Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mạo danh công an, lừa hàng nghìn tỷ

Trong 6 tháng đầu năm, công an cả nước tiếp nhận hơn 770 trình báo của người bị lừa qua điện thoại với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Con số trên vừa được Bộ Công an đưa ra để cảnh báo người dân cảnh giác trước các cuộc điện thoại của người lạ tự xưng là cán bộ của các cơ quan tố tụng.

Theo Bộ Công an, kẻ lừa đảo thường sử dụng công nghệ cao để ẩn danh dưới số điện thoại giống số liên lạc công khai của cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án hay bưu điện.

Khi gọi điện cho bị hại, kẻ xấu thông báo cho nạn nhân việc họ bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án. Sau đó, kẻ gian đe dọa sẽ bắt giam nạn nhân và yêu cầu họ chuyển tiền.

Bị hại của các vụ lừa tiền đa phần là phụ nữ và người trên 60 tuổi. Ngoài ra, cũng có nạn nhân là cán bộ Nhà nước. Nhiều người bảo mật thông tin kém, lo sợ bị mất uy tín nên không trình báo công an.

Bộ Công an cho biết sau khi mạo danh cơ quan tố tụng để gọi điện, kẻ gian thường yêu cầu bị hại không kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, để nạn nhân không trình báo cho cơ quan chức năng.

Nhà chức trách khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các cuộc gọi có nội dung thông báo việc điều tra vụ án qua điện thoại. Ngoài ra, người dân nên từ chối các cuộc gọi yêu cầu nhận tiền, bưu phẩm của kẻ giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm.

Đặc biệt, người nghe điện thoại không nên đưa thông tin cá nhân, số điện thoại, OTP cho bất kỳ người lạ nào. Khi thấy tin nhắn hỏi vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền qua mạng xã hội, người dân không nên làm theo.

Nếu nhận được cuộc gọi nghi ngờ có hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần thông báo cho công an nơi gần nhất.

Gia cong an lua dao anh 1

Bộ Công an chỉ cách phát hiện cảnh sát giả

Thiếu tướng Tô Ân Xô khẳng định công an khi khám xét hoặc đọc lệnh bắt sẽ có cán bộ VKS và công an, chính quyền sở tại đi cùng.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm