Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Màn 'làm xiếc' với khu đất công 39-39B Bến Vân Đồn diễn ra như thế nào

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam cùng một số đơn vị liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL).

Đối với dấu hiệu sai phạm xảy ra tại khu đất công làm dự án căn hộ cao cấp ở số 39-39B Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM do Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa góp vốn để thực hiện, Báo CAND đã có một số bài điều tra: "Nhà đầu tư “lướt sóng” kiếm vài trăm tỷ đồng" trên số báo ra ngày 9/11/2022, “Làm rõ vụ thâu tóm 6.202 m2 đất công trước khi gỡ vướng cho dự án 39-39B Bến Vân Đồn” đăng ngày 20/4/2023. Gần đây, Báo CAND cũng đã nhiều lần phản ánh về đấu hiệu sai phạm tại dự án này.

Trước khi bị bắt, bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc QCGL, đã đi “kêu oan” nhiều nơi và đến ngày 29/5 đã phát đi thông báo rằng QCGL là bên mua bán ngay tình, không liên quan đến Tập đoàn Cao su; QCGL chưa bao giờ làm việc, đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Cao su, Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa liên quan đến việc nhận chuyển nhượng vốn góp để làm dự án trên.

Khu dat cong,  39-39B,  Ben Van Don,  Nguyen Thi Nhu Loan,  Quoc Cuong Gia Lai,  Phu Viet Tin anh 1

Dự án căn hộ cao cấp ở số 39-39B Bến Vân Đồn.

Ngược lại, QCGL nhận chuyển nhượng 79,2% vốn góp trong Công ty TNHH Phú Việt Tín (doanh nghiệp có vốn Nhà nước do 2 công ty cao su trên thành lập để làm dự án) từ các công ty “nhái” doanh nghiệp chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH TMTH Việt Tín do bà Lê Y Linh (đã bị bắt giam) làm người đại diện; chuyển nhượng 19,8% vốn góp từ công ty CP ĐTTM Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa (đã bị bắt giam) làm đại diện.

Đồng thời bà Loan còn cho rằng trước khi thực hiện giao dịch này, QCGL đã nghiên cứu hồ sơ pháp lý của Công ty TNHH Phú Việt Tín cũng như hồ sơ pháp lý dự án đầy đủ và đúng quy định mới ký hợp đồng chuyển nhượng và thực tế số tiền QCGL phải bỏ ra để chuyển nhượng dự án trên lên đến hơn 464 tỷ đồng

Trong khi đó, theo hồ sơ chúng tôi thu thập được, thì ngày 8/9/2014, QCGL đã ký hợp đồng để nhận chuyển nhượng 1% vốn góp từ Công ty TNHH Phú Việt Tín, trong đó Công ty Cao su Đồng Nai sở hữu 0,72%, Công ty Cao su Bà Rịa chiếm 0,28% với giá chuyển nhượng hơn 2,2 tỷ đồng. Bà Loan còn cho rằng việc QCGL ký hợp đồng chuyển nhượng vốn từ các công ty “nhái” trên căn cứ theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần 1 vào ngày 7/4/2010 của Công ty TNHH Phú Việt Tín.

Thời điểm này, Công ty TNHH Phú Việt Tín đã bỗng nhiên có thêm thành viên góp vốn thứ 3 là một doanh nghiệp nước ngoài với tỷ lệ vốn góp là 80%, Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai góp 14,4%, Công ty Cao su Bà Rịa góp 5,6%. Bà Loan khẳng định rằng khi ký hợp đồng chuyển nhượng vốn, QCGL đã được bên chuyển nhượng cung cấp giấy ủy quyền, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng chuyển nhượng vốn góp từ các cá nhân, doanh nghiệp sở hữu vốn góp.

Nhưng điều bất hợp lý là khi đó vốn góp của 2 công ty cao su trong Công ty TNHH Phú Việt Tín còn đến 20%, thì trong 2 hợp đồng chuyển nhượng vốn góp QCGL ký với các Công ty cao su vào ngày 8/9/2014, QCGL chỉ chuyển nhượng vẻn vẹn 1% vốn góp của Nhà nước.

Khi đã có căn cứ về việc sở hữu 80% vốn góp trong Công ty TNHH Phú Việt Tín trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đối tác nước ngoài đã lập tức ủy quyền việc bán số vốn góp trên cho cá nhân bà Lê Y Linh. Bà Lê Y Linh tiếp tục lấy tư cách cá nhân ký hợp đồng ủy quyền lại việc bán 80% số vốn góp trên cho Công ty CP ĐTTM Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa làm giám đốc.

Dù đã ủy quyền lại toàn bộ số vốn góp được nhận ủy quyền từ đối tác nước ngoài trước đó cho ông Đặng Phước Dừa, ngày 8/8/2014 bà Lê Y Linh vẫn lấy tư cách là giám đốc Công ty TNHH TMTH Việt Tín để ký bán 79,2% số vốn góp trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho QCGL. Bà Loan biết rất rõ điều này bởi khi ký hợp đồng chuyển nhượng vốn góp, bà Lê Y Linh đã cung cấp cho QCGL Giấy ủy quyền của đối tác nước ngoài cho bà Linh.

Khu dat cong,  39-39B,  Ben Van Don,  Nguyen Thi Nhu Loan,  Quoc Cuong Gia Lai,  Phu Viet Tin anh 2

Công an thu giữ tài liệu từ nhà bà Nguyễn Thị Như Loan.

