Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mẫu số chung trong các siêu phẩm của ‘thánh’ Nolan

Dù đa dạng về chủ đề, nội dung và cách thể hiện, các bộ phim của đạo diễn tài danh Christopher Nolan thường chia sẻ một số đặc điểm chung.

Trailer của bộ phim 'Tenet' Bom tấn khoa học viễn tưởng có kinh phí sản xuất gần 200 triệu USD của đạo diễn Christopher Nolan.

Christopher Nolan là một trong những nhà làm phim truyền cảm hứng, đột phá và tiên phong tại Hollywood trong thế kỷ XXI. Hơn 20 năm qua, các tác phẩm dưới bàn tay nhào nặn của ông thường thắng lớn tại phòng vé, cũng như được giới phê bình đánh giá cao và gây ra những cuộc bàn luận nhiều năm sau khi ra mắt.

Chùm tác phẩm của Nolan không chỉ cho thấy năng lực của vị đạo diễn người Anh trong việc thao túng tâm trí khán giả, cuốn họ vào những câu chuyện vừa phức tạp, vừa cuốn hút, mà còn tiết lộ cho khán giả những suy nghĩ ám ảnh trong sáng tác của ông, cũng như thói quen sử dụng các hình ảnh ẩn dụ, hay vài một diễn viên yêu thích.

Cách kể phi tuyến tính

Phá vỡ trình tự thời gian, và đảo lộn trật tự sự kiện là dấu ấn cốt lõi trong các tác phẩm của Christopher Nolan. Câu chuyện trong Following (1998), phim dài đầu tiên của Nolan kể về một nhà văn theo dấu những người lạ mặt trên phố, đã được kể theo trình tự phi tuyến tính.

Tenet anh 1

Memento là một tác phẩm ám ảnh của Nolan về người đàn ông bị mất trí nhờ tìm cách trả thù cho người vợ bị giết.

Tiếp đến, trong Memento (2000), tác phẩm ghi dấu tên tuổi Christopher Nolan trên bản đồ điện ảnh thế gian, thời gian tiếp tục bị bẻ gãy, xáo trộn trước khi kể lại theo trình tự đảo ngược.

Từ Batman Begins (2005) tới Dunkirk (2017), Christopher Nolan luôn tìm cách cài cắm phong cách kể chuyện yêu thích vào kịch bản phim, dù ít hay nhiều. Trong đó, Inception (2010) là tác phẩm gần nhất với lối kể phức tạp tới cực đoan của Memento đúng một thập kỷ trước đó.

Dù kỹ thuật kể chuyện phi tuyến tính đã giúp Nolan trở thành đạo diễn tài ba, nhiều nhà phê bình điện ảnh vẫn cho rằng ông đã lạm dụng nó.

Một nhà phê bình viết: “Nỗi ám ảnh của Nolan với lối tường thuật đứt đoạn các sự kiện hoàn toàn phù hợp với những tác phẩm như MementoInception (phim tốt nhất của Nolan, theo một cách nào đó)… Nhưng ông ấy đang lạm dụng phong cách kể yêu thích với tất cả tác phẩm khác, như vũng lầy mà Shyamalan từng sa chân vào”.

Từ những mẩu tình tiết đứt đoạn được thể hiện trong trailer, câu chuyện trong Tenet - dự án dự kiến ra mắt trong năm nay đến từ Nolan - có vẻ cũng sẽ được kể theo lối phi tuyến tính yêu thích của ông.

Michael Caine

Từ sau vai diễn Alfred Pennyworth trong Batman Begins, Michael Caine là cái tên xuất hiện trong mọi bộ phim của Christopher Nolan.

Tenet anh 2

Michael Caine được ví như lá bùa may mắn của Christopher Nolan.

Diễn viên gạo cội được ví như là bùa may mắn của vị đạo diễn, dù chưa một lần lên hàng nam chính. Trong Dunkirk, Michael Caine thậm chí chỉ “vào vai” giọng nói phát ra từ chiếc đài của viên phi công do Tom Hardy thể hiện.

Với Tenet, dự kiến ra mắt vào cuối tháng 7, Michael Caine tiếp tục góp mặt bằng một vai diễn nhỏ. Theo lời nam diễn viên, ông chỉ mất đúng một ngày trên phim trường để hoàn tất cảnh quay cùng John David Washington. Một phần trường đoạn đã được tiết lộ trong trailer phim.

Tàu hỏa

Những chuyến tàu bắt đầu chuyển bánh trong phim của Christopher Nolan bắt đầu từ Batman Begins (2005). Tới The Prestige (2006), Robert Angier (Hugh Jackman) ngồi tàu tới Colorado Springs gặp Nikola Tesla, với hy vọng nhà sáng chế có thể giúp mình xây dựng cỗ máy phục vụ cho tiết mục ảo thuật.

Sang tới Inception, đoàn tàu chính thức trở thành một mô-típ quan trọng. Khi Cob (Leonardo DiCaprio) và Mal (Marion Cortillad) đang ở trong tầng viễn thức (limbo), họ cùng nằm gối đầu lên đường ray tàu. Đoàn tàu lao tới, giết họ trong giấc mơ và đưa hai người quay về thực tại. Tuy nhiên, Mal không thể chấp nhận thực tại, rồi sau đó lao qua cửa sổ tự sát.

Sau đó, khi Cob và đội của anh đào sâu vào giấc mơ của Robert Fischer, chính đoàn tàu ấy tiếp tục quay trở lại, nhắc nhở anh về số phận bi thảm của Mal, cũng như ranh giới mong manh giữa thực và mơ.

Tenet anh 3

Inception khiến khán giả ngỡ ngàng vì thế giới trong mơ đầy ắp những hình ảnh siêu thực.

Christopher Nolan sử dụng đoàn tàu như một ẩn dụ về điều mà chúng ta hy vọng trong tương lai. Chúng là phương tiện đưa ta tới nơi ta muốn, hay điều mà mỗi người hằng khao khát.

Trong Batman Begins, Thomas Wayne (Linus Roache) xây đoàn tàu chạy quanh Gotham với mong muốn giúