Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Mandy’: Nicolas Cage lấy lại phong độ bằng máu me và bạo lực

Trong bộ phim kinh dị mới của Panos Cosmatos, tài tử 54 tuổi thuyết phục số đông bằng phong cách diễn độc đáo, mãnh liệt, hay thậm chí là rùng rợn.

Trailer bộ phim 'Mandy' Tác phẩm kinh dị gây tiếng vang trong năm 2018 với Nicolas Cage trong vai chính.

Thể loại: Kinh dị
Đạo diễn: Panos Cosmatos
Diễn viên chính: Nicolas Cage, Andrea Riseborough, Linus Roache
Zing.vn đánh giá: 8/10

review phim Mandy anh 1
Mandy gây tò mò trong thời gian qua khi 94% bài bình luận trên Rotten Tomatoes là tích cực, cho số điểm trung bình 7,6/10.

Chuyện phim Mandy xảy ra ở cột mốc thời gian không xác định, với bối cảnh là vùng rừng rậm hoang vu tại nước Mỹ.

Nơi đây, chàng tiều phu Red Miller (Nicolas Cage) sống cuộc đời hạnh phúc, an bình bên cô người yêu xinh đẹp Mandy Bloom (Andrea Riseborough). Những tưởng không gì có thể chia cắt hai người, thì một ngày nọ tai ương bất ngờ ập đến.

Trong một lần đi dạo ở bìa rừng, Mandy bị tên thủ lĩnh Jeremiah Sand (Linus Roache) của một giáo phái tà mị để mắt đến. Hắn bắt cóc Mandy, rồi sau đó sát hại cô và buộc Red phải chứng kiến trong sự vô vọng.

Sống sót nhưng trong lòng đầy căm phẫn, Red Miller quyết định theo đuổi chuyến hành trình đẫm máu, nhằm trả thù những kẻ đã cướp đi “một nửa” của cuộc đời mình.

Tác phẩm tôn vinh dòng “grindhouse”

Khoảng thập niên 1970, các hãng phim Mỹ rất chuộng phong cách chiếu phim có tên gọi “grindhouse”.

Khi mua một vé xem phim, thay vì chỉ được thưởng thức một tác phẩm, khán giả có cơ hội theo dõi chuỗi liên hoàn khoảng 2-3 bộ phim khác nhau. Điểm chung của nhóm phim trình chiếu theo phong cách là các tác phẩm kinh dị hạng B, thu hút người xem bằng các cảnh máu me hoặc tình dục.

review phim Mandy anh 2
Phong cách grindhouse tái hiện qua cách xây dựng bối cảnh và tuyến nhân vật của Mandy. Hàng loạt các tình huống kỳ dị xuất hiện trong phim mà không có lấy một lời giải thích.

Ở thời hiện đại, nhiều đạo diễn có tuổi thơ gắn liền với loại hình giải trí này từng tìm cách tái dựng phong cách grindhouse thông qua tác phẩm của mình.

Điển hình như bộ phim điện ảnh Grindhouse ra mắt hồi 2007, do bộ đôi đạo diễn Quentin Tarantino và Robert Rodriguez cùng thực hiện, là một tập hợp của hai phim kinh dị ngắn có nội dung và phong cách khác biệt.

Đến với Mandy, phong cách grindhouse thêm một lần nữa tái hiện. Phim tràn ngập những tình huống và các tuyến nhân vật đầy ngẫu hứng, khiến những ai còn xa lạ với grindhouse có lẽ sẽ khó theo dõi. Điển hình nhất là chi tiết nhân vật chính dẫu đã trang bị vũ khí đủ kiểu, nhưng lại phải dành ra một khoảng thời gian để… rèn một chiếc rìu chiến.

Hay như hàng ngũ của phe phản diện bỗng nhiên xuất hiện ba gã quái nhân có ngoại hình và sức mạnh như quỷ dữ, với không một lời giải thích rõ ràng. Toàn bộ tình huống trong Mandy vì thế đều được cố ý “làm lố” nhằm thỏa mãn thị giác của người xem.

Cuộc chơi của những sắc đỏ

Ngay từ tên của nhân vật chính cho đến màu sắc của bộ trang phục mà anh ta mặc xuyên suốt bộ phim, đạo diễn Panos Cosmatos đã “nhuộm” cho sắc đỏ. Màu đỏ còn đến từ những cảnh đầu rơi máu chảy, cho thấy vòng lặp không lối thoát của bạo lực và thù hận mà Red phải trải qua.

review phim Mandy anh 3
Bộ phim tràn ngập những sắc đỏ lập lòe, tạo hiệu ứng thị giác rất mạnh.

Nước phim tông đỏ đã đành, Cosmatos còn “chơi đùa” với ánh sáng qua những cú chớp tắt liên tục trong một cảnh quay. Nếu ai từng theo dõi bộ phim đầu tay của anh là Beyond the Black Rainbow (2010) thì sẽ nhận ra đây là phong cách làm phim quen thuộc của vị đạo diễn người Italy.

Xét về tính nghệ thuật, sắc đỏ tạo ra hiệu ứng hình ảnh mãnh liệt cho Mandy. Cốt truyện có đề cập đến việc các nhân vật sử dụng chất gây ảo giác LSD, nên đôi lúc khán giả không thể phân biệt đó là thực hay ảo. Chính màu đỏ trong ánh sáng lập lòe càng khiến cảnh quay thêm thuyết phục, để lại nhiều ám ảnh cho khán giả.

Một “siêu anh hùng” đầy tính hình tượng

Từng là ngôi sao hạng A của Hollywood hồi thập niên 1990 qua hàng loạt tác phẩm mấn tượng như Face/Off, Con Air hay Gone in 60 Seconds, nhưng Nicolas Cage gần đây chuyên xuất hiện trong những bộ phim có kinh phí thấp, chất lượng dở tệ.

Lý do bởi tài tử gặp nhiều khó khăn về mặt tài chính, nên anh buộc phải nhận lời đến với nhiều dự án thuộc dạng làng nhàng. Điều đó khiến danh tiếng Nicolas Cage tụt dốc không phanh, và anh nay được nhớ tới nhiều hơn bởi những hình ảnh chế (meme) trên mạng Internet.

Đến với Mandy, anh chàng cháu ruột của đạo diễn huyền thoại Francis Ford Coppola mang đến “cú lội ngược dòng” đáng kinh ngạc. Khuôn mặt của Red trải dài xuyên suốt bộ phim với hàng loạt cung bậc cảm xúc đa dạng, đủ hỉ-nộ-ái-ố như một con người thực thụ, chứ không phải kiểu “robot đóng phim” như trong thời gian qua của Cage.

review phim Mandy anh 4
Nicolas Cage xuất thần trong Mandy, và vai diễn như tấm gương phản chiếu sự nghiệp đầy thăng trầm của anh.

Diễn xuất thần của Nicolas Cage giúp Red Miller không chỉ dừng lại ở một nhân vật cụ thể, mà còn mang tính tượng trưng cho kiểu “siêu anh hùng” gai góc, nhiều mất mát. Có lúc, người xem khiếp sợ không phải bởi sự tàn ác của phe phản diện, mà bởi cử chỉ và khuôn mặt đầy rùng rợn của người hùng.

Hành trình phục thù của Red trải qua bao cam go, hiểm nguy, cũng như cám dỗ. Tất cả tựa như tấm gương phản chiếu cuộc đời diễn xuất “ba chìm bảy nổi” của Nicolas Cage. Nếu tinh ý, người xem sẽ thấy hình ảnh nhân vật Ghost Rider được gợi nhắc trong Mandy. Đó là nhân vật phản anh hùng của nhà Marvel, từng do Nicolas Cage thể hiện trong hai bộ phim riêng cùng tên.

Ghost Rider là một trong những nhân vật độc đáo nhất mà Cage từng thể hiện, nhưng không được khai thác hợp lý. Và doanh thu tệ hại của loạt phim đã đóng góp không nhỏ trong việc khiến sự nghiệp anh đi xuống.

Về cơ bản, Mandy là trải nghiệm điện ảnh thú vị, mang đến thử thách cho thị giác của người xem. Tác phẩm khi trình chiếu ở hai liên hoan phim tại Neuchâtel và Sitges đã chiếm trọn cảm tình từ phía các nhà phê bình.

Phim có thể không dành cho số đông, nhưng fan của Nicolas Cage chắc chắn không thể bỏ qua Mandy.

‘Bleach’ bản điện ảnh: Đủ chiều lòng fan nguyên tác truyện tranh

Phim chuyển thể từ bộ manga nổi tiếng cùng tên của họa sĩ Tite Kubo khá trung thành với nguyên tác. Tuy nhiên, tác phẩm vẫn để lộ ít nhiều điểm yếu trong khâu biên kịch.


Phúc Nguyễn

Ảnh: RLJE

Bạn có thể quan tâm