Bình luận
Thể loại: Chính kịch, lịch sử, tiểu sử
Đạo diễn: David Fincher
Diễn viên: Gary Oldman, Tom Pelphrey, Amanda Seyfried, Charles Dance
Đánh giá: 8/10
Liệu tác phẩm nào xứng đáng là một trong những bộ phim hay nhất lịch sử điện ảnh? Cái tên mà không ít người đưa ra hẳn là Citizen Kane (1941).
Không chỉ là bộ phim mang tính cách mạng về kỹ thuật quay dựng, “đứa con tinh thần” của huyền thoại Orson Welles còn được đánh giá rất cao về nội dung, cấu trúc kịch bản, cùng cách xây dựng nhân vật hoàn toàn khác biệt so với các tác phẩm Hollywood cùng thời.
Tác phẩm huyền thoại và tượng vàng Oscar gây tranh cãi
Dù 80 năm đã trôi qua kể từ ngày bộ phim lần đầu ra mắt, giá trị nghệ thuật của Citizen Kane vẫn vững bền theo thời gian, với minh chứng không chỉ là thứ hạng rất cao trong các cuộc bầu chọn “Phim hay nhất mọi thời đại”, mà còn thông qua việc người yêu điện ảnh vẫn nhớ đến hình ảnh ông trùm báo chí Charles Foster Kane lụi tàn trong dinh thự Xanadu trống vắng, hay những nút thắt mở xoay quanh lời trăn trối cuối cùng “Rosebud”.
Trớ trêu thay, dù có được vị trí đỉnh cao về mặt nghệ thuật trong lịch sử Hollywood, Citizen Kane chỉ giành được duy nhất một chiến thắng trong số 9 đề cử mà tác phẩm nhận được tại lễ trao giải Oscar năm 1942. Cùng chia sẻ tượng vàng danh giá này là huyền thoại Orson Welles - người kiêm cả vai trò sản xuất, đạo diễn, và diễn viên chính khi mới 26 tuổi - với nhà biên kịch gạo cội Herman J. “Mank” Mankiewicz.
Citizen Kane thường được xếp vào danh sách các tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất. |
Còn tréo ngoe hơn thế là việc Mankiewicz cùng nhiều người ủng hộ ông cho rằng công sức viết nên kịch bản sáng tạo về cấu trúc và dồi dào về cảm xúc của Citizen Kane phần lớn nhờ vào Mank - người sẵn sàng đối đầu rất nhiều thế lực ở Hollywood để đưa cuộc đời nhà tài phiệt hàng đầu của ngành báo chí Bắc Mỹ là William Randolph Hearst lên màn ảnh lớn thông qua hình ảnh Charles Foster Kane.
Trong khi đó, Orson Welles một mực khẳng định rằng không có bàn tay can thiệp của mình, những dòng kịch bản trúc trắc và gây tranh cãi do Mank chấp bút đã chẳng bao giờ được biến hoá thành những cảnh quay đầy tính biểu tượng, và cũng không thể có “cửa” vượt qua vô số rào cản của Hollywood - vốn khi đó vẫn đứng về phía William Randolph Hearst nhiều hơn.
Suy tư, trăn trở của Herman Mankiewicz trong quá trình thai nghén kịch bản huyền thoại của Citizen Kane và những tranh cãi giữa nhà biên kịch tài năng có thừa nhưng tai tiếng cũng không thiếu với Orson Welles, với William Randolph Hearst chính là chủ đề cho Mank - tác phẩm mới nhất của đạo diễn David Fincher.
Tái hiện thời kỳ hoàng kim của Hollywood
Qua Mank, người xem có thể thấy chuỗi ngày tháng gian khổ cả về mặt thể chất lẫn tinh thần của Herman J. “Mank” Mankiewicz (Gary Oldman) để có thể đem lại một trong những kịch bản sáng tạo và đáng nhớ nhất lịch sử Hollywood, với một trong những nhân vật đặc sắc nhất của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Nhưng không chỉ dừng lại ở việc mô tả đơn thuần quá trình lao động nghệ thuật của Mankiewicz, Mank còn đem tới cho khán giả bức tranh toàn cảnh Hollywood thời kỳ hoàng kim những năm 1930, 1940 thông qua tương tác giữa nhà biên kịch với những tên tuổi khác của điện ảnh Mỹ.
Nhiều nhân vật từng có đóng góp quan trọng trong lịch sử Hollywood xuất hiện ở Mank. |
Khán giả sẽ được gặp gỡ ông chủ hãng phim MGM Louis B. Mayer (Arliss Howard), nhà sản xuất phim Irving Thalberg (Ferdinand Kingsley), hay chính người em trai dường như kém tiếng nhưng không hề kém tài của Mank là Joseph L. Mankiewicz (Tom Pelphrey).
Dĩ nhiên, cha con Fincher cũng không quên đề cập tới một trong những khía cạnh đáng nhớ nhất của kịch bản Citizen Kane. Đó là mối liên hệ và sự tương đồng đến kỳ lạ giữa những số phận được miêu tả trong kịch bản với những tên tuổi có thật, như ông trùm báo chí William Randolph Hearst (Charles Dance) - người từng nhiều năm đứng ra bảo trợ cho chính Mankiewicz để ông có thể chăm lo cho người vợ Sara “đáng thương” (Tuppence Middleton).
