Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mạnh Quỳnh: 'Tôi không thuộc tuýp người đa tình'

"Khi còn độc thân, tôi muốn làm gì thì làm, còn khi đã kết hôn, phải tự kiềm chế bản thân, đừng để điều gì có lỗi với gia đình", nam ca sĩ hải ngoại bộc bạch.

Mạnh Quỳnh: 'Tôi không thuộc tuýp người đa tình'

"Khi còn độc thân, tôi muốn làm gì thì làm, còn khi đã kết hôn, phải tự kiềm chế bản thân, đừng để điều gì có lỗi với gia đình", nam ca sĩ hải ngoại bộc bạch.

>> Mạnh Quỳnh về Việt Nam ra mắt album
>> Vợ chồng Mạnh Quỳnh ''lệch pha''
>> Mạnh Quỳnh tái ngộ Phi Nhung

Ca sĩ Mạnh Quỳnh

- Gần đây, điều gì đã thôi thúc anh siêng về Việt Nam biểu diễn?

- Tôi muốn tiếng hát của mình đến những nơi xa xôi hẻo lánh nhất của quê hương. Hơn nữa, nhiều khán giả biết và yêu mến Mạnh Quỳnh qua những sản phẩm âm nhạc chưa một lần chứng kiến tôi bằng xương bằng thịt. Bên cạnh đó, tôi còn nhận được rất nhiều thư từ cũng như e-mail của các bầu show lẫn khán giả yêu cầu tôi trở về quê hương hát. Trước những tình cảm ấy, tôi không thể nào từ chối được.

- Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với anh khi biểu diễn tại quê hương?

- Tôi có rất nhiều kỷ niệm, nhưng nhớ nhất là trong chương trình Một thoáng Việt Nam, khi đang song ca cùng Phi Nhung, trời bắt đầu đổ mưa. Lúc đó, chúng tôi nhìn xuống những hàng ghế khán giả, thấy họ đang vội tìm mua những chiếc áo mưa hay tìm một chỗ đứng để tránh mưa, tôi và Phi Nhung quyết định hát dưới mưa để phục vụ khán giả. Trong khi đang hát, MC của chương chạy vội chạy ra mang theo một chiếc dù, tôi nghĩ là cô che cho ca sĩ, nhưng cô ấy nói: "Anh che micro hộ em". Tôi và khán giả đều bật cười.

- Nhiều người thường quan niệm hát dòng nhạc nào tính cách sẽ như vậy. Anh thấy điều này đúng với mình như thế nào?

- Tôi không nghĩ vậy vì vốn dĩ tôi là người đa sầu, đa cảm, nhưng rất là đàn ông. Với dòng nhạc tôi chọn có hai tiêu chí: phải phù hợp chất giọng và sở thích, đồng thời mình phải cảm nhận được mình nói và làm. Tôi thích dòng nhạc buồn, có tâm sự như nghèo, thất tình vì dễ đi vào lòng người hơn là những ca khúc sôi nổi. Có những người khi thể hiện ca khúc buồn nhưng mặt thì luôn cười rạng rỡ, không truyền tải được nội dung bài hát, mà với tôi đó là điều tối kỵ. Khi muốn thể hiện một bài hát, tôi thường tìm hiểu ý nghĩa và nhập tâm vào lời bài hát đó. Chính vì thế khiến cho khán giả hay nhầm tôi là con người luôn mang đầy tâm trạng.

- Thế mạnh của anh nằm ở giọng hát truyền cảm và hơi sến, dễ chinh phục phụ nữ. Vậy anh từng rơi vào hoàn cảnh bối rối, lúng túng khi bất ngờ nhận được lời tỏ tình của cô gái hâm mộ chưa?

- Tôi đi hát được 20 năm và có rất nhiều cô gái vì cảm giọng hát mà cảm luôn ca sĩ. Nhưng tôi khuyên chân thành các cô chỉ nên yêu tiếng hát Mạnh Quỳnh, đừng yêu Mạnh Quỳnh bởi yêu ca sĩ sẽ khổ và không mang đến kết quả tốt đẹp. Tôi rất hạnh phúc và trân trọng những ai ủng hộ mình, còn với những người hâm mộ thái quá tôi thường khuyên bảo. Tôi đã nhờ nhạc sĩ Song Ngọc viết bài Chuyện đời ca trong đó có câu "Xin đừng yêu tôi, đời ca sĩ buồn…".

