Ngày 9/12, Bệnh viện K cho biết chị Nguyễn Thị H. (36 tuổi, quê tại xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), vừa sinh con và vượt qua điều trị thành công bệnh ung thư dù hành trình rất gian nan.
Chị H. mắc ung thư vú từ năm 2013 và đang điều trị ung thư vú ổn định. Đầu năm, với khát khao cháy bỏng được làm mẹ, chị đã quyết định tạm dừng điều trị. Sau khi biết mình mang thai, chị H. rất vui mừng vì thấy cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường, hàng ngày chị đi làm công nhân ở xí nghiệp may.
Đến tháng thứ 7 (tuần thai thứ 28), chị có biểu hiện cứ ăn vào là nôn, nghĩ là bị nghén vì cơ thể không có biểu hiện khác thường nên gia đình đưa chị đến khám tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương và đến Bệnh viện K kiểm tra định kỳ. Lúc này, sản phụ được phát hiện có khối u phát triển di căn não.
“Đánh giá ban đầu, các bác sĩ nhận định trong quá trình mang thai khối u tiếp tục phát triển và di căn lên não. Dù ở tuần 28 của thai kỳ, người mẹ có dấu hiệu giảm trí nhớ, nói không biết gì, gia đình phải trợ giúp hoàn toàn nhưng bệnh nhân H. vẫn quyết tâm giữ cháu bé”, TS.BS Hàn Thị Thanh Bình, Phó Trưởng khoa Nội 5 (Bệnh viện K) - người tiếp nhận bệnh nhân H. chia sẻ.
Lúc này, dù các bác sĩ tư vấn nhiều về nguy cơ, chị H. vẫn quyết tâm giữ lại sinh linh bé bỏng đang mang trong mình, chấp nhận có thể phải đánh đổi cả sinh mệnh.
Đến tuần thai thứ 34, trí nhớ của sản phụ H. suy giảm hoàn toàn, bắt đầu hôn mê, thai có biểu hiện suy tim. Trước tình hình nguy cấp, các bác sĩ quyết định mổ cứu hai mẹ con.
Ngày 29/10, bé gái Hương Giang, nặng 2 kg, đã chào đời trong niềm hạnh phúc của cả gia đình bệnh nhân H. cũng như các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Sau sinh 3 ngày, chị H. được chuyển sang Bệnh viện K để tiếp tục chữa trị.
TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện K, trao đổi với bệnh nhân về phác đồ điều trị. Ảnh: BVCC. |
Tiếp nhận sản phụ H. sau sinh, TS.BS Nguyễn Đức Liên, Trưởng khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện K - cho biết đây là trường hợp rất đặc biệt. Khi vào viện khối u đã di căn vào não 3 ổ, đặc biệt di căn vào hố sau gây chèn ép, dẫn đến tình trạng hôn mê. Các bác sĩ quyết định điều trị bằng thuốc và điều trị bằng dao Gamma cho bệnh nhân H.
“Khó khăn lớn nhất là phải cân nhắc giữa phẫu thuật mở thông thường và xạ phẫu Gamma Knife, do khối u khá lớn, vị trí 2 khối ở tiểu não, 1 khối ở bán cầu đại não, cả 3 khối cộng vào gây ra triệu chứng cộng hưởng. Chúng tôi phải hội chẩn với bác sĩ chuyên khoa về ung bướu thần kinh và u vú, đưa ra phác đồ điều trị phối hợp cùng nhau giúp bệnh nhân hồi phục” - TS Liên kể lại.
Điều kỳ diệu đã đến với mẹ con chị H., nhờ nỗ lực của ê-kíp các bác sĩ Bệnh viện K và nghị lực của chính sản phụ. Sau khi điều trị với phác đồ bằng dao Gamma 2 ngày, chị H. đã dần phục hồi trí nhớ, tỉnh táo trở lại.
Đến nay, sau 6 tuần điều trị, bệnh nhân H. đáp ứng thuốc tốt, khối u đã giảm 40% thể tích và được kiểm soát, tiếp tục được điều trị phối hợp nội khoa ung thư với điều trị hóa chất trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Con gái của sản phụ cũng phát triển khỏe mạnh.