Chân đèo Cả giáp ranh hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên hửng nắng sau 3 ngày bão số 12 quét qua xóm chài nghèo Vũng Rô (xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, Phú Yên).
"Mất sạch rồi"
Tại bãi Chánh, bãi Hương dưới chân đèo Cả, hàng trăm người dân tập trung chuyển những thanh gỗ, lưới, thép, thùng phi ra gia cố những chiếc bè hư hỏng còn sót lại do bão.
Vẫn còn bần thần trên bãi biển, chị Lê Thị Nở mắt đỏ hoe khi nhắc lại khối tài sản hơn 2 tỷ đồng bỗng dưng mất trắng chỉ vài giờ sau khi cơn bão số 12 quét qua.
Hai vợ chồng chị sinh ra và lớn lên ở vùng làng chài huyện Đông Hòa, có hơn 10 năm đầu tư nuôi tôm hùm, cá bớp, mú, chim.
Đau, tiếc nhưng phải cố gượng dậy, làm lại để trả nợ
Chị Lê Thị Nở
“45 lồng tôm hùm, cá bớp, cá mú gần thu hoạch trị giá hơn 2 tỷ đồng mất sạch hết rồi anh ơi. Hai vợ chồng vay ngân hàng chưa trả nợ xong, giờ mất hết, không biết xoay đâu ra để trả nợ và làm ăn tiếp. Hôm qua, hai vợ chồng phải đi vay tiền khắp nơi để mua đồ sửa lại lồng, bè”, chị Nở chia sẻ.
Chị Nở kể trước khi bão vào, trong xóm không ai nghĩ gió lại mạnh như vậy. Bè nào cũng có người ở lại canh, không chịu rời khỏi lồng vì Vũng Rô mấy chục năm nay chưa bao giờ có gió lớn. Sáng 4/11, khi gió bắt đầu nổi lên, nhiều người phải nhảy xuống biển ôm phao bơi vào nhưng cũng có nhà quyết tâm ở lại giữ. Đó là tất cả tài sản của gia đình, tôm cá mất xem như mất sạch.
“Khóc, đau, tiếc nhưng rồi cũng phải cố gắng gượng làm lại để trả nợ ngân hàng gần 1 tỷ cả gốc lẫn lãi. Và cũng chỉ biết nuôi tôm, nuôi cá ở Vũng Rô chứ có biết làm gì đâu”, chị Nở nói. Dì Bốn, mẹ ruột chị Nở cũng nấc nghẹn, xót cho 4 cái lồng tôm 2 vợ chồng già nuôi thì ít mà thương cho tài sản của con gái thì nhiều.
"Hai vợ chồng tôi tích góp nuôi 5 lồng tôm hùm, giờ chìm 4 lồng hơn 300 triệu. Dù ít so với hàng xóm nhưng đó cũng là tất cả những gì 2 vợ chồng già có", bà Bốn nói.
Dì Bốn (ảnh lớn trên) đau xót khi khối tài sản của gia đình mình trôi hết ra biển sau bão số 12. Ảnh dưới bên phải, ngư dân chuyển gỗ ra biển để làm lại bè, lồng nuôi hải sản. Ảnh: Phước Tuần. |
Cạnh bãi tập kết tàu, anh Lê Văn Sỹ tất bật chuyển những thanh gỗ xuống thuyền để chuẩn bị ra sửa lại lồng tôm hùm. Anh ngồi nghỉ, hút điếu thuốc và nhìn về phía những lồng bè tan nát do bão đánh chìm. Anh vẫn chưa tin được toàn bộ lồng bè của mình đã mất trắng.
Anh Sỹ quê ở Huế theo gia đình vào Bà Rịa - Vũng Tàu sống từ nhỏ, sau đó về Vũng Rô định cư hơn 20 năm nay. Đợt bão vừa rồi, gia đình anh là một trong những hộ thiệt hại nặng nhất tại khu vực bãi Chánh, dưới chân đèo Cả, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.
Chị Lê Thị Nở đứng bần thần trước hiên nhà. Ảnh: Phước Tuần. |
“Tôi mất hơn 80 lồng hải sản, chủ yếu là tôm hùm trị giá hơn 10 tỷ đồng. Số vốn đó là tiền vay ngân hàng và vốn hai vợ chồng tích góp. Hàng năm có thời điểm tôm chết, cá mất mùa, rớt giá nhưng chưa bao giờ mất nhiều như năm nay. Giờ cứ cố nghĩ 'của đi thay người', hai vợ chồng cố gắng từ từ gầy dựng lại", anh Sỹ nói.
Tình cảnh trắng tay của chị Nở, anh Sỹ cũng là của người dân các làng chài ven biển hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên. Anh Nguyễn Văn Thể (xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu) đau xót khi hơn 80 lồng tôm hùm sắp thu hoạch của gia đình bị sóng đánh chìm, tôm trôi hết ra biển.
“Chỉ còn hơn một tháng nữa là tới ngày thu hoạch tôm rồi, tính sơ cũng thu được gần 2 tỷ. Tôi định sau khi thu hoạch sẽ trả nợ ngân hàng, cửa hàng thức ăn hải sản, còn dư ít thì mang đầu tư lồng bè mới và sửa cái nhà đón Tết. Thế mà giờ này mất trắng”, ông Thể nghẹn ngào.
Gượng dậy sau bão
Bãi Hương (vịnh Vũng Rô) sáng 7/11 vẫn còn hoang tàn, những chiếc lồng nuôi tôm bị sóng đánh chìm, dạt vào bờ nằm la liệt. Gặp chúng tôi, bà Ngô Thị Hiệp (45 tuổi) đang chuẩn bị lên thuyền ra thu gom, sửa chữa lại lồng bè của gia đình.
“Giờ nhớ lại tôi còn bàng hoàng. Gia đình tôi có 32 lồng tôm hùm thịt, 1 lồng có 150 con, sắp thu hoạch với trị giá hơn 1,2 tỷ đồng. Do gia đình mới đầu tư vài năm nên tiền vốn chủ yếu đi vay ngân hàng. Giờ mất sạch, hai vợ chồng phải cố đi vay mượn khắp nơi để mua vật liệu sửa chữa lại lồng bè”, bà Hiệp chia sẻ.
Sau cơn bão số 12, người dân ven biển miền Trung bắt đầu sửa chữa lồng bè cho một mùa vụ mới. Ảnh: Phước Tuần. |
Bà Hiệp kể hôm nghe tin bão, cả nhà gồm hai vợ chồng và 2 đứa con trai ở ngoài bè giữ tôm. Cứ tưởng bão vào Khánh Hòa - Ninh Thuận, nên tối đó hàng xóm ở trên bè đông lắm. Khi bão vào, gió mạnh, nhiều người nhảy xuống biển bơi vào nhưng gia đình tôi quyết tâm trụ lại. Tôm mất thì mất hết, nợ nần, không dám bỏ.
Dù bị thiệt hại nặng nề, đối diện nợ nần khi không có khả năng trả, người dân vùng tôm hùm Vũng Rô (Phú Yên) vẫn quyết tâm làm lại, gầy dựng cơ nghiệp lần nữa. Có người 1-2 tỷ là cả gia tài lớn, mấy chục năm mới tích cóp được nhưng với sự lạc quan, họ tin sẽ làm được.
Sau bão, nhìn mấy lồng tôm là ứa nước mắt.
Bà Ngô Thị Hiệp
Bà Ngô Thị Hiệp nói: “Sau bão, mỗi lần nhìn mấy lồng tôm là ứa nước mắt. Đó là thiên tai, mấy chục năm mới có 1 lần, đành phải chịu thôi. Giờ vay mượn làm lại từ từ, rồi cũng trả hết nợ chứ biết sao”.
Anh Sỹ cũng nói thiệt hại lần này vô cùng lớn, có gia đình mất trắng, có thể không gầy dựng lại vì nợ nần. Nhưng bão qua, bà con lại tất bật giúp nhau, chia sẻ và làm lại từ đầu. Chỉ mong Nhà nước có chính sách cho ngư dân vay vốn ưu đãi sau bão.
Trong cái nắng hanh hao sáng 7/11, hàng chục hộ dân ở xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) và xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa, Phú Yên) tất bật chuyển gỗ, thép, lưới xuống thuyền ra sửa chữa lại bè lồng. Bão đã đi qua, tài sản mất trắng nhưng người dân miền Trung vẫn gắng gượng, làm lại từ đầu.
Theo thống kê của UBND tỉnh Phú Yên, đại phương này có hàng nghìn lồng bè nuôi tôm hùm, cá, hải sản của ngư dân ở Vũng Rô, Xuân Đài, Ho bị bão số 12 đánh chìm.
Dọc bờ biển huyện Vạn Ninh, hơn 1.000 hộ nuôi hải sản lâm vào cảnh tương tự. Gia đình nuôi nhiều thì mất hơn 10 tỷ đồng, ít cũng 1-2 tỷ đồng, có gia đình đó là toàn bộ cả gia tài tích góp cả mấy chục năm mới có được.