Arsenal bất bại mùa giải 2003/04, Chelsea 2004/05 và MU 2007/08, 1998/99 sẽ là những mẫu thử hoàn hảo cho đội hình của Pep Guardiola mùa vừa qua. Tất cả đều vô địch giải Ngoại hạng Anh và tạo ra ấn tượng cực mạnh với giới mộ điệu.
Arsenal 2003/04
Thứ duy nhất mà Arsenal của Arsene Wenger hơn được Man City của Pep mùa này là cái danh “bất bại”. Arsenal mùa đó hòa 12/38 trận và “chỉ” giành được 90 điểm. Man City mùa này thắng tới 32 trận (so với 26 của Arsenal), ghi nhiều bàn hơn, thủng lưới nhiều hơn (nhưng chỉ 1 bàn).
Man City 2017/18 vượt trội Arsenal bất bại mùa 2003/04. Đồ họa: Minh Phúc. |
Quan trọng là Man City tạo ra khoảng cách tới 19 điểm so với đội đứng thứ 2 là MU. Mùa đó, Arsenal "chỉ" hơn đội đứng thứ 2 Chelsea 11 điểm. Có điều mà nhiều CĐV không biết nếu nhìn lại chiến công bất bại của Arsenal vào thời điểm ấy, đó là “Pháo thủ” hòa tới 5/9 trận cuối mùa. Có không ít trận trong số đó, Arsenal đã run rẩy để giữ tỷ số hòa nhằm bảo vệ thành tích bất bại.
Trái ngược với Arsenal, Man City chưa từng ra sân với tâm lý thủ hòa mùa này, trong mọi trận đấu đội bóng của Pep đều lao lên tìm kiếm chiến thắng. Đó mới chính là thứ giúp Man City vô địch với điểm số 100 cùng số bàn thắng kỷ lục 106.
Chelsea 2004/05
Chelsea 2004/05 là hiện tượng lớn nhất Premier League cho tới trước khi Leicester City làm nên điều kỳ diệu vào mùa 2015/16. Năm đó dưới sự dẫn dắt của ông thầy mới vô địch Champions League là Jose Mourinho, Chelsea thiết lập ra những quy chuẩn mới của Premier League.
Chelsea 2004/05 không hề thua kém Man City 2017/18. Ảnh: Chelseafc |
Họ là CLB duy nhất chơi sơ đồ 4-3-3 và giành chiến thắng trước toàn bộ các ông lớn ôm lấy công thức truyền thống 4-4-2 kiểu Anh, thậm chí trong một vài trận, Chelsea còn sẵn sàng chơi 4-3-1-2, không cần cầu thủ tấn công biên.
Chelsea khi ấy giữ sạch lưới 24/38 trận, chỉ để thủng lưới 15 bàn cả mùa. Họ chỉ đua thua 1 trận (trước Man City ở vòng 9). Tổng cộng "The Blues" mùa 2004/05 đã giành 95 điểm. Man City ghi nhiều bàn hơn Chelsea mùa giải đó (106 so với 72 bàn), nhưng thủng lưới nhiều hơn 12 bàn.
Xét về mặt ảnh hưởng tới lịch sử, Man City 2017/18 có thể đặt chung mâm với Chelsea 2004/05. Một bên là đỉnh cao của bóng đá tấn công, một bên là tượng đài của nghệ thuật phòng ngự. Chênh lệch 100 - 95 điểm không phải là khoảng cách quá lớn. Hãy nhớ rằng Chelsea của Mourinho khi đó phải đối đầu Arsenal bất bại của Wenger và MU chưa bao giờ yếu của Sir Alex Ferguson.
MU mùa giải 2007/08
Tượng đài tiếp theo mà Man City của Pep phải đối đầu là MU của Sir Alex Ferguson vào mùa giải 2007/08. Đó là mùa giải bùng nổ đầu tiên của Cristiano Ronaldo với 42 bàn thắng, năm đó CR7 ghi 31 bàn tại Premier League, ẵm luôn ngôi vị “Vua phá lưới” lẫn “Chiếc giày vàng châu Âu”. MU vô địch với 87 điểm, chỉ 2 điểm nhiều hơn Chelsea.
Xét về chất lượng đội hình, MU mùa 2007/08 có thể xem như nhỉn hơn Man City 2017/18. Ảnh: premierleague.com |
Chức vô địch mùa giải năm đó cũng chỉ được quyết định vào vòng cuối sau khi MU thua trực tiếp Chelsea 1-2 ở vòng 36 và khiến cuộc đua vô địch chưa thể khép lại. Xét về sự chênh lệch với đối thủ cạnh tranh, MU 2007/08 rõ ràng không có cửa nếu so với Man City mùa này.
Dẫu vậy, nếu xét riêng về các cá nhân, MU 2007/08 xứng đáng là một trong những tập thể hay nhất lịch sử 26 năm tồn tại của Premier League. Đội quân của Sir Alex là sự kết hợp của kinh nghiệm và sức trẻ. MU khi ấy có Edwin Van der Sar, Ryan Giggs, Paul Scholes là những cựu binh dày dạn kinh nghiệm, có Michael Carrick, Rio Ferdinand, Nemanja Vidic, Patrice Evra, Owen Hagreaves đang đi vào độ chín.
Đặc biệt nhất là hàng công với “cây đinh ba” Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney và Carlos Tevez. Dù không giúp MU có 106 bàn như Man City mùa này, song cây đinh ba đó của MU ăn đứt Leroy Sane, Raheem Sterling, Sergio Aguero và Gabriel Jesus về đẳng cấp cũng như sự bùng nổ.
MU mùa giải 1998/99
Cuối cùng là MU của mùa giải 1998/99. Rất khó để giới mộ điệu hiện tại có thể đánh giá Man City “hơn” MU vĩ đại của Sir Alex ngày đó dù mọi con số chứng minh điều ngược lại. MU khi ấy chỉ giành 79 điểm, ít nhất trong số những đội hình liệt kê nội trong bài viết này, hòa tới hơn 1/3 số trận (13 trận), và chỉ vô địch đúng ở vòng cuối cùng sau khi lội ngược dòng thắng Tottenham 2-1.
MU 1998/99 là vô đối trong trái tim người hâm mộ. Ảnh: premierleague.com |
Dẫu vậy, với Peter Schmeichel trong khung gỗ, Japp Stam, Gary Neville ở hàng phòng ngự, Paul Scholes, Ryan Giggs, Roy Keane, David Beckham ở tuyến tiền vệ và cặp bài trùng Dwight Yorke - Andy Cole trên hàng công, MU mùa 1998/99 có thể coi là vô đối trong trái tim những người hâm mộ bóng đá từng trải qua những năm tháng sôi động ấy.
Man City của Pep có thể xuất sắc, nhưng bàn về cảm xúc mang lại cho người hâm mộ, "The Citizens" không có cửa so với kình địch cùng thành phố, nhất là trong mùa giải 1998/99 huyền thoại.