Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mãn nhãn với những màn trình diễn công nghệ 3D của Kpop

Hologram được coi là công cụ đưa làng nhạc xứ kim chi tiến ra toàn cầu.

Hologram là công nghệ nhờ vào sự bố trí các chi tiết với phản xạ ánh sáng khác nhau để biến một hình ảnh phẳng thành hình nổi 3D. Dù đứng ở góc nào, người xem cũng nhìn thấy vật thể ấy.

Kpop là một trong những nền âm nhạc đi tiên phong trong việc sử dụng công nghệ độc đáo này.

Đầu từ tháng 1/2013, SNSD dùng hologram để ra mắt ca khúc I got a boy. Hàng ngàn người đã đổ về khu vực gần nhà ga Gangnam, khiến giao thông ở khu vực này tê liệt hoàn toàn trong hơn 3 giờ đồng hồ, chỉ để xem màn trình diễn ảo của 9 cô gái.


4 tháng sau đó, hiện tượng thế giới Psy cũng có một concert hologram tại trung tâm thương mại COEX, Seoul.

3 ngày đầu tháng 11/2013, 2NE1 đã tạo nên một "cú nổ" ở London khi thực hiện concert hologram 3D tại triển lãm Nghệ thuật và thương hiệu Hàn Quốc (KBEE). Đem đến những ca khúc cũ nhưng nhờ vào công nghệ, 2NE1 đã biến phần trình diễn của mình thành "ma thuật", đầy biến ảo, khiến fan không thể rời mắt dù chỉ 1 giây.


Tháng 2/2014, sau 2NE1 và Psy, YG tiếp tục đem hologram phục vụ các fan của Big Bang khi tổ chức concert Klive với 2 ca khúc nổi tiếng của nhóm là Fantastic BabyBad Boy.

Gần đây, hologram lại được nhắc tên khi 2 gã khổng lồ SM và YG đồng loạt xây dựng trung tâm biểu diễn khai thác công nghệ này không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở cả Trung Quốc.

Giữa tháng 1, SM Entertainment ra mắt vở nhạc kịch hologram đầu tiên mang tên School OZ, quy tụ hàng loạt sao thần tượng thuộc quản lý của công ty như Chang Min, Yoona, Lee Teuk, Key...

Ngày 1/4, G-Dragon tổ chức concert hologram Awake, đem đến cho người hâm mộ các ca khúc Heartbreaker, Crayon, Who You, Crooked với những hiệu ứng đồ họa mãn nhãn.

"Concert hologram không có giới hạn và khán giả có thể trở thành một phần của show" - trưởng nhóm Big Bang G-Dragon nhận xét.


Trong một buổi phỏng vấn hồi tháng 1/2015, ông Song Sung Gak - chủ tịch Hiệp hội nội dung sáng tạo Hàn Quốc KOCCA - cho rằng hologram chính là cú hích tiếp theo mà làn sóng Hàn nên có nếu không muốn lụi tàn dần trong những năm tới.

Hologram cũng được coi là vũ khí sẽ giúp Kpop vươn tới toàn cầu, đưa thần tượng đến với các fan ở nửa bên kia của trái đất. 

Chẳng hạn, tháng 4 vừa qua, Super Junior đã mang show diễn tại Nhật Bản của mình trình chiếu ở Santiago, Chile. Dù các chàng trai không phải bằng xương bằng thịt nhưng với công nghệ nổi và tương tác, show diễn vẫn khiến fan phấn khích và thỏa mãn như được xem show trực tiếp.

Hồng Giang

Bạn có thể quan tâm