Nhưng điều bất thường là trước đó 2 ngày, vào ngày 6/8/2014, ông Đặng Phước Dừa, Giám đốc Công ty CP ĐTTM Việt Tín, cũng đã ký hợp đồng bán 19,8% vốn góp trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho QCGL. Khi ký hợp đồng chuyển nhượng này, ông Đặng Phước Dừa cũng đã cung cấp cho QCGL hợp đồng ủy quyền lại từ bà Lê Y Linh, trong đó đều thể hiện rõ đối tác nước ngoài chỉ có 80% vốn và chỉ ủy quyền bán phần vốn này.

Tuy vậy, số vốn góp mà QCGL đã nhận chuyển nhượng từ 2 công ty tư nhân trên đã lên đến 99%, vượt quá số vốn được đối tác nước ngoài ủy quyền đến 19%. Trước bất hợp lý trên, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Công ty QCGL đưa ra căn cứ để 2 công ty tư nhân trên có thể bán đến 99% vốn góp trong Công ty TNHH Phú Việt Tín cho QCGL, nhưng đại diện QCGL đã không thể đáp ứng.

"Kêu oan" với các cơ quan chức năng, bà Loan còn cho rằng việc QCGL mua phần vốn góp từ Công ty CP ĐTTM Việt Tín và Công ty TNHH TMTH Việt Tín là căn cứ theo văn bản ngày 9/7/2014 của Tập đoàn Cao su cho phép chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Phú Việt Tín. Tuy vậy, việc này là không hợp lý bởi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Phú Việt Tín đã thể hiện rõ 80% vốn góp đã thuộc sở hữu của đối tác nước ngoài từ ngày 1/7/2010.

Trong khi đó văn bản cho phép 2 công ty cao su bán phần vốn góp của Nhà nước trong Công ty TNHH Phú Việt Tín chỉ được Tập đoàn Cao su ký vào ngày 9/7/2014, tức là sau đó tới 4 năm. Mặt khác, theo văn bản cho phép bán phần vốn Nhà nước trong Công ty TNHH Phú Việt Tín của Tập đoàn Cao su, giá bán khu đất làm dự án trên được Tập đoàn Cao su ấn định chỉ có hơn 5,4 triệu USD, tương đương với giá hơn 100 tỷ đồng vào năm 2014.

Trong khi đó, Công ty QCGL phải mua lại dự án trên với giá hơn 464 tỷ đồng, chênh lệch tăng với số tiền rất lớn. Dù vậy, bà Loan đã không thông báo về tình trạng này đến cơ quan chức năng để giúp giảm thiệt hại tài sản Nhà nước.

Dấu hiệu bắt tay ngụy tạo hồ sơ mua bán lòng vòng để ăn chặn tiền Nhà nước của các bên liên quan đối với dự án trên càng thể hiện rõ khi trong hợp đồng được QCGL ký với Công ty CP ĐTTM Việt Tín do ông Đặng Phước Dừa làm giám đốc chỉ xác định chuyển nhượng 19,8% vốn góp trong Công ty TNHH Phú Việt Tín với tổng giá trị hơn 54,2 tỷ đồng. Nhưng theo các Ủy nhiệm chi chúng tôi thu thập được, thì QCGL đã chuyển cho Công ty CP ĐTTM Việt Tín số tiền lên đến hơn 240 tỷ đồng và phần lớn được chuyển trước khi 2 bên ký hợp đồng.

Riêng với hợp đồng QCGL ký với Công ty TNHH TMTH Việt Tín do bà Lê Y Linh làm giám đốc để chuyển nhượng 79,2% vốn góp trong Công ty TNHH Phú Việt Tín với tổng giá trị lên đến hơn 217 tỷ đồng, đến nay Công ty QCGL vẫn không thể cung cấp chứng từ chuyển trả tiền cho giao dịch này.

Theo báo cáo của QCGL với Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, chỉ trong vòng hơn 3 tháng, từ tháng 8 đến tháng 11/2014, QCGL đã hoàn tất việc mua vốn góp, chuyển nhượng dự án 39-39B Bến Vân Đồn từ doanh nghiệp có vốn Nhà nước là Công ty TNHH Phú Việt Tín. Theo 4 hợp đồng chuyển nhượng do bà Loan đại diện QCGL ký với 4 công ty liên quan, thì tổng số tiền chuyển nhượng khoảng 270 tỷ đồng, nhưng bà Loan khẳng định đã phải nhận chuyển nhượng dự án với giá 464 tỷ đồng.

Sau đó, QCGL đem bán sang tay ngay cho các đối tác khác với giá 802 tỷ đồng, như vậy ít nhất Công ty QCGL đã thu lợi hơn 340 tỷ đồng trong thời gian rất ngắn vài tháng. Trong khi đó, sau nhiều lần xác định giá đất, ngày 11/3/2014 UBND TP.HCM đã ra quyết định phê duyệt tiền sử dụng đất đối với khu đất “vàng” 5.780 m2 (sau khi trừ ranh) làm dự án trên chỉ ở mức 186 tỷ đồng.

Giá trị khu đất trên thị trường vào cùng thời điểm cao như vậy, nhưng giá đất thu về cho ngân sách chỉ chưa bằng 1/4 nên việc tính tiền sử dụng đất gây thất thoát bao nhiêu, các công ty cao su bị thua thiệt bao nhiêu là vấn đề sẽ sớm được cơ quan điều tra làm rõ.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Luật Đất đai" năm 2024 gồm 16 chương với 260 điều, được chuẩn bị trên cơ sở kết quả tổng kết đánh giá thực tiễn quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2013, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phù hợp; đồng thời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, định hướng đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai.

https://cand.com.vn/Lan-theo-dau-vet-toi-pham/man-lam-xiec-voi-khu-dat-cong-39-39b-ben-van-don-dien-ra-nhu-the-nao--i737918/

Bảo Sơn/Công an Nhân dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm