Lenggong, di sản thứ 4 được UNESCO công nhận của Malaysia, được xem là trường hợp ngoại lệ khi chưa thể thu hút khách du lịch và góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói.
Thung lũng Lenggong là một trong những khu vực khảo cổ quan trọng nhất ở Malaysia. Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận Di chỉ khảo cổ thung lũng Lenggong của Malaysia là Di sản Văn hóa Thế giới năm 2012.
Sau một thập kỷ bị lãng quên, nhiều người đánh giá đây là giấc mơ viển vông khi cố đưa Lenggong thành điểm du lịch nổi tiếng của quốc gia.
Di sản thế giới này chưa thể trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Malaysia. Ảnh: Chan Kit Yeng. |
Ng Hock Sen, chủ sở hữu khách sạn Soon Lee gần đó, cho biết: “Người nước ngoài rất ngạc nhiên khi thấy một di sản UNESCO lại kém phát triển đến vậy".
Trong nhiều năm liền, ông cũng đã vận động người dân quảng bá thêm về thung lũng Lenggong hay đơn giản là làm thêm những biển chỉ dẫn đến đó nhưng đều vô nghĩa.
Tương tự, Adrian Abu Bakar, người đã chuyển đến Lenggong với mong muốn phát triển mô hình du lịch nông nghiệp cũng chia sẻ: "Giới chức quốc gia và những người phụ trách cần đưa ra những giải pháp cụ thể, dựa trên nhu cầu thực tế của du khách".
Ông kể tại đây đã có hàng trăm kiosk bán đồ lưu niệm dựng lên rồi lại để trống hay cả những trạm dừng xe buýt được xây dựng nhưng không thể đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại điểm đến này cũng chưa được chú trọng. Du khách không thể tìm thấy chỗ nghỉ qua đêm tại đây, sóng điện thoại cũng khá chập chờn và hơn cả là khả năng tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng cũng rất thấp.
Một người dân ở Lenggong cho rằng vấn đề này chỉ được giải quyết khi các bên liên quan biết hợp tác cùng nhau. Ngoài ra, người dân ở thung lũng cũng cần quyết tâm hơn trong việc xây dựng và phát triển du lịch dựa trên di sản này.