Theo một luận án được công bố bởi Park Sung-jae, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Lao động Hàn Quốc, số người tham gia thi công chức tại nước này ngày càng lớn, Korea Bizwire đưa tin.
Năm 2015, có 218.000 người tham gia thi công chức. Con số này đã tăng lên thành 279.000 người vào năm 2021, chiếm 33,7% tổng số người chuẩn bị cho các cuộc thi tuyển dụng việc làm.
Các thí sinh tham gia một kỳ thi công chức tại Seoul vào đầu năm 2022. |
Hàn Quốc vốn nổi tiếng là quốc gia có kỳ thi công chức khắc nghiệt. Noryangjin (Seoul) còn được biết đến với cái tên "làng thi cử", nơi có hàng nghìn sĩ tử tựu về để chuẩn bị thi tuyển công chức.
Ở đây, hàng chục trung tâm luyện thi dành cho nhóm gongshisaeng - từ ghép giữa gongmuwwon (công chức), siheom (kiểm tra) và haksaeng (sinh viên) trong tiếng Hàn.
Dữ liệu từ Bộ Quản lý Cán bộ Hàn Quốc (MPM) cho thấy năm nay có 165.524 người đăng ký tham gia kỳ thi công chức, dẫn đến tỷ lệ cạnh tranh là 29,2:1. Trong khi đó, vào những năm trước, tỷ lệ này là 35:1 (2021), 37,2:1 (2020), 39,2:1 (2019) và thậm chí là 41:1 (2018).
Dựa trên khảo sát 3.135 sinh viên tốt nghiệp đại học thuộc nhóm thanh niên của Cơ quan Thông tin Việc làm Hàn Quốc, nghiên cứu chỉ ra có 643 người chuẩn bị cho kỳ thi công chức và 103 người vượt qua kỳ thi.
Tại các tỉnh Jeolla và Gyeongsang, nơi cơ hội việc làm thường kém hơn ở khu vực đô thị, tỷ lệ người tốt nghiệp đại học tham gia thi lên công chức cao hơn.
Seoul là nơi tập trung nhiều trường luyện thi công chức. Ảnh: Yonhap. |
Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra thất bại trong kỳ thi công chức có tác động xấu đến chất lượng việc làm trong tương lai của các thí sinh.
Sau khi dành thời gian để luyện thi công chức, những người này đánh mất cơ hội cạnh tranh trong thị trường việc làm.
Ba năm sau khi tốt nghiệp đại học, mức lương theo giờ của người trượt kỳ thi công chức thấp hơn 5,6% so với người không có kinh nghiệm. Mức chênh lệch này tăng lên 12,1% sau 5 năm tốt nghiệp.
"Với cấu trúc thị trường lao động và nguồn cung việc làm thấp hơn nhu cầu, vị trí ở những công việc chất lượng cao nhanh chóng được lấp đầy. Tham gia thị trường sau khi mất thời gian cho ôn thi công chức sẽ khiến họ chỉ còn lại những việc làm chất lượng thấp hơn", Park nói.
Thực tế, nhiều người trẻ đang đổ số tiền lớn để chuẩn bị thi vào nhà nước, nhưng ngay cả khi được nhận vào, họ cũng không thể kiếm lại được số tiền tương xứng.
Seol Dong-hoon, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Jeonbuk, cho hay: "Từ xưa, giới trẻ Hàn Quốc thèm muốn trở thành công chức bởi công việc này có mức lương hưu hậu hĩnh. Nhưng từ 2015, sau chính sách cải cách lương hưu, chế độ hưu trí không còn hấp dẫn nữa và có lẽ vì thế mà nhiều người chán nản".
Kết quả nghiên cứu trên cho thấy cần có những chính sách để kìm chế cơn sốt thi công chức, nhằm giảm thiệt hại đối với lực lượng lao động trong tương lai.