Chị N.T.A.S (32 tuổi) khi sinh đứa con thứ hai thì gặp tai biến do nhau bám vết mổ cũ, gây băng huyết. Để cầm máu và cứu tính mạng S., các bác sĩ (BS) đã phải cắt tử cung chị. Từ đó cho đến khi đứa bé tròn 1 tuổi, S. vẫn chưa thể “gần gũi” ông xã như trước được vì cứ mỗi lần nhập cuộc, chị lại cảm thấy cơ thể mình không còn thích ứng. Cho rằng do việc mất tử cung đã khiến cơ thể thay đổi, không còn là một người đàn bà đúng nghĩa, chị S. mất ăn, mất ngủ và luôn bị ám ảnh về việc chồng sẽ có người phụ nữ khác.
Câu trả lời tích cực
Mãi mấy tháng sau, được chồng và mẹ ruột động viên, chị S. mới chịu tìm đến một bệnh viện (BV) phụ sản để khám. Tại phòng đợi, chị gặp một phụ nữ tên A., đã bước qua tuổi 40, vừa phải phẫu thuật cắt tử cung do bị u xơ.
Chị A. cũng gặp hoàn cảnh tương tự, luôn mặc cảm mình “không còn là đàn bà” sau cuộc phẫu thuật, dẫn đến những cuộc “yêu” cùng chồng ngày càng khó khăn. Do người chồng cùng tuổi còn rất phong độ nên chị cảm thấy rất lo lắng, sợ một ngày nào đó anh sẽ bỏ theo người khác.
Tư vấn cho một phụ nữ tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn. |
Tuy nhiên, cả 2 phụ nữ đều bất ngờ khi câu trả lời của vị BS tư vấn là: Ca phẫu thuật cắt tử cung thực ra không ảnh hưởng gì đến chất lượng quan hệ tình dục!
BS Ngô Thị Yên, Trưởng Khoa Kế hoạch hóa gia đình BV Từ Dũ (TP.HCM), giải thích: “Trước hết, cần biết rằng phụ nữ có tử cung và 2 buồng trứng. Khi có chỉ định cắt tử cung, BS sẽ xem xét việc có cần thiết cắt luôn buồng trứng không, bệnh lý phải mổ là gì, tình trạng hiện tại của 2 buồng trứng ra sao. Riêng về tử cung, đó là nơi chứa máu kinh và là nơi thai nhi phát triển khi còn trong bụng mẹ. Nếu chỉ cắt tử cung thì phụ nữ sau đó sẽ không có kinh hằng tháng và không thể mang thai. Các dấu hiệu sinh dục nữ khác như giọng nói, dáng đi, tính cách, suy nghĩ… hoàn toàn vẫn như trước đây. Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh rằng cắt tử cung không hề ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ tình dục”.
Theo BS Dương Phương Mai, Phó giám đốc y khoa BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, khi mất tử cung thì 2 buồng trứng vẫn sản xuất các nội tiết tố sinh dục cho cơ thể. Dù chỉ còn một buồng trứng thì buồng trứng còn lại vẫn có thể đảm nhận công việc cho cả 2. Những phụ nữ phải cắt một buồng trứng nhưng vẫn còn tử cung thì vẫn có thể mang thai.
“Nếu cắt cả 2 buồng trứng, cơ thể sẽ bị ảnh hưởng về nhiều mặt do thiếu hụt nội tiết tố, như giảm chất lượng quan hệ tình dục, loãng xương… Tuy nhiên, đừng quá lo lắng vì y học hiện đại vẫn có nhiều cách giải quyết, ví dụ hormone thay thế, giúp phụ nữ sau phẫu thuật vẫn giữ được sức khỏe và chất lượng sống”, BS Mai khẳng định.
“Tắt lửa” chủ yếu do tâm lý
Theo BS Mai, khá nhiều phụ nữ chỉ mất tử cung nhưng vẫn cảm thấy “tắt lửa” chủ yếu do nguyên nhân tâm lý. Họ lo lắng, căng thẳng vì nghĩ “cuộc yêu” sẽ không như trước, rằng cơ thể mình đã khác… Chính sự lo lắng đã ảnh hưởng đến chất lượng quan hệ tình dục chứ không phải do ca phẫu thuật trước đó. Tâm lý bất ổn, căng thẳng - không chỉ trong trường hợp sau phẫu thuật phụ khoa mà còn do lối sống, áp lực công việc, chuyện buồn riêng… - là một trong những nguyên nhân gây rối loạn tình dục đã được khoa học chứng minh.
Đối với nhóm phụ nữ đã bị cắt cả 2 buồng trứng và có những thay đổi về mặt cơ thể, ngoài biện pháp dùng hormone thay thế, BS Yên khuyên: “Nếu có tinh thần thoải mái và chế độ ăn uống, luyện tập phù hợp thì có thể vượt qua được các triệu chứng khó chịu. Trong trường hợp không thể tự giải tỏa tâm lý thì chị em nên đến gặp BS chuyên khoa để được tư vấn cụ thể hơn”.
BS Mai lưu ý thêm một số phụ nữ gặp những rắc rối khi trải qua cuộc phẫu thuật cắt tử cung, buồng trứng ở độ tuổi trung niên là do tuổi tác chứ chưa hẳn do phẫu thuật. Nhiều người lầm tưởng những biểu hiện của giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là những rắc rối phát sinh từ việc mất tử cung hay buồng trứng, dẫn đến lo âu, mặc cảm. Trong tình huống này, chị em nên gặp BS tư vấn để hiểu rõ nguyên nhân của những biến đổi cơ thể và có hướng giải quyết phù hợp.
Sinh con ngoạn mục
Cách đây không lâu, báo chí Việt Nam và thế giới đã đưa tin về một phụ nữ Thụy Điển không có tử cung (nhưng 2 buồng trứng vẫn hoạt động bình thường) đã sinh con sau khi được cấy ghép tử cung. Tại Việt Nam, dù kỹ thuật này chưa có nhưng với dự luật cho phép mang thai hộ thì trong thời gian tới, các phụ nữ trẻ bị mất tử cung do phẫu thuật trị u xơ hay tai biến sản khoa mà buồng trứng còn vẫn có thể có được đứa con của chính mình, thông qua kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và người mang thai hộ.