Những ngày gần đây, mạng xã hội nóng chuyện cô gái lên Facebook tố người yêu "quất ngựa truy phong" sau khi phát hiện có bầu.
Cô gái sinh năm 1992 đăng tải lên trang cá nhân bài viết dài, kể chi tiết chuyện tình, toàn bộ quá trình từ khi biết mình mang thai tới khi bị người yêu từ chối đứa bé.
Từng cuộc điện thoại, những mẩu trò chuyện, ảnh chụp màn hình tin nhắn, tên tuổi địa chỉ nhà người yêu... được cô đưa lên mạng để tăng tính xác thực.
Cô gái mang bầu tố cả gia đình người yêu trốn tránh, bỏ rơi mình.
|
Mạng xã hội thay diễn đàn đấu tố
Cách đây không lâu, vụ việc nữ nhiếp ảnh gia Hồng Vy lên mạng xã hội tố khách hàng quỵt tiền chụp ảnh cưới, chê ảnh xấu nhưng vẫn cầm hết 1.600 tấm hình, khiến dân mạng tranh cãi.
Cuối năm 2015, một học sinh cấp một bị cho thôi học vì trước đó phụ huynh của em đã có những chia sẻ không hay về bộ đồng phục của nhà trường trên trang cá nhân.
Những câu chuyện như bạn trai chỉ biết vòi tiền dù mới yêu nhau một tháng, người yêu cũ đòi 700.000 đồng sau khi chia tay một năm, bạn trai không trả tiền phá thai... cũng được đưa lên Facebook.
Nhiều cặp vợ chồng tố nhau ngoại tình. Những ngôi sao nổi tiếng dùng Facebook để chỉ trích, tranh cãi, bóng gió mỉa mai qua lại. Dường như, nhiều người trẻ luôn có một "vũ khí" là mạng xã hội. Yêu ai, ghét ai đều đưa "lên phây".
Hệ lụy của những lời tố cáo
Trở lại câu chuyện của cô gái mang thai bị người yêu bỏ rơi, ban đầu, cô nhận được nhiều lời an ủi từ phía dân mạng. Nhưng sau khi phía gia đình chàng người yêu cho rằng cô bịa đặt, dựng chuyện thì không ít người quay lại chỉ trích cô.
Thậm chí, có người thông tin cha mẹ anh chàng kia định mời cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết vì danh dự bị xúc phạm và số điện thoại gia đình bị trưng lên mạng. Khi đó, sự việc không còn đơn giản.
Nhiếp ảnh gia Hồng Vy, sau một thời gian được dân mạng bênh vực, cô lại gặp phải những chỉ trích vì làm việc không chuyên nghiệp, bị lên án vì hành động làm lộ danh tính, đăng ảnh khách hàng lên mạng khi chưa được phép.
Đôi vợ chồng khách hàng còn tố ngược lại Hồng Vy làm việc không nhiệt tình, và việc cô đưa câu chuyện lên Facebook đã xúc phạm, bôi nhọ danh dự, làm ảnh hưởng cuộc sống của gia đình họ.
Con trai của người phụ nữ lên mạng tố đồng phục của nhà trường quá xấu bị cho thôi học. Cuộc sống và việc đến trường của em bị ảnh hưởng. Người mẹ cũng bị các bậc phụ huynh khác chê bai và đặt câu hỏi chị vô tâm đến đâu mới không thể chuẩn bị đồng phục tươm tất cho con?
Những câu chuyện tình yêu giữa các cặp, nhiều cuộc hôn nhân, tình bạn và mối quan hệ khác cũng bị ảnh hưởng bởi những vụ "ba mặt một lời" trên mạng ảo.
Tài khoản Trần Thanh Long cho biết sáng nào mở Facebook, anh cũng thấy hiện lên những lời than thở, tố nhau qua lại, và cách đối phó là bỏ theo dõi, thậm chí bỏ kết bạn.
“Cuộc sống đã đủ căng thẳng rồi, nhiều khi không muốn đọc để đón một ngày tươi sáng hơn cũng khó. Mình thường không xen vào chuyện riêng của người khác nên việc họ có tìm ra sự thật, vạch mặt ai, hay chứng mình công lý gì đó cũng không quan tâm", người này viết.
Tố nhau xong chúng ta còn gì?
Facebook cá nhân là tài sản riêng của mỗi người. Viết, chia sẻ, bình luận là quyền tự do cá nhân. Thế nhưng, việc đăng tải những chuyện quá riêng tư hay mâu thuẫn chưa được làm rõ khiến nhiều vụ việc trở nên phức tạp và đi theo chiều hướng xấu.
Không những thế, việc lan truyền chuyện riêng trên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng người bị tố cáo, mà bản thân người viết, thậm chí cả gia đình và người thân của họ cũng bị ảnh hưởng.
Cô gái bị người yêu bỏ rơi kia sau khi nhận được những cái like, bình luận an ủi của hàng nghìn người không quen biết, rồi cũng phải chấp nhận rằng mối duyên giữa cô và bạn trai cũ đã hết.
Hồng Vy sẽ không phải xin ai "ngừng tìm kiếm thông tin cá nhân của những người liên quan vụ việc" và thừa nhận không kiểm soát được sự lan tỏa của câu chuyện, gây phiền toái đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.
Những cái like, share trên Facebook không giúp hàn gắn mối quan hệ hay giải quyết vấn đề. Ảnh: Brightside. |
Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng dưới góc độ dư luận, Facebook là diễn đàn phản biện rất hiệu quả, chia sẻ nhiều thông tin.
"Cần phải tôn trọng những tiếng nói phản biện, vì chúng làm sáng tỏ các góc khuất mờ ám và giúp mọi người khai sáng. Cái gì nhảm nhí, vô căn cứ quá, người dùng cũng tự cảm thấy hoang đường. Tuy nhiên, cũng có một số nội dung không phải đáng tin hoàn toàn nhưng vẫn đủ gây hoang mang dư luận", vị tiến sĩ cho biết.
Nhiều trường hợp người tố cáo cảm thấy thỏa mãn, hả hê khi vạch mặt người khác, kể được câu chuyện đến nhiều người. Nhưng ngay sau đó, khi sự riêng tư bị xâm phạm, họ sẽ cảm thấy bối rối và mệt mỏi vì dư luận.
Thầy Nguyễn Văn Dũng (giáo viên THPT Trương Định) nhận định một số trường hợp tố cáo thực sự giúp đỡ cho người bị hại. Họ được minh oan, lấy lại danh dự hoặc tiền bạc. Tuy nhiên, phần lớn vụ việc chỉ đem lại sự mệt mỏi vô nghĩa.
"Chúng ta chưa bàn chuyện thực hư đến đâu, bên nào có lý hơn bên nào, chỉ thấy những chuyện lẽ ra có thể tự giải quyết thì lại đưa rầm rộ lên mạng. Trước khi gõ bất cứ dòng nào, các bạn trẻ hãy thận trọng và suy nghĩ kỹ. Mạng xã hội có hàng triệu người với những tính cách khác nhau và không phải ai cũng tốt bụng cảm thông, chia sẻ với câu chuyện của bạn", thầy giáo nói.
Nguyễn Thị My - thạc sĩ cộng đồng ĐH La Trobe, Australia - cho biết trào lưu "đấu tố" là hệ quả của việc chúng ta đang sống trên một thế giới phẳng, khi việc lan tỏa thông tin trở nên quá dễ dàng, mà bản chất con người là muốn được chia sẻ, giải tỏa.
"Nếu không cân nhắc kỹ khi tâm sự, chuyện gì cũng có thể trở nên quá lố. Khi trạng thái tâm lý không ổn định, người ta dễ nói ra những điều có thể khiến mình ân hận về sau. Cái dở của việc 'tố nhau trước cả làng cả tổng' là sự việc bị đẩy đi quá xa. Người trong cuộc, khi bình tĩnh, muốn lấy lại cũng không được, vì cốc nước đã hắt đi rồi", My nêu quan điểm.