Hay còn đó là Marion Davies (Amanda Seyfried) - ngôi sao điện ảnh “hạng B” kiêm người tình của Hearst. Cô luôn trân trọng tình bạn với Mankiewicz, bất chấp cách nói chuyện và ứng xử bất cần đời của người nghệ sĩ kiêu ngạo.
Vì sao Mank khó theo dõi?
Mank là bộ phim đen trắng đầu tiên trong sự nghiệp của David Fincher. Đây là một trong những lý do khiến kịch bản phim, dù được chính cha ông là Jack Fincher hoàn thành trước khi qua đời năm 2003, phải đợi tới gần hai thập niên mới được biến thành một tác phẩm điện ảnh thực sự.
Không chỉ khác nhau về màu sắc, phong cách thực hiện của Mank cũng khác biệt so với các tác phẩm trước đây của David Fincher - người vốn luôn được yêu mến bởi nhịp độ dồn dập, kỹ thuật cắt dựng phim thường đạt đến mức hoàn hảo, và truyện phim mạch lạc, dễ theo dõi nhưng vẫn chứa đựng vô số chi tiết, ẩn ý.
Mank có phong cách giống như những bộ phim thập niên 1930, 1940. |
Khác với Se7en (1995), Fight Club (1999), The Social Network (2010) hay Gone Girl (2014), Mank được quay và dựng theo phong cách gần gũi với các tác phẩm Hollywood thời kỳ hoàng kim những năm 1930, 1940, tức phần nào đó gần gũi với chính Citizen Kane nhờ mạch phim được chia thành những phân đoạn xen kẽ giữa hiện tại của năm 1940 và những trải nghiệm của Mank với Hollywood, với xã hội Mỹ vào thập niên 1930.
Không chỉ gợi nhớ những bộ phim đen trắng của Hollywood những năm trước Thế chiến II qua cách kể chuyện và dựng phim, Mank của David Fincher còn sử dụng nhiều góc quay và bối cảnh tương đối khô cứng, không tự nhiên. Đây vốn là đặc điểm của điện ảnh thời xưa khi phần lớn cảnh quay vẫn còn được thực hiện trong trường quay, và năng lực kỹ xảo, hậu kỳ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của các nhà làm phim.
Do đó, về tổng thể, Mank không hẳn là một tác phẩm mượt mà về mặt kỹ thuật như người xem thường trông đợi ở một tác phẩm của David Fincher, còn cách kể chuyện rất khó theo dõi. Xem xong bộ phim, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng nếu không phải là hãng Netflix với nguồn tài chính dồi dào và mong muốn thu hút các nhà làm phim thượng hạng, David Fincher khó lòng kiếm được nhà đầu tư nào khác cho tác phẩm kén người xem này.
Việc Mank được quay và dựng theo phong cách Hollywood thời kỳ hoàng kim vốn phù hợp hơn với các diễn viên chủ yếu diễn cương và thậm xưng - trường phái diễn xuất chủ đạo của Hollywood cho đến trước thập niên 1960.
Điều đó làm khó các diễn viên đầy thực lực của dự án. Họ vốn có thừa tài năng, nhưng luôn tuân thủ phong cách diễn nhập vai, hoá thân hoàn toàn vào nhân vật. Đây là phong cách du nhập vào kinh đô điện ảnh trong giai đoạn chuyển giao giữa Hollywood cổ điển (cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960) và giai đoạn New Hollywood (từ nửa cuổi thập niên 1960).
Amanda Seyfried tỏa sáng trong vai minh tinh Marion Davies. |
Theo đó, cả Gary Oldman và các bạn diễn của ông như Lily Collins (vai Rita Alexander - trợ lý kiêm thư ký của Herman Mankiewicz) hay Tom Burke (vai Orson Welles) không thực sự để lại quá nhiều ấn tượng trong lòng khán giả.
Điểm sáng gần như duy nhất trong mảng diễn xuất của Mank đến từ Amanda Seyfried - người vào vai Marion Davies xinh đẹp, hơi ngờ nghệch, nhưng chưa bao giờ hết quan tâm đến những ai cô yêu quý. Cách tạo hình và vẻ đẹp có chiều sâu ăn hình của Seyfried giúp người xem hiểu được phần nào lý do một nhà tài phiệt thừa sức thay đổi cục diện chính trị nước Mỹ như William Randolph Hearst lại chịu làm mọi thứ để “mua lấy niềm vui” của cô bồ nhí.
Đằng sau ánh hào quang
Đằng sau sự thô ráp một cách có chủ đích của Mank, người yêu điện ảnh, đặc biệt là những ai từng tìm hiểu lịch sử Hollywood giai đoạn hoàng kim những năm 1930, 1940, chắc chắn cảm nhận được sự hoài niệm và ưu tư mà David Fincher dành cho Hollywood trong quá khứ và hiện tại thông qua hình ảnh Herman Mankiewicz phải lần theo từng sợi chỉ ký ức để lấy cảm hứng cho kịch bản Citizen Kane.
