Ngày 27/9, Kei Komuro (30 tuổi) trở về Nhật Bản, giữ lời hứa kết hôn với Công chúa Mako, người sẽ chính thức mất tước vị và trở thành thường dân sau khi họ kết hôn theo quy định của hoàng gia.
3 năm qua, Komuro sang Mỹ theo học ngành luật tại Đại học Fordham. Hiện anh làm việc tại một công ty luật hàng đầu ở New York.
Sự trở lại của hôn phu công chúa để chuẩn bị cho hôn lễ, đặc biệt với mái tóc đuôi ngựa khác lạ, đã làm bùng nổ giới truyền thông Nhật Bản, theo SCMP.
Hình ảnh mái tóc đuôi ngựa của Komuro trở thành chủ đề "nóng" của báo lá cải Nhật Bản. Ảnh: Japan Times. |
Chưa giải quyết ổn thỏa tranh chấp
Sáng 18/10, khoảng 40 phóng viên báo chí đã chờ đợi Komuro bên ngoài ngôi nhà của mẹ anh ở Yokohama, cách Tokyo khoảng 30 km.
Anh cúi đầu trước giới truyền thông trước khi lên ôtô và di chuyển tới điền trang Akasaka, nơi gia đình Thái tử Akishino Fumihito sinh sống.
Komuro được cho là đã giải thích với bố mẹ của hôn thê, Thái tử Fumihito và Thái tử phi Kiko, về tranh chấp tài chính chưa được giải quyết liên quan đến mẹ anh.
Dù chưa có thông tin cụ thể, cuộc trò chuyện giữa Komuro với các thành viên hoàng gia được dự đoán rất căng thẳng vì vẫn chưa giải quyết được hoàn toàn, SCMP đưa tin.
Tháng 9/2017, Công chúa Mako và Komuro tuyên bố đính hôn và ấn định hôn lễ. Tuy nhiên, không lâu sau, thông tin mẹ Komuro đã nợ bạn trai cũ 4 triệu yen (35.959 USD) để trang trải học phí đại học cho con trai gây xôn xao.
Đến tháng 2/2018, Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản thông báo hoãn lại đám cưới vô thời hạn.
Komuro rời nhà vào ngày 18/10 để gặp bố mẹ công chúa. Ảnh: Kyodo News. |
Sự việc cũng khiến công chúng Nhật Bản bất bình với hôn lễ, mặc dù cuộc tình của Công chúa Mako và hôn phu đã trải qua nhiều thử thách về cả thời gian lẫn khoảng cách. Hai người lần đầu gặp nhau vào năm 2012, từ khi còn là sinh viên.
Ngày 16/10, hàng trăm người biểu tình đã tuần hành qua khu trung tâm Tokyo để phản đối hôn lễ giữa công chúa và bạn trai vào ngày 26/10.
Hình ảnh từ các kênh truyền thông địa phương cho thấy đoàn biểu tình, chủ yếu là phụ nữ trung niên, cầm theo quốc kỳ Nhật Bản, biểu ngữ và hô vang khẩu hiệu chống lại Komuro, chẳng hạn “Đừng vấy bẩn hoàng gia bằng cuộc hôn nhân nguyền rủa”, “Hãy dừng cuộc hôn nhân nguyền rủa này lại”.
Thậm chí, có những biểu ngữ còn viết tên chồng tương lai của công chúa bằng mực đỏ - điều cấm kỵ trong văn hóa Nhật Bản, được coi là lời cảnh báo về cái chết.
Một số biểu ngữ cảnh báo rằng Komuro sẽ lợi dụng cuộc hôn nhân với công chúa vì mục đích cá nhân, hoặc cuộc hôn nhân này sẽ vi phạm hiến pháp.
Cụ thể, điều 88 trong luật tối cao Nhật Bản nghiêm cấm việc sử dụng sức ảnh hưởng của hoàng gia trong các vấn đề dân sự. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu đạo luật có hiệu lực hay không nếu công chúa rời khỏi hoàng gia.
Sau khi kết hôn, Công chúa Mako sẽ trở thành thường dân. Cô sẽ rời khỏi điền trang Akasaka vào ngày đăng ký kết hôn. Dự kiến, cặp vợ chồng sẽ trở lại Mỹ ngay khi vấn đề giấy tờ đã ổn thỏa.
Người biểu tình phản đối đám cưới của công chúa Nhật Bản ở trung tâm Tokyo. Ảnh: @selinawangtv. |
Sức ép nặng nề
Cùng ngày 18/10, công chúa đã thực hiện những lễ nghi cuối cùng với tư cách là một thành viên của gia đình hoàng gia.
Cô đến Kashikodokoro, một ngôi đền thờ nữ thần Mặt trời Amaterasu trong Thần đạo, đồng thời có chuyến viếng thăm tới các Thánh địa của Cung điện Hoàng gia, bao gồm nơi thờ cúng tổ tiên của gia đình, Kyodo News đưa tin.
