Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mạng xã hội: cứu cánh cho vấn nạn đạo nhái thời trang

Sức mạnh của cộng đồng mạng chính là thứ mà các nhà thiết kế chân chính đang bám víu để đối đấu với nạn đạo nhái của ngành công nghiệp thời trang.

Nhiều năm nay, làng thời trang chứng kiến sự lan tràn của đại dịch copy và vẫn chưa tìm ra phương thuốc đặc trị.

Tuy nhiên, với sự phổ biến của mạng xã hội và sức mạnh cộng đồng, các thương hiệu và nhà thiết kế đã quyết định sử dụng đến vũ khí "tâm lý" hay còn được gọi là những cơn bão chỉ trích. Thay vì kiện cáo, các thương hiệu bị ăn cắp sẽ nhờ tới cuộc tấn công của cư dân mạng. Và trong phần lớn trường hợp, nó đã phát huy tác dụng.

"Nó khiến những công ty vẫn còn biết xấu hổ phải thay đổi hành vi" - Susan Scafidi, giám đốc Học viện luật thời trang, nhận xét.

Chẳng hạn, giữa tháng 2, cư dân mạng bất ngờ phát hiện ra sự giống nhau giữa một số thiết kế của Staud và Reformation. Truy ngược thông tin, hóa ra người sáng lập nên Staud từng làm thiết kế ở Reformation và công ty cũ đã không ngần ngại copy các sáng tạo của cô.

nan dao nhai thoi trang anh 1

Thiết kế của Staud (trái) và Reformation

. Ảnh: Staud/Reformation

"Những gì họ làm thật rõ ràng. Thật là chán cho các nhà thiết kế trẻ" - Sarah Staudinger, người sáng lập Staud, chia sẻ trên The Cut.

Mặc dù Studinger không làm được gì nhiều trước sự copy này bởi lẽ luật pháp Mỹ chưa bảo vệ các nhà thiết kế, người dùng mạng xã hội đã làm thay cho cô: chỉ trích Reformation.

Ai copy ai?

Đây là chuyện không chỉ xảy ra với những nhà thiết kế nhỏ. Các thương hiệu xa xỉ như Balmain cũng thường xuyên bị "đạo" ý tưởng.

Tại lễ trao giải Âm nhạc Billboard hồi năm ngoái, hãng bán lẻ trực tuyến Nasty Gal đã nhầm tưởng bộ jumpsuit táo bạo mà Taylor Swift mặc là của hãng. Ngay khi hình ảnh cô ca sĩ 27 tuổi trên thảm đỏ xuất hiện, Nasty Gal đã nhanh chóng đăng lên trang Instagram cá nhân cùng lời bình luận đầy tự hào.

Đây sẽ là một chiến thắng vang dội cho thương hiệu nhỏ Nasty Gal, nếu như cư dân mạng không nhanh chóng chỉ ra đây là thiết kế của Balmain. Trong suốt tuần đó, Nasty Gal liên tục bị cư dân mạng ném đá. 

nan dao nhai thoi trang anh 2
Bộ jumpsuit hiệu Balmain của Taylor Swift (trái) và của Nasty Gal. Ảnh: Getty Images/Nasty Gal

Tuy nhiên, Nasty Gal không phải là "kẻ ăn cắp" duy nhất trong thời đại "fast fashion" - thời trang ăn liền. Một số công ty bán lẻ nổi tiếng như Topshop, H&M và Forever 21 cũng bị liệt vào dạng này.

Các nhà thiết kế là người nổi tiếng cũng hay bị "săm soi" về việc cầm nhầm ý tưởng. Tháng 1, Rihanna ra mắt bộ sưu tập kết hợp với Puma tại tuần lễ thời trang New York, với một số chi tiết khá giống với những bộ sưu tập trước đây của Hye In Seo mà chính Rihanna cũng từng mặc.

nan dao nhai thoi trang anh 3
Rihanna bị "tố" sử dụng một số chi tiết của nhà thiết kế Hye In Seo. Chẳng hạn chiếc vòng cổ choker mà cô sáng tạo (trái) rất giống với chiếc vòng cổ Hye In Seo mà cô từng đeo (phải). Ảnh: Getty Images

Các tuần lễ thời trang từ đầu năm đến nay cũng có một số trường hợp khiến người chứng kiến bất ngờ vì sự giống nhau. Chẳng hạn, bộ sưu tập của MGSM 2016 với chi tiết diềm xếp nếp ở quần và giày đã được Nicopanda bê y chang sang các thiết kế của hãng. Trong khi đó, chiếc quần khóa kéo của Nicopanda cũng bị phát hiện giống mẫu của Paco Rabanne. 

Với sự tồn tại của các bộ ảnh giới thiệu thiết kế mới chất lượng cao trên Internet, việc copy các chi tiết, kiểu dáng không phải là điều khó khăn.

Tại sao biết vẫn làm?

Eric Wilson - giám đốc tin tức thời trang của InStyle - cho biết, nạn đạo nhái đang hủy hoại sự sáng tạo: "Chúng làm cho ngành công nghiệp thụt lùi. Người tiêu dùng và các hãng bán lẻ được lợi nhất với fast fashion. Còn những nhà thiết kế chân chính là những người chịu thiệt".

Wilson cho biết ngành công nghiệp thời trang trị giá hàng tỷ USD sẽ không thể chống đỡ nếu fast fashion tiếp tục ăn cắp mà không phải chịu hậu quả. Theo một cuộc nghiên cứu của World trademark review, thị trường đồ copy và nhái có doanh thu lên tới 600 tỷ USD/năm, chiếm khoảng 7% giá trị thương mại toàn cầu.

nan dao nhai thoi trang anh 4
Sự giống nhau đến bất ngờ giữa thiết kế của Nicopanda (trái) và MSGM. Ảnh: Nicopanda/MSGM

Tại sao những thương hiệu này lại copy và không phải trả giá cho việc làm sai trái của mình? Rất đơn giản, luật pháp Mỹ và các quốc gia chưa phát triển không có điều luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với thời trang.

Ở những nước như Anh, Pháp, Nhật hay một số quốc gia có thương hiệu thời trang lớn, họ đều có luật bảo vệ các "gã khổng lồ". Năm 2007, Topshop ở Anh từng phải tiêu hủy hàng trăm mẫu và nộp phạt 12.000 bảng Anh chỉ vì copy một mẫu quần yếm của thương hiệu Pháp Chloe.

Nhiều năm qua, Hội đồng các nhà thiết kế Mỹ đã tích cực vận động chính phủ ra luật bảo vệ làng thời trang. Trong lúc chờ đợi điều này được hiện thực hóa, các nhà thiết kế chỉ có thể trông chờ vào mạng xã hội và ý thức của người dùng.

Phương Ly

Bạn có thể quan tâm