Những người đứng xem màn rước dâu bằng máy xúc tại Lạng Sơn hôm 8/9 vừa qua cho biết họ đã nín thở, mong cô dâu, chú rể được an toàn qua sông trong ngày trọng đại.
Đoạn video dài khoảng một phút ghi lại tình huống đặc biệt này kèm dòng chú thích: "Màn rước dâu kinh điển tại Lâm Ca, Đình Lập, Lạng Sơn. Nhà trai chờ bên sông từ 17h ngày 7/9 tới 14h ngày 8/9 mới đón được dâu vì mưa lũ".
Người đứng trên bờ nín thở xem máy xúc đưa cô dâu, chú rể qua dòng nước lũ. Ảnh cắt từ clip. |
Nhìn dòng nước lũ chảy khá xiết, nhiều người đã hồi hộp theo dõi clip từ đầu đến cuối. May mắn, nhà trai đã đón được cô dâu thành công, trong tiếng vỗ tay, thở phào của hai họ.
Bùi Văn Tuyến - người lái máy xúc đưa hai nhân vật chính qua sông - cho hay đây là hình ảnh có thật, diễn ra vào ngày 8/9 vừa qua tại ngầm Lâm Ca, nhánh sông Lục Nam.
Tuyến chia sẻ hôm đó đúng ngày mưa lũ, nước nhiều ngập cầu qua sông nên nhà trai không thể đón dâu và phải chờ ở bên kia sông từ chiều hôm trước.
"Nhà trai ngủ bên này sông một đêm và nhờ dân địa phương nấu cơm, sắp xếp chỗ ngủ. Đến tầm trưa hôm sau, tôi mang máy xúc ra thử xem thì qua được nên họ nhờ đưa dâu sang luôn", Tuyến kể với Zing.vn.
Nhà trai đón dâu khi đã qua sông an toàn. Ảnh: Văn Tuyến. |
Nam thanh niên cho biết chiếc cầu qua sông rộng 3 m, chỉ có máy xúc mới qua được vì có gầu dò đường. Vào ngày vui của đôi trẻ, nước ngập sâu khoảng 1 m.
Trước ý kiến nhiều người cho rằng đón dâu như thế rất nguy hiểm, Tuyến tiết lộ bản thân có 8 năm kinh nghiệm lái máy múc. Anh không sợ không qua được sông, mà chỉ lo cô dâu, chú rể và một số người ngồi trên máy xúc bám không chắc rơi xuống nước.
"Tôi thử đi một mình rồi và qua được nên mới tiếp tục. Tôi cũng thở phào nhẹ nhõm khi đưa được họ sang sông an toàn. Dù sao đây cũng là kỷ niệm khó quên với mọi người", chàng lái máy xúc nói.
Trên các diễn đàn, dân mạng hiện gọi đây là "đám cưới có 1-0-2 tại Lạng Sơn" và cho rằng việc qua sông "đưa nàng về dinh" khá mạo hiểm. Tuy nhiên, họ cũng gửi lời chúc mừng tới hai nhân vật chính khi phải vượt qua nhiều khó khăn mới có thể về chung một nhà.
Giải thích cho hành động này, những người trong cuộc tâm sự họ không còn cách nào khác nên mới phải làm vậy.