Cô dự kiến gặp Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako vào ngày 22/10 để báo cáo về kế hoạch kết hôn, đồng thời gặp ông bà nội, cựu Nhật hoàng Akihito và cựu Hoàng hậu Michiko.
Thái tử Fumihito, bố cô dâu tương lai, vẫn khẳng định rằng sẽ không tổ chức lễ cưới hoàng gia truyền thống do vấp phải sự phản đối của công chúng.
Sau khi đăng ký kết hôn vào ngày 26/10, cặp vợ chồng dự kiến tổ chức họp báo lần đầu tiên sau 4 năm kể từ cuộc tranh cãi nổ ra.
Trong khi phần lớn đám cưới hoàng gia thường là sự kiện chung vui ở những quốc gia khác, hầu hết bình luận trên Internet tại Nhật Bản vẫn mang chiều hướng tiêu cực.
Một bài viết trên Yahoo cáo buộc công chúa đã "làm tổn hại lòng tin của người dân" bằng cách tiến hành đám cưới. Những bài đăng khác trên Daily Sports cũng thu hút nhiều bình luận tiêu cực.
"Hình ảnh của người đàn ông kia vẫn sẽ là tồi tệ nhất trong lịch sử, ngay cả khi anh đã cắt mái tóc đuôi ngựa. Công chúa thực sự kết hôn mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào tới công chúng hay sao?”, trích bình luận.
Công chúa Mako và bạn trai Komuro đính hôn từ năm 2017. Ảnh: Japan Times. |
Một số khác bày tỏ sự thương cảm tới cặp uyên ương. Ayako Ueda, một phụ nữ nội trợ sống gần Tokyo, cảm thấy rất tiếc cho cho Công chúa Mako và hôn phu Komuro.
“Đám cưới vốn là sự kiện đầy căng thẳng. Sức ép từ công chúng chỉ càng khiến mọi chuyện tồi tệ hơn đối với tất cả những người có liên quan. Theo tôi, họ là hai người trẻ đang yêu nhau. Họ nên được để yên và tiếp tục cuộc sống riêng của mình”, cô nói.
Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản xác nhận rằng vợ chồng công chúa sẽ từ chối khoản hồi môn trị giá 15,2 triệu yen (1,38 triệu USD) vốn dành cho thành viên nữ trong gia đình hoàng gia kết hôn với dân thường và trở thành thường dân.
Đây là điều chưa từng xảy ra trong lịch sử hoàng gia Nhật Bản. Tuy nhiên, nỗ lực nhằm giảm bớt lo ngại của công chúng của gia đình hoàng gia đã đổ bể.
Một số phương tiện truyền thông chỉ ra rằng Nhật Bản chưa có tiền lệ pháp lý cho trường hợp tương tự Công chúa Mako. Những người khác cũng cho rằng Komuro sẽ không thể chăm sóc cho cô dâu mới của mình với mức lương của một luật sư mới vào nghề ở New York.
“Tôi đồng ý rằng phương tiện truyền thông đang đưa tin quá dày đặc về đám cưới, nhưng nó cũng phản ánh đúng những gì người dân Nhật Bản nghĩ về cuộc hôn nhân này”, Emi Izawa, một sinh viên 20 tuổi đến từ tỉnh Kanagawa, nói.
Công chúa Mako sẽ không còn là thành viên gia đình hoàng gia sau khi kết hôn với thường dân. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi đã chứng kiến công chúa lớn lên và tôi nghĩ mọi người chỉ muốn những gì tốt đẹp nhất cho cô ấy. Tôi không nói rằng tất cả đều tin vào những câu chuyện trên phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, rõ ràng gia đình Komuro có rắc rối về tiền bạc. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta phát hiện vấn đề tồi tệ khác trong tương lai?”, cô chia sẻ thêm.
Izawa nói rằng đám cưới nên là một dịp hạnh phúc, "nhưng với tất cả sự việc vừa qua, tôi không nghĩ điều đó nên diễn ra lúc này”.
Bên cạnh đó, áp lực khi cuộc sống bị truyền thông soi mói quá mức khiến Công chúa Mako phải điều trị chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương.
“Khi truy cập mạng xã hội, tôi có thể dễ dàng bắt gặp các hình ảnh, video chế giễu Komuro. Điều đó hẳn khiến công chúa bị tổn thương. Tôi không nghĩ mọi người muốn làm cô ấy buồn. Tuy nhiên, tôi tin rằng nếu mọi chuyện sớm được giải quyết ổn thỏa, công chúng sẽ quên đi sự việc và để cho vợ chồng công chúa bắt đầu cuộc sống mới cùng nhau”, Izawa chia sẻ.