Trong nhiều thập kỷ, khu vực Truy Bác, thuộc tỉnh Sơn Đông, chủ yếu được biết đến là thành phố công nghiệp quy mô nhỏ, với nhiều nhà máy hóa dầu, dệt may và đồ sứ, The Economist đưa tin.
Cho đến gần đây, kể từ tháng 3, một loạt video về món thịt nướng ở nơi này xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng xã hội, biến Truy Bác thành địa điểm nổi tiếng toàn quốc. Đây hiện là điểm đến du lịch được quan tâm nhất ở Trung Quốc, với số lượng lớn khách trong nước đổ về.
Bloomberg Businessweek báo cáo rằng chỉ riêng trong tháng 3, hơn 4,8 triệu khách du lịch đã đến Truy Bác để thưởng thức đồ nướng, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP của thành phố đã tăng 4,7% trong quý I, chủ yếu nhờ bán lẻ, du lịch và ăn uống. Tiêu dùng tăng vọt 11%, đảo ngược mức giảm 2% của 2 tháng đầu năm.
Song, theo một số nhà đánh giá, sự vụt sáng trở thành trung tâm của “cơn sốt thịt nướng” quốc gia không hoàn toàn tích cực, ngược lại có thể phơi bày các vấn đề trong xã hội Trung Quốc.
Truy Bác được du khách quan tâm vì có mức chi tiêu hợp lý đối với số đông người dân. |
Phù hợp du lịch giá rẻ
Truy Bác hiện giờ có hàng trăm nhà hàng thịt nướng và quầy hàng ngoài trời. Vào cuối tuần, các hàng quán ở khu vực này đông nghịt khách từ các tỉnh khác kéo tới, sinh viên đại học tới quay video review, trải nghiệm.
Khách hàng ăn uống cạnh những chiếc bàn thấp với một chiếc bếp nhỏ, đốt nóng bằng than.
Khi dọn lên, người phục vụ sẽ mang ra những xiên thịt đã chín một nửa để khách tiếp tục nướng, rồi kẹp xiên vào bánh kếp, ăn kèm với lá hẹ, chấm với nước sốt tỏi ớt đặc trưng.
Đặc sản ở địa phương này được coi là "món ăn hoàn hảo" cho những người muốn đi chơi theo hướng tiết kiệm, đặc biệt với những người dân nóng lòng muốn du lịch hậu dịch bệnh nhưng túi tiền còn eo hẹp.
Một chai bia địa phương của thành phố, được gọi là Lulansha, có giá chưa đến 3 tệ (0,4 USD). Trung bình, một nhóm 4 người ăn uống trong nhiều giờ với chi phí dưới 350 nhân dân tệ.
Để giảm bớt những hạn chế về nguồn cung cấp thịt và vỉ nướng, các ngân hàng địa phương thậm chí bắt đầu cho vay lãi suất thấp, dành riêng cho những người buôn bán, làm dịch vụ liên quan đến thịt nướng.
Theo WhatsonWeibo, thành công bất ngờ của Truy Bác đến từ sự kết hợp nhiều yếu tố: văn hóa nướng thịt hấp dẫn của địa phương, dịch vụ tốt đi kèm với lòng hiếu khách của những người bán hàng, cùng với cơn sốt du lịch mùa xuân sau khi chính sách Zero Covid được dỡ bỏ.
Thêm vào đó là hoạt động tiếp thị thông minh của chính quyền thành phố, cộng hưởng với hiệu ứng truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội.
Sau đó, các kênh truyền thông của nhà nước tiếp tục thúc đẩy trào lưu đến Truy Bác ăn thịt nướng bằng cách nêu bật nơi này như một dấu hiệu cho sự phục hồi kinh tế sau dịch bệnh của ngành du lịch địa phương.
Xuất phát từ clip đánh giá của một nhóm sinh viên vào tháng 3, Truy Bác nhanh chóng tạo tiếng vang chưa từng có. |
Thổi phồng quá mức
Tuy nhiên, những món ăn giá rẻ này đã gây tranh cãi giữa các nhà bình luận xã hội.
Wu Xiaobo, một tác giả nổi tiếng, cho rằng sự nổi tiếng bất ngờ của Truy Bác không đến từ giá trị văn hóa thực sự của địa phương, mà do những trào lưu, xu hướng nhất thời được giới trẻ tò mò và lũ lượt theo đuổi.
Một bài báo khác của nhà nghiên cứu Wang Mingyuan đánh giá rằng “sự cường điệu quá mức” về thịt nướng là dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của một chu kỳ kinh tế kéo dài hàng thập kỷ.
Theo đó, các thành phố nhỏ nơi phần lớn dân số Trung Quốc sinh sống đã cạn kiệt các động lực tăng trưởng lớn hơn, khi dân số của đất nước già đi. Do đó, giới chức địa phương phải tận dụng bất cứ cơn sốt Internet nào đến với họ.
Chung quan điểm, Liu Yadong, giáo sư tại Đại học Nam Khai, cho rằng trước giờ Truy Bác chưa bao giờ được biết tới như một điểm đến du lịch với lịch sử và văn hóa ẩm thực lâu đời.
Giáo sư Liu lập luận rằng cơn sốt ở Truy Bác có thể dễ đến dễ đi, bởi sự quan tâm đang có trên mạng xã hội sớm muộn cũng sẽ nhường chỗ cho thứ mới mẻ khác.
Gót chân Achilles
Và danh tiếng về món nướng giá rẻ và sự thân thiện của người bán hàng cũng có thể chính là "gót chân Achilles" của thành phố, khi đa số đến Truy Bác với kỳ vọng cao.
Tháng 4, một nữ blogger tố cáo trên mạng một nhà hàng "chặt chém" giá bữa ăn của mình. Trước đó, khách hàng này dùng bánh trái và nước uống của nhà hàng thoải mái vì nghĩ đồ miễn phí. Tuy nhiên, tất cả đều được tính vào hóa đơn.
Du khách kéo đến với kỳ vọng Truy Bác đúng với những gì được review trên mạng, còn người bán hàng đang phải kiệt sức phục vụ. |
Kết cục, cơ sở thịt nướng này nhận được hàng nghìn cuộc điện thoại quấy rối và những bình luận lăng mạ.
Do lượng khách du lịch đổ đến quá đông, các chủ quán, nhân viên buộc phải làm việc hết công suất, còn cư dân địa phương thấy cuộc sống yên bình trước giờ bị đánh cắp.
Hôm 27/4, một chủ quán thậm chí quỳ xuống đất và liên tục xin lỗi nam thực khách. Nhân viên của quán cho biết người làm có hạn nên tiệm chỉ có thể phục vụ 200 lượt khách/ngày.
Đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Weibo cho thấy người đàn ông trung niên quỳ trên mặt đất và liên tục nói với một người đàn ông đang tức giận: "Tôi xin anh, xin hãy tha thứ cho tôi". Người đàn ông tức giận được cho là khách hàng số 201.
Nhân viên này cho biết: "Chủ và nhân viên trong tiệm ăn phải làm việc quá sức, chỉ ngủ 4 tiếng/ngày để cố gắng rút ngắn thời gian chờ đợi của khách hàng".
Yi Yang, một chủ cửa hàng khác ở Truy Bác, phải đóng cửa hàng, tạm ngưng kinh doanh do các fan tò mò kéo đến quá đông. Được chú ý trên mạng nhờ vẻ ngoài cơ bắp, gương mặt ưa nhìn, Yi hàng ngày phải đón tiếp một lượng lớn du khách tập trung bên ngoài quầy hàng, cố gắng chụp ảnh, quay video hoặc yêu cầu anh tạo dáng.
Những người này thường không mua ủng hộ, ngăn cản người có nhu cầu ăn thực sự và gây mất trật tự công cộng. Trước khi fan kéo đến, anh còn kiếm được 10.000 tệ/ngày (1.445 USD). Tuy nhiên, doanh thu sau đó chỉ còn khoảng 6.000 tệ.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.