Mai Phương Thúy hóa thành "Nàng Thơ"
Sau cuốn sách "Phụ nữ và Tuồng", Hoa hậu Việt Nam 2006 Mai Phương Thúy sẽ "xắn tay áo" thực hiện cuốn "Người xưa áo lụa chiêm bao" với sự hợp tác của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.
Cuốn sách nhằm tái hiện nét đẹp người con gái Việt qua các trang phục truyền thống, dự định ra mắt trước Tết âm lịch 2009.
Mai Phương Thúy vui vẻ cho biết: "Đây là dự án thứ hai của tôi, sau cuốn sách Phụ nữ và Tuồng. Với tập sách này, tôi nghĩ tùy từng độc giả có thể cảm nhận đây là thơ minh họa cho thời trang và cũng có thể là thời trang chắp cánh cho thơ ca. Nhưng mục đích cuối cùng là tôn vinh giá trị thẩm mỹ của người Việt và mang đến ít nhiều niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh".
Nhưng người đẹp cũng nhấn mạnh, cuốn Người xưa áo lụa chiêm bao không đơn thuần là tập thơ hay chỉ là một bộ sưu tập ảnh thời trang mà cuốn sách là ý tưởng về sự kết hợp hài hòa giữa thơ và ảnh nghệ thuật.
Trong đó, với vai trò là nhân vật chính, Mai Phương Thúy "biến hóa" thành những mẫu hình phụ nữ Việt khác nhau: một cô gái quê xinh tươi lam lũ trên ruộng đồng, một thiếu nữ Hà thành trong tà áo dài xưa, một thiếu phụ trong gia đình danh gia vọng tộc... Những trang phục truyền thống ở các vùng miền khác nhau như chiếc áo bà ba, áo tứ thân, áo dài cùng với quần thâm, yếm đào hay váy đụp... được Hoa hậu mặc sẽ gợi nét duyên Việt mà ngày nay khán giả ít dịp được chiêm ngưỡng trong đời sống hiện đại.
Mai Phương Thúy gạt bỏ những nét hiện đại để vào vai người phụ nữ Việt xưa trong tập sách thơ |
Song hành với mỗi bức ảnh của Mai Phương Thúy là những câu thơ của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Đó có thể là những bài thơ ngắn hai câu hoặc bốn câu nhấn thêm cho từng tấm ảnh một ý nghĩa về vẻ đẹp tâm hồn Việt qua từng nếp áo. Ví dụ, "người đi lụa mỏng những ngày sóng xô", "màu áo đôi vai nào chuyển gió hàng cây", hoặc "những đường cong còn nguyên trên nếp áo, treo phập phồng nỗi khao khát đàn ông"...
Nhà thiết kế Việt Hùng, người giúp Hoa hậu thực hiện dự án này cho biết, hiện tại êkíp chỉ mới thực hiện được khoảng 50 bức ảnh ưng ý, do nhiếp ảnh gia Quốc Huy thực hiện, trong số gần 150 bức ảnh cần hoàn thành. "Chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ để cuốn sách kịp ra mắt trước Tết. Toàn bộ số tiền thu được dành giúp trẻ em, người nghèo có một mùa xuân ấm cúng", anh nói.
Chi phí thực hiện bộ sách thơ - ảnh là gần 500 triệu đồng. Hiện tại, dù nội dung chưa hoàn thành và kế hoạch in ấn, xuất bản vẫn chưa lên, Người xưa áo lụa chiêm bao đã được các doanh nghiệp và cá nhân đặt mua trước 5.000 cuốn.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn nói vui: "Khi nghe Mai Phương Thúy trình bày ý tưởng làm cuốn sách này, tôi không ngần ngại gật đầu để sự nhàn hạ của thi ca được đứng cạnh sự nền nã của nghệ thuật thời trang. Tôi nghĩ, thơ mà được tham gia làm từ thiện thì không còn gì tốt bằng".
Theo VnExpress