Theo tục lệ, 30 tháng Chạp hàng năm là ngày dâng cơm lên cúng tổ tiên. Ngoài thể hiện tấm lòng thơm thảo của con cháu, mâm cơm tất niên còn ghi nhận việc hoàn tất các công việc của năm cũ, gửi gắm hy vọng một năm mới sung túc, an khang và tròn đầy hơn. Đồng thời, mâm cỗ tất niên cũng là nghi thức mời ông Công ông Táo về trần thế tiếp tục cai quản bếp núc. Ảnh: Hòa Bùi. |
Với người Việt, mâm cỗ tất niên được xem như một nét đẹp văn hoá truyền thống vào ngày Tết. Cứ đến ngày 30 tháng Chạp, các gia đình đều tự tay chuẩn bị nhiều món ăn, từ đơn giản đến cầu kỳ. Trên mạng xã hội, không khí càng thêm tưng bừng và rộn ràng khi nhiều người cùng khoe mâm cỗ thịnh soạn. Ảnh: Đầu Hồng Thúy. |
Hằng Nguyễn (sống tại TP.HCM) chia sẻ: "Dù có bận rộn đến đâu, tôi phải tự tay làm mâm cỗ mới yên tâm. Khả năng nấu nướng chỉ ở mức ổn, nhưng tôi vẫn cố gắng làm mâm cỗ trọn vẹn nhất để thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên. Hy vọng một năm mới bình an, vui vẻ". Ảnh: Hằng Nguyễn, Suri. |
Theo quan niệm xưa, nhà càng có nhiều con cháu sum họp cuối năm càng may mắn. Cảnh gia đình quây quần bên mâm cỗ thể hiện phúc lộc và hạnh phúc ngập tràn. Chính vì vậy, dù gần hay xa, các thành viên cũng trở về nhà, ngồi ăn cùng nhau bữa cơm tất niên. Ảnh: Phan Minh Phương. |
Hình ảnh những mâm cỗ tất niên với nhiều món ăn hấp dẫn, đầy màu sắc như bánh chưng, giò chả, thịt gà, nem rán, canh rau củ... khiến nhiều người càng thêm háo hức, nôn nao đón năm mới. Ảnh: Linh Tuyết, Loan Trần. |
Tùy theo phong tục ở mỗi vùng miền, sau khi cúng tất niên, gia chủ có thể mời thêm bạn bè, hàng xóm đến dự cùng gia đình. Ảnh: My Oanh. |