Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mất tiền vì trúng bẫy hàng giá rẻ trên mạng xã hội

Do tin tưởng, chủ quan cùng tâm lý ham mua hàng giá rẻ, nhiều người mua hàng tại Thừa Thiên Huế đã chuyển khoản tiền đặt cọc cho các đối tượng, sau đó bị lừa mất tiền.

Đơn cử như trường hợp chị H.P. (SN 1998, trú ở TP Huế). Trình báo đến Công an TP Huế và Công an tỉnh Thừa Thiên Huế về sự việc bị lừa gần 30 triệu đồng khi đặt mua ĐTDĐ iPhone 16 Pro Max, chị P. cho biết, qua một người quen giới thiệu, chị biết được một chủ tài khoản ở TP.HCM bán iPhone 16 giá rẻ hơn các cửa hàng điện thoại chính hãng nên đã kết bạn và hỏi mua sản phẩm này.

“Người này giới thiệu đang làm bác sĩ tại một bệnh viện, có sẵn hàng iPhone 16 Pro Max do người thân đưa từ nước ngoài về nên giá rẻ hơn ở Việt Nam. Vì tin tưởng nên trong ngày 24/10, tôi đã 3 lần chuyển khoản cho đối tượng này với tổng số tiền 29 triệu đồng. Tuy nhiên sau vài giờ chuyển khoản, khi tôi hỏi sản phẩm và hỏi thời gian giao hàng thì người này chặn, số điện thoại cũng không liên lạc được”, chị P kể thêm.

Tương tự, do bận rộn với thời gian làm việc ở một công ty, chị Nguyễn N.M. (ở TP Huế) thường xuyên vào các trang bán hàng trên mạng internet để đặt hàng mua sản phẩm nhằm giảm thời gian đi lại. Mới đây, sau khi chuyển tiền đặt cọc 5 triệu đồng để mua sản phẩm robot lau nhà, hút bụi có giá gần 15 triệu đồng được quảng cáo qua mạng, chị M đã bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

trung bay,  hang gia re anh 1

Cơ quan Công an lấy lời khai Phan Nguyễn Phước Duy, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet.

“Sau khi đặt hàng, tôi chuyển khoản tiền đặt cọc theo yêu cầu của người bán hàng. Tôi nghĩ đặt cọc 1/3 giá tiền sản phẩm là hợp lý nên đã chuyển khoản vào số tài khoản ngân hàng do người này cung cấp. Tuy nhiên, sau 3 ngày không thấy hàng được chuyển về theo cam kết, nghi ngờ nên tôi truy cập vào trang bán hàng qua mạng này thì đường link này đã bị xóa, gọi điện thoại theo số máy mà người bán hàng cung cấp trước đó thì không thể liên lạc được”, chị M bức xúc kể lại.

Sau khi nhận được đơn thư trình báo của người dân, hiện Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đang xác minh thông tin, điều tra các vụ lừa đảo kể trên. Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an TP Huế, cho biết ngoài trường hợp chị P và chị M kể trên, thời gian gần đây còn có nhiều người dân ở địa phương trình báo bị lừa đảo qua mạng Internet. Thủ đoạn chính của các đối tượng lừa đảo là đánh vào tâm lý những người thích mua hàng hóa giá rẻ, mua hàng tiện lợi qua các kênh bán hàng online rồi sau đó giăng bẫy lừa chiếm đoạt tiền đặt cọc.

Ngoài ra thông qua mạng xã hội, các đối tượng tiếp cận với các đơn vị doanh nghiệp, cửa hàng và yêu cầu mua hàng với số lượng lớn, sau đó đề nghị chuyển khoản theo hình thức Internet banking cho người bán hàng. Tuy nhiên trên thực tế, các đối tượng không thực hiện chuyển tiền như cam kết mà sử dụng phần mềm tạo hóa đơn ngân hàng giả và gửi cho người bán hàng để thực hiện mục đích lừa đảo. Qua công tác điều tra cho thấy, phần lớn các vụ việc vẫn là do người dân mất cảnh giác và thiếu hiểu biết về hoạt động, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng tội phạm.

“Từ thực tiễn công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tại địa bàn, đơn vị đã rút ra một số phương thức, thủ đoạn chính của tội phạm lừa đảo qua mạng, kể cả thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc người mua hàng online. Từ đó có biện pháp tuyên truyền rộng rãi để người dân ở các khu dân cư và cán bộ, công nhân viên chức, người lao động tại các đơn vị, công sở, doanh nghiệp đóng trên địa bàn nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh sập bẫy lừa của các đối tượng”, Trung tá Lê Ngọc Minh cho hay.

Hiện hoạt động của các đối tượng tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet rất chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể khiến công tác điều tra của cơ quan Công an gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tinh thần kiên quyết tấn công, trấn áp mạnh loại tội phạm này nên thời gian qua, Phòng CSHS; Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Công an các địa phương ở địa bàn tỉnh đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng, triệt xóa các băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet.

Như mới đây, Phòng CSHS Công an tỉnh Thừa Thiên Huế bắt giữ Trần Nhật Sang (SN 2004); Trần Nhật Quang (SN 2005); Võ Tá Thịnh (SN 2004); Phan Nguyễn Phước Duy (SN 2004, trú tại TP Huế) cùng 3 đối tượng khác thuê 2 căn hộ tại chung cư Vicoland và chung cư Xuân Phú (phường Xuân Phú, TP Huế) để sử dụng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet chiếm đoạt tài sản của người khác.

Qua điều tra cơ quan Công an xác định nhóm đối tượng trên đã thực hiện chiếm đoạt tiền của hơn 200 người tại nhiều địa phương trên cả nước bằng cách chiếm quyền đăng nhập tài khoản Facebook để lừa đảo. Số tiền chiếm đoạt từ 1 đến 30 triệu đồng/người, tổng số nhóm đối tượng chiếm đoạt trên 3 tỷ đồng.

Đại tá Nguyễn Đình Thừa, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Ngoài sự vào cuộc tích cực của cơ quan Công an thì UBND các cấp, các Sở, ban, ngành và các cơ quan báo chí cần tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên phổ biến phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao để người dân cảnh giác.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động đăng ký, mở tài khoản, siết chặt đăng ký ví điện tử, liên kết tài khoản ngân hàng giao dịch để đảm bảo an toàn thông tin, xác thực thông tin khách hàng. Hướng dẫn người dân chủ động hơn trong xác minh, kiểm tra thông tin trước khi giao dịch, chuyển tiền. Đồng thời yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tiếp tục tấn công, trấn áp mạnh tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để kịp thời ngăn chặn các vụ việc lừa đảo.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.

https://cand.com.vn/Ban-tin-113/mat-tien-vi-trung-bay-hang-gia-re-tren-mang-xa-hoi-i748332/

Anh Khoa/Công an Nhân dân

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm