Sáng 30/10, 3 người con gái của bà V.T.Đ. (61 tuổi, ở xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đến nhà bà để nói chuyện về đất đai. Do bất đồng quan điểm, 3 người này sau đó dùng xăng tưới xuống nền nhà và châm lửa dẫn đến hỏa hoạn. Vụ việc khiến cả 4 mẹ con bị bỏng.
Trường hợp này, 3 người con gái có thể bị xử lý ra sao?
Nơi xảy ra vụ việc ngày 30/10. Ảnh: S.T. |
Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị) đánh giá việc con cái đổ xăng, phóng hỏa nhằm gây áp lực để được chia quyền sử dụng đất là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không những vậy, đây còn là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm tới sức khỏe, tài sản của người khác và có thể phải đối mặt với các cáo buộc theo Bộ luật Hình sự 2015.
Trong vụ việc này, cơ quan chức năng sẽ làm rõ những yếu tố như ai là người trực tiếp đổ xăng và phóng hỏa khiến 4 mẹ con bị bỏng nặng; mục đích, động cơ của người phóng hỏa khi thực hiện hành vi là gì; địa hình khu vực xảy ra hỏa hoạn ra sao, có dễ bỏ chạy hay có khả năng cao gây chết người nếu cháy hay không...
Trường hợp xác định các con đổ xăng nhằm tự thiêu, tự gây thương tích cho mình, khu vực cháy không ảnh hưởng tới người mẹ và việc người mẹ bị bỏng là nguyên nhân chủ quan do người này (VD: người mẹ chạy tới dập lửa nhưng bị bỏng...), thì đây được coi là trường hợp tự gây thương tích và không có căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Trường hợp xác định mục đích phóng hỏa là hành vi cố ý nhằm gây thương tích cho người khác, người vi phạm có thể bị xem xét xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 với tình tiết định khung dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người theo điểm a, khoản 1, Điều 134 Bộ luật này.
Còn luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp) nhìn nhận một người bình thường phải nhận thức được xăng là chất cháy nguy hiểm, khi đốt có khả năng lan nhanh và khó có thể dập tắt. Hành động đổ xăng, châm lửa hoàn toàn có thể dẫn đến cháy nhà, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và thậm chí sức khỏe, tính mạng của người khác.
Trường hợp có căn cứ cho thấy hành vi đốt nhà nhằm mục đích giết người hoặc có thể dẫn đến chết người, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Việc xác định hành vi có thể dẫn đến chết người hay không phụ thuộc vào đặc điểm của vụ việc như số lượng xăng đổ ra, đặc điểm ngọn lửa, khả năng thoát hiểm của nạn nhân và các yếu tố khác về mặt cơ học, kĩ thuật...
Nếu không đủ căn cứ xử lý hình sự về tội Giết người, người vi phạm vẫn có thể bị xem xét trách nhiệm về các tội Cố ý gây thương tích (Điều 134) và Hủy hoại tài sản (Điều 178) theo Bộ luật Hình sự 2015.
5 cuốn sách giúp hiểu rõ hơn về luật hình sự
55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật Hình sự giúp tìm ra những điểm mấu chốt mang tính bản chất để phân biệt tội danh này với tội danh khác. Hình phạt tiền trong pháp luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng đề cập tới quy định, thực tiễn áp dụng và các giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng hình phạt tiền.