Hollywood trong Mank là thế giới điện ảnh đang ở thời kỳ đỉnh cao với “nhiều ngôi sao hơn cả sao trên trời”, với những nhà sản xuất một năm có thể thực hiện cả chục bộ phim kinh phí lớn, và tất nhiên là với những tác phẩm điện ảnh để đời như The Wizard of Oz (1939), Gone with the Wind (1939), Citizen Kane (1941), Casablanca (1942)... Chúng là nguồn vui, là niềm hy vọng của người dân xứ sở cờ hoa trong những năm tháng Đại khủng hoảng, và sau đó là chiến tranh thế giới.
Bộ phim vén màn không ít góc khuất của Hollywood thời kỳ hoàng kim. |
Nhưng trong con mắt lãng tử nhưng không kém phần cay nghiệt của Herman Mankiewicz, ánh hào quang của kỷ nguyên hoàng kim Hollywood chẳng qua chỉ là một người khổng lồ với đôi chân bằng đất sét, được dựng lên bởi túi tiền không đáy của đám ông chủ muốn lợi dụng niềm tin của người xem vào phim ảnh để thu lời và tạo ảnh hưởng như William Randolph Hearst.
Và đằng sau những tên tuổi đã đi vào huyền thoại Hollywood năm xưa là vô số toan tính, dối trá, bi kịch chẳng thể nào hoá giải, như chính cuộc đời tưởng chừng đầy danh vọng nhưng chẳng thiếu những giấc mơ lỡ dở cho đến tận giờ phút nhắm mắt xuôi tay của Charles Foster Kane.
Khi đọc nhiều về Hollywood và những gương mặt điện ảnh thời kỳ hoàng kim này, càng xem nhiều tác phẩm kinh điển mà giới làm phim thập niên 1930, 1940 đem đến cho điện ảnh thế giới, công chúng mới cảm nhận được rằng Mank không hề vụng về hay thô kệch. Trái lại, thông qua tác phẩm mới nhất, David Fincher đã thể hiện sự trân trọng, trau chuốt đến tối đa với kịch bản của người cha quá cố, với một Hollywood của quá khứ đã qua và không bao giờ quay trở lại.
Không khí đậm đặc về Hollywood buổi giao thời của Mank có lẽ sẽ khiến không ít khán giả liên tưởng tới một tác phẩm xuất sắc khác cũng về bi kịch của những diễn viên, những nhà làm điện ảnh kiểu cũ trong giai đoạn chuyển giao: bộ phim Sunset Boulevard (1950) của Billy Wilder.
Phần nào đó, David Fincher chưa đẩy nhịp phim và kịch tính của Mank lên được ngang bằng với những bí mật và nút thắt mở của Sunset Boulevard. Nhưng bộ phim của Fincher có lẽ lại nhỉnh hơn tuyệt phẩm của Billy Wilder ở sự gắn bó không rõ là vô tình hay cố ý giữa Mank với thực tại của Hollywood và thế giới hiện tại.
Cảm giác cuối cùng mà Mank đem lại là sự nuối tiếc cho Hollywood. |
Hollywood của hiện tại đang bị kẹt giữa một bên là khẩu hiệu nghệ thuật vị nghệ thuật, với một bên là đòi hỏi của những nhà hoạt động xã hội về việc kinh đô điện ảnh phải cùng tranh đấu chống tin giả trong bầu cử và chính trị, phải cùng cất lên tiếng nói đòi bình quyền cho người da màu, phải đề cao bình đẳng giới...
Và tệ hơn nữa, trong một năm Trái Đất “ngừng quay” vì đại dịch Covid-19, Hollywood chính là một trong những cái tên bị thiệt hại nặng nề nhất với vô số dự án phải ngừng quay hoặc thậm chí huỷ bỏ, với hàng loạt rạp phim vang bóng một thời phải tuyên bố đóng cửa, phá sản do không được phép đón khán giả và nhường miếng bánh trên thị trường cho các kênh chiếu phim trực tuyến.
Giữa bối cảnh ấy, Mank còn đem tới cho người xem cảm giác nuối tiếc với Hollywood thời kỳ tiền Covid-19, khi các ngôi sao xuất hiện liên tiếp trên màn ảnh, khi người xem luôn khấp khởi ra rạp với niềm tin sẽ được thưởng thức một bộ phim hay, khi mỗi mùa trao giải điện ảnh lại xuất hiện những cuộc tranh cãi không dứt về việc tác phẩm nào sẽ giành tượng vàng Oscar cuối cùng.
Cũng giống như niềm tin mãnh liệt của Herman Mankiewicz và Orson Welles trong Mank về thành công của Citizen Kane, chúng ta chỉ có thể hy vọng rằng sẽ rất sớm đây thôi, Trái Đất và Hollywood sẽ thoát khỏi thảm hoạ dịch bệnh, để khán giả có thể thoải mái ra rạp với niềm đam mê cho bộ môn nghệ thuật thứ bảy.