Bên cạnh đó, tôi cũng không thuộc tuýp người đa tình, có thể đem tình san sẻ cho những người khác. Cuộc sống của tôi khép kín, thích sự yên tĩnh. Tôi cũng là người hay rung động trước cái đẹp. Bất cứ người đàn ông nào cũng thích vẻ đẹp của người phụ nữ, đó là điều không thể chối cãi. Khi tôi còn độc thân, muốn làm gì thì làm, còn khi đã có gia đình, phải tự kiềm chế bản thân, đừng để điều gì có lỗi với gia đình.

- Trong những trường hợp "éo le", anh chọn cách giải quyết ra sao để không phật lòng khán giả mà vẫn giữ được hạnh phúc gia đình?

- Khi còn độc thân, điều này thật khó khăn, nhất là với nghề ca sĩ thường xuyên tiếp xúc với nhiều cô gái đẹp và dễ thương. Khi tôi có vợ, tôi biết giới hạn của mình và luôn nghĩ về vợ con. Đó chính là liều thuốc giúp tôi có thể vượt qua tất cả mọi chuyện. Hiện tại, tôi chỉ mong mang lời ca tiếng ca tiếng hát phục vụ cho thật nhiều khán giả yêu mến là tôi mãn nguyện.

- Cuộc sống hôn nhân cần phải có một lòng tin vững chắc với người bạn đời. Vậy anh làm thế nào để tạo lòng tin cho vợ trong khi vây quanh anh luôn là những cô gái hâm mộ cuồng nhiệt?

- Niềm tin là do mỗi người tự tạo dựng. Nếu tôi thay lòng đổi dạ thì vợ có thể cột chân nhưng không cột được lòng tôi. Còn khi tôi là người chín chắn, dù tiếp xúc có bao nhiêu cô gái đẹp, tôi vẫn giữ được lòng kiên định thủy chung.

Trước khi tiến đến hôn nhân, tôi có hỏi vợ: "Nếu em thật sự hiểu và tin tưởng được công việc của anh, anh sẽ cưới. Còn em không thật sự hiểu, tốt nhất đừng cưới". Lúc ấy, tôi cũng hồi hộp và lo lắng sợ cô ấy từ chối, nhưng cô ấy đáp lại tôi bằng một nụ cười thật tươi, nói: "Em rất thông cảm với nghề của anh".

Tôi nghĩ, tôi không thể nào sống với một người mà mỗi lần tôi bước chân ra cửa là cô ấy nhăn nhó, nghi ngờ. Bản thân tôi cũng không bao giờ ghen, vì tôi tin tưởng tuyệt đối vào vợ. Bà xã tôi rất hiền. Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Mỹ nhưng trong người vợ tôi vẫn là dòng máu Việt và hội tụ những phẩm chất của phụ nữ Việt, không bao giờ có tư tưởng nào khác ngoài chồng con. Tôi cũng chứng tỏ cho cô ấy thấy tình cảm của tôi dành cho cô ấy chỉ có một.

- Vợ anh sống ở Mỹ từ nhỏ, trong khi anh sinh ra và lớn lên ở Việt Nam. Vậy anh đã làm gì để tìm được tiếng nói chung và có thể dung hòa sự khác biệt giữa hai nền văn hoá?

- Vợ tôi sinh sống tại Mỹ nhưng những phẩm chất của cô ấy hội tụ của một người phụ nữ Việt. Thời gian đầu, cuộc sống chung rất khó khăn, nhưng cả hai đã khéo léo chia sẻ cho nhau cách sống chung. Bên cạnh đó, tôi phải tích cực tìm hiểu nếp sống tại Mỹ để nhanh chóng hòa nhập, một thời gian sau, cả hai đều hiểu nhau và quen dần.

Tôi còn nhớ, khi tôi nói chuyện tiếng Việt, cô ấy nói tiếng Anh, tôi phải chỉ dần cho cô ấy học cách nói tiếng Việt. Và sau 6 năm chung sống, cô ấy đã nói rất nhuần nhuyễn.

- Trước đây, anh và Phi Nhung tạo thành đôi song ca ăn ý trên sân khấu. Nhiều khán giả đặt câu hỏi: vì sao một cặp đôi trai tài gái sắc như thế không đến được với nhau?

- Nếu Mạnh Quỳnh yêu Phi Nhung thì chắc hai đứa diễn không còn tình tứ và ăn ý với nhau nữa. Khi diễn với tôi, cô ấy nghĩ tôi là tình nhân, cảm xúc sẽ tới đỉnh điểm hơn. Nhiều khán giả thấy trên sân khấu cả hai diễn rất tình tứ nhưng ngoài đời, chúng tôi hay cãi nhau lắm. Sau mỗi chương trình diễn chung kết thúc, bước xuống sân khấu đường ai nấy đi. Bởi vậy, Phi Nhung luôn nói cô ấy không bao giờ yêu tôi.

- Cơ duyên nào đưa anh kết hợp song ca cùng ca sĩ Phi Nhung?

- Trong một lần diễn vỡ Lan và Điệp, cả hai ngẫu hứng kết hợp với nhau. Hôm đó, tôi thấy cả hai diễn suất không như ý muốn, cả hai mới quyết định thử lại trong vở Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài. Kết quả là chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen ngợi, hạnh phúc lắm. Tôi biết Phi Nhung thích nhạc trữ tình nên đề nghị song ca Căn nhà màu tím. Không ngờ ca khúc lại được rất nhiều khán giả đón nhận và yêu cầu hát mỗi khi xuất hiện trên các chương trình ca nhạc.

Tôi thấy Phi Nhung thông minh, đa năng, chịu khó và tài giỏi. Đối với cô ấy, sự nghiệp đặt lên hàng đầu, làm việc rất hăng say. Một khi cô ấy đã muốn làm gì là làm cho bằng được. Và cô ấy rất nghiêm túc trong con đường hoạt động nghệ thuật, chỉ tiếc một điều là giờ này vẫn chưa có chồng. (Cười)

- Nhiều người nói Phi Nhung rất khó tính, riêng bản thân anh là người song ca lâu năm cùng với cô ấy, cũng là người hiểu cô ấy nhiều nhất, anh có nhận xét gì?

- Phi Nhung chỉ khó tính với nghệ thuật thôi, khi làm việc cô ấy muốn tốt nhất. Ngay cả tôi khi làm việc chung với Phi Nhung cũng bị la hoài. Mỗi người một tính và có một cái khó riêng, nhưng tôi hiểu cô ấy nên làm việc chung rất dễ dàng.

- Anh chia sẻ muốn đem lời ca tiếng hát đến những vùng miền xa xôi của quê hương, nhưng vì sao anh chỉ hát ở những thành phố lớn, trong khi, lượng fan hâm mộ anh tại các tỉnh lẻ lại đông đảo hơn?

- Tôi cũng muốn biểu diễn tất cả các vùng miền nhưng thực tế thời gian tôi về Việt Nam rất ít, chỉ được một tuần lại bay về Mỹ ngay. Những lúc tôi về Việt Nam biểu diễn, vợ tôi phải xin nghỉ làm để ở nhà trông con. Vì vậy, thời gian đầu tôi chỉ tập trung hát những thành phố lớn, còn các tỉnh thành khác hoặc những vùng xa xôi tôi sẽ đến hát sau.

Nhân dịp này, tôi gửi lời xin lỗi đến tất cả khán giả những nơi khác đã có lòng yêu mến tôi. Và tôi xin hứa một ngày gần đây tôi sẽ được hát phục vụ cho quý khán giả tại đây.

- Anh là người có kinh nghiệm tham gia các show diễn trong và ngoài nước, vậy anh nhận xét cách tổ chức giữa hai nơi khác nhau như thế nào?

- Trong các show diễn lớn, trong hay ngoài nước đều có sự đầu tư. Tuy nhiên, sự khác biệt rõ nét nhất là chương trình nước ngoài muốn thu hút đông đảo khán giả, đòi hỏi thời gian quảng cáo cho chương trình trước đó phải 6 tháng, có khi cả năm. Còn ở Việt Nam, tôi thấy một chương trình chỉ quảng cáo có mấy ngày hoặc một tuần là diễn ra rồi. 

Ngoài ra, ở hải ngoại người ta không chỉ đầu tư kinh phí lớn, mà còn có sự chuẩn bị rất chắc chắn và kỹ lưỡng về âm thanh, ánh sáng, hình ảnh cũng như kịch bản sân khấu để mọi thứ khi lên chương trình là có thể chạy thông suốt. Một điểm khác biệt khác, để có một chương trình quay hình hoàn hảo vừa có thể bán được nhiều vé, họ thường tổ chức quay hình ba ngày liên tục.

- Anh nhận xét gì về dòng nhạc trẻ của Việt Nam hiện nay?

- Ca từ rất đơn giản, không đặc sắc, không có sự kết hợp logic (điều này dẫn đến một hệ lụy là mau lãng quên), cuối cùng thời gian sáng tác ca khúc quá nhanh chỉ cần một tiếng hay một ngày thì có thể cho ra đời một ca khúc, chưa kể là đến những ca từ làm gợi nhớ tên bài hát như dòng nhạc trữ tình.

- Mọi người nhận xét dòng nhạc trữ tình có tuổi thọ lâu hơn nhạc trẻ. Vậy theo anh, lý do dẫn đến sự chênh lệch giữa hai dòng nhạc này là gì?

- Tôi nghĩ để sáng tác một bài nhạc trữ tình rất khó, thời gian rất lâu nên sự đón nhận cũng vậy. Đặc biệt, ca từ và tựa đề của bài hát phải thật sự gần gũi. Chẳng hạn như khi nhớ người yêu, người nghe nhạc liền nghĩ ngay bài hát trữ tình Nhớ người yêu. Hay những đêm buồn, lang thang ngoài phố họ liên tưởng đến ca khúc Người đi ngoài phố hoặc Nửa đêm ngoài phố.

- Khán giả nghe nhạc Mạnh Quỳnh phần lớn là những người ở độ tuổi trung niên. Một vài năm nữa, thế hệ trẻ vốn không mặn mà với dòng nhạc quê hương của anh sẽ khiến anh không còn thị trường riêng. Anh nghĩ sao?

- Tôi có quan sát và thấy rằng, đa phần thế hệ trẻ Việt Nam bên Mỹ thích nghe nhạc Việt Nam, dù một số người không hiểu lắm. Nhiều khi họ nghe theo thói quen của những người trong gia đình.

Tôi không biết tương lai dòng nhạc của mình ra sao, nhưng là nghệ sĩ, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát triển văn hóa của quê hương. Tôi thường đầu tư các tiết mục, sản phẩm âm nhạc có nhiều tuồng cũ tích xưa, câu chuyện có nội dung trong ca khúc để gần gũi với các bạn trẻ hơn.

Cộng đồng ở hải ngoại rất có ý thức trong việc bảo tồn văn hóa và chữ viết Việt Nam cho thế hệ trẻ. Vì vậy, mỗi dịp Tết hay các ngày lễ trong năm, mọi người thường tổ chức các cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa các thế hệ. Qua đó, họ giới thiệu những phong tục tập quán văn hóa của nước mình cũng như mở nhiều lớp dạy tiếng Việt.

- Việc theo đuổi dòng nhạc ít người hát gây khó khăn gì cho anh trong khâu chọn ca khúc "hit"?

- Việc tìm kiếm bài hát hay trong thể loại nhạc quê hương trữ tình rất khó. Tuy nhiên, không nhiều người theo đuổi nên tôi lại thấy mình có thêm cơ hội để hát nhiều ca khúc khác nhau.

Ngoài ra, tôi có một chút vốn kiến thức về âm nhạc, xướng âm nên tôi cũng tự sáng tác bài phù hợp với chất giọng và cách hát của mình. Đến hiện tại, tôi đã sáng tác hơn 30 bài, trong đó, một số bài được nhiều khán giả biết đến như: Vợ tôi, Hạnh phúc đơn sơ, Bến sông chờ…

- Anh có thể chia sẻ đôi chút về gia đình nhỏ?

- Hiện tại, chúng tôi có hai con trai, một đứa hơn 6 tuổi và còn lại 3 tuổi. Vợ tôi làm công chức bên ngành tài chính. Ngày thường tôi ở nhà trông con, dạy con nói tiếng Việt và tiếng Anh nên cháu nói được cả hai.

Tôi nghĩ mình là người đàn ông của gia đình. Tôi làm việc nhà rất đảm. Trong gia đình, vợ chồng tôi ngang nhau, không ai nắm quyền to hơn ai. Khi quyết định chuyện gì quan trọng, cả hai cùng ngồi bàn bạc. Tôi cho rằng đó là cách tôn trọng nhau và giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Hiện tại, gia đình tôi không còn sống ở bang California (Mỹ) như trước, mà đã chuyển đến sinh sống tại Tiểu bang Washington. Cuộc sống gia đình rất hạnh phúc và ổn định.

- Nếu anh không còn được ca hát nữa, anh sẽ làm gì?

- Dù tôi có gặp nhiều khó khăn thì nghệ thuật vẫn tồn tại mãi trong tôi, tôi sẽ làm tất cả để phục vụ khán giả. Nếu một ngày tôi không còn được khán giả yêu mến, không còn được hát, tôi sẽ chuyển sang nghề kinh doanh hoặc tìm một công việc gì đó có thể kiếm ra tiền để chăm sóc cho gia đình.

 "Hy vọng sắp tới, tôi sẽ được đi khắp các vùng miền để phục vụ cho khán giả, không quanh quẩn ở những thành phố lớn như hiện nay".

LÊ TUẤN - LỮ

Theo Infonet.vn

LÊ TUẤN – LỮ

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm