Cầu kỳ thú trồng "cỏ"
Cỏ, pin, cần… là tên dân chơi thường gọi khi nhắc tới cần sa (tên khoa học là Cannabis Sativa). Cách đây vài năm, cần sa được bộ phận giới trẻ các thành phố lớn khá "chuộng" bởi cách sử dụng đơn giản, giá thành rẻ. Nhưng sau các đợt truy quét của công an, loại cây chứa chất ma túy dần khan hiếm trên thị trường, làm trào lưu dùng "cỏ" lắng dần, nhường chỗ cho nhiều loại ma túy tổng hợp.
Một thời gian dài trầm lắng, đầu năm 2014, số vụ bắt giữ những người trồng cần sa, sử dụng, tàng trữ "cỏ" có dấu hiệu quay trở lại. Hành vi phạm tội tinh vi hơn, tình trạng trồng "cỏ" tại nhà có chiều hướng tăng, gây khó khăn trong việc bắt giữ, xử lý.
Một cây cần sa đến kỳ thu hoạch được trồng tại nhà. |
Nguyễn Đức Hoàng (ở Đông Triều, Quảng Ninh) từng là người dùng "cỏ" lâu năm. Giai đoạn cao điểm, cứ ra đường là anh ta mang theo vài điếu quấn sẵn, kèm một gói nhỏ cần sa phơi khô đựng trong túi nylon để khi cần mời thêm bạn bè. Mê "cỏ" nhưng thấy mặt hàng mua sẵn đắt đỏ, Hoàng mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng loại cây này.
Cậu ta bảo một gói hàng mua ngoài thị trường sẽ có cả búp, lá và vài hạt nhỏ. Lựa chọn số hạt này mang trồng sau vài tháng có thể thu hoạch. Nói dễ vậy nhưng "cỏ" bán sẵn đều đã qua sơ chế, sấy khô nên để chọn được hạt nảy mầm rất hiếm.
Có cách dễ hơn, nhưng “dân chơi” phải chịu khó tìm cho ra đầu mối sơ chế cần sa, khéo léo thỏa thuận để họ bán lại cho hạt tươi. Hạt giống này khá đắt, hiếm nên gói có 5 hạt bán từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng.
Hoàng bật mí dân trồng “cỏ” thường để trong phòng kín, thắp đèn, bật điều hòa. Chăm sóc tốt như vậy khoảng 3 tháng cây có thể thu hoạch. “Nếu trồng tự nhiên, đặt ngoài ban công hay vườn nhà cho tự lớn, thời tiết tốt, mưa ít, nắng nhiều sau khoảng 6 tháng có thể sử dụng”, nam thanh niên chia sẻ.
Năm 2012, khi “cỏ” được nhiều người biết đến, Hoàng cũng thử gieo hạt cần sa trong vườn. Những lần đầu chưa có kinh nghiệm, hầu hết các cây nảy mầm rồi lại lụi, số còn lại bị người nhà nhổ bỏ vì tưởng đó là cỏ dại. Rút kinh nghiệm, lần sau Hoàng chỉ gieo một hạt, rào chắn cẩn thận và dặn rõ với gia đình là cây thuốc.
Lá, thân, hoa cần sa được thái nhỏ, sấy khô. |
Nguyễn Hồng Hải (quê ở Yên Bái) lại có cách trồng cầu kỳ hơn. Cậu này hiện là sinh viên ở Hà Nội, quanh nơi trọ học không có khu đất nào có thể trồng cây, nên Hải cầu kỳ gieo hạt ở tận quê, chờ cho lớn rồi chuyển xuống Hà Nội chăm sóc tiếp.
"Bọn em trồng phục vụ nhu cầu bản thân. Cây trong phòng trọ cao gần một mét nhưng 4-5 người ngồi hút sái quai hàm chưa hết”, cậu sinh viên quê Yên Bái khoe.
Sử dụng có nguy cơ bị rối loạn tâm thần
Theo Hoàng, cần sa mua lại từ dân buôn thường đã bị "đấu" nên chất lượng không cao. Dân nghiền "cỏ" vẫn truyền tai nhau lời đồn, để tăng độ "phê" và giảm giá bán, người bán sẽ pha thêm "keo chó", hút vào sẽ chóng mặt, đau đầu. Cũng vì lý do đó nên “cỏ” trồng tại nhà được ưa chuộng bởi đảm bảo nguyên chất.
Đến ngày thu hoạch, người trồng sẽ ngắt búp, lá đem sấy khô, đóng gói bảo quản trong túi nilon. “Hút cần sa phê hay không do nhựa cây. Trồng cần sa ở nhà, nhựa không pha nên "cỏ" sẽ ngấm hơn hàng chợ", Hoàng nhận xét.
Cần sa là một chất kích thích không mới, nhưng nhiều bạn trẻ dùng "cỏ" không hề hay biết tác hại của nó tới sức khỏe. Trung tâm Nâng cao Sức khỏe Cộng đồng (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) khuyến cáo việc sử dụng cần sa lâu dài sẽ dẫn tới hội chứng lệ thuộc, có thể mắc chứng đau đầu, trầm cảm, thường xuyên cáu giận nếu giảm liều. Sử dụng cần sa liều lớn còn dẫn đến ảo giác, giảm trí nhớ và mất kiểm soát cơ thể.
Mới đây, các nhà khoa học Mỹ cũng đã khuyến cáo, việc sử dụng cần sa ở độ tuổi vị thành niên có thể gây tác hại lâu dài cho não, làm giảm khả năng nhận thức. Sử dụng cần sa làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần, tâm thần phân liệt.
Hải và Hoàng thừa nhận rằng, sau một thời gian dài hút “cỏ”, họ thấy sức khỏe suy giảm, người mệt mỏi, thường xuyên buồn ngủ, mắt sưng mọng, đỏ đục.
Liên quan đến hành vi trồng cây có chứa chất ma túy, trao đổi với phóng viên Zing.vn, một cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an Hà Nội) cho biết những năm qua đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương, Cục nghiệp vụ Bộ Công an triệt xóa nhiều đường dây mua bán, vận chuyển, trồng cây cần sa số lượng lớn, song việc xử lý những người vi phạm không đủ sức răn đe nên nhiều nơi đang tái diễn thực trạng.
"Pháp luật hiện hành quy định, người bị bắt quả tang trồng cây cần sa lần đầu chỉ bị xử phạt hành chính, nếu tái phạm mới bị xử lý hình sự", đại diện phòng nghiệp vụ công an Hà Nội nói.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.