Ngày 12/6 vừa qua, trong lúc đang đi làm, ông Huỳnh Văn Ánh (57 tuổi), một Việt kiều đang sinh sống tại Sydney (tiểu bang New South Wales, Australia) nhận được tin nhắn từ chủ tài khoản Facebook "Thuy Pham" của người tên Thủy cũng là Việt kiều đang sinh sống cùng tiểu bang.
Sau vài câu xã giao hỏi thăm, Facebook "Thuy Pham" nhắn với ông Ánh rằng mình có người thân ở Việt Nam đang cần tiền gấp để chữa bệnh, nhưng chưa chuyển tiền về được. Vì vậy, chủ tài khoản này nhờ ông Ánh nói người nhà bên Việt Nam chuyển gấp 15 triệu đồng vào số tài khoản Lê Minh Ngọc, số tài khoản 060269515131 tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín. "Thuy Pham" còn cam kết với ông Ánh "tối đi làm về sẽ chuyển trả lại tiền".
Sau khi đọc được tin nhắn, không chút nghi ngờ gì, ông Ánh gọi điện về Việt Nam cho người cháu ruột đang sinh sống tại phường Thuận An, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Tiếp đó, ông Ánh chụp lại "lệnh gửi tiền thành công" và gửi qua messenger cho Facebook "Thuy Pham" nhưng không liên lạc được. Ngay lúc đó, ông gọi điện thoại trực tiếp vào số di động cho bà Thủy, thì bà Thủy bất ngờ nói không hề biết sự việc... Lúc này, ông Ánh mới tá hỏa biết mình bị lừa, bà Thủy mới biết Facebook của mình vừa bị kẻ xấu hack.
Nguyễn Nhật Tân (phải, trú tỉnh Quảng Trị) bị Công an TP Huế bắt giữ vào đầu tháng 2/2023 sau khi hack Facebook, sử dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo. |
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo CAND, ông Ánh cho biết trong quá trình tài khoản Facebook "Thuy Pham" nhắn tin cho ông để nhờ người thân ở Việt Nam chuyển tiền vào tài khoản, thì có cuộc gọi hình ảnh đến, có hiện lên mặt bà Thủy nên ông hoàn toàn tin tưởng. Qua tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ông Ánh mà vừa qua, cũng có một số Việt kiều cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự.
Hầu hết, các nghi phạm sau khi hack Facebook thường đánh vào tâm lý, ở quê nhà, người thân bên vợ (hoặc bên chồng) đang bị bệnh nằm cấp cứu cần tiền gấp để phẫu thuật hoặc là bị tai nạn nghiêm trọng phải có tiền để nhập viện. Những người Việt kiều xa nhà nghe vậy rất lo lắng, hoang mang, nên gọi về nhờ người thân ở Việt Nam chuyển gấp…
Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự Công an TP Huế, cho biết thời gian gần đây, Công an TP Huế đã tiếp nhận được nhiều đơn thư trình báo của các bị hại ở Thừa Thiên - Huế có người thân đang sinh sống ở nước ngoài trình báo về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các nghi phạm hack Facebook. Mới đây, bà Dương Thị Thanh H. (trú phường Gia Hội, TP Huế) trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 500 triệu đồng.
Cụ thể, Facebook "B.L" của bà Nguyễn Thị B. - là người thân của chị H. đang sinh sống tại bang Florida (Mỹ) - nhắn tin qua messenger với bà H. hỏi thăm, chuyện trò. Sau đó, tài khoản này nhắn tin với bà H. cần chuyển tiền gấp cho người thân bên thông gia đang bị tai nạn cấp cứu, nên đưa số tài khoản nhờ bà H. chuyển tiền gấp và sẽ gửi về trả lại bà H. sau. Ngay sau đó, bà H. nhiều lần chuyển tiền, với tổng số tiền gần 500 triệu đồng vào tài khoản VIB của Lê Anh Quân theo số tài khoản 777334336 theo đề nghị mượn tiền từ tài khoản Facebook "B.L".
Trước đó, cuối tháng 3, bà N.T.M.L. (trú đường Phan Bội Châu, phường Vĩnh Ninh, TP Huế) là cán bộ hưu trí cũng đến Công an TP Huế trình báo bị lừa số tiền 70 triệu đồng. Theo bà L, con trai bà là Ngô Nhật H đang ở Nhật. Hôm đó, "con trai" gọi video nhưng do bà không kịp nghe máy và có nhắn tin qua lại với bà. Sau đó, bà L. gọi lại, thì "con trai" chỉ nhắn: "Con đang bận, có gì nhắn tin". Khi bà nhắn tin thì "con trai" trả lời: "Chiều nay bạn con đưa tiền cho con rồi. Giờ mẹ chuyển tiền cho bạn con, bạn con đang cần gấp". Sau đó, bà L. hỏi tài khoản, thì "con trai" nhắn tài khoản tên Phạm Thùy Linh, số tài khoản 58110001524128 Ngân hàng BIDV.
Sau đó, bà đã 2 lần chuyển vào tài khoản vừa kể với số tiền 70 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền, bà gọi điện vào Facebook H. thì không được. Đến khi gọi điện thoại cho con trai, thì mới biết mình bị lừa. Theo trung tá Lê Ngọc Minh, sau khi hack Facebook, các nghi phạm nghiên cứu kỹ từng cuộc hội thoại, từng dòng tin nhắn giữa mối quan hệ của chủ tài khoản bị hack Facebook với những người thân.
Thậm chí, các nghi phạm đã biết được trước đó, giữa những người này từng có nhắn tin nội dung mượn tiền. Sau khi nghiên cứu kỹ càng, nghi phạm giả vờ là chủ tài khoản Facebook để nhắn tin với người thân, bạn bè để mượn tiền cho người thân ở Việt Nam đang cấp cứu cần phẫu thuật, chữa bệnh, nộp tiền đi du học… rồi sau đó chiếm đoạt.
Lý giải về việc nhiều bị hại thắc mắc vì sao nghi phạm lừa đảo lại gọi điện và có hiện lên hình ảnh của chính chủ tài khoản Facebook, lực lượng nghiệp vụ công an cho biết sau khi hack Facebook, các nghi phạm đã dùng công nghệ Deepfake gọi video call đến người thân của bị hại để mượn tiền rồi chiếm đoạt. Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ công nghệ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt như: Mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thật đến kinh ngạc.
Đặc điểm chung của những cuộc gọi video như vậy thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn giống như cuộc gọi video trong khu vực sóng wifi yếu để nạn nhân khó phân biệt thật, giả. Với chiêu thức dùng công nghệ Deepfake, vừa qua, nhiều bị hại ở TP Huế bị các nghi phạm giả thông tin là người nhà đang cấp cứu ở bệnh viện và đã lừa đảo số tiền lớn… Cũng không ít nghi phạm lừa đảo đã sa lưới công an.
Cơ quan công an khuyến cáo khi nhận được cuộc gọi video nghi ngờ là sử dụng Deepfake, người dùng cần bình tĩnh kiểm tra thông tin và tốt nhất tìm cách liên lạc trực tiếp với chủ tài khoản vừa gọi video để xác nhận thông tin.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…