Qian) giành huy chương vàng.

Dĩ An

Bạn có thể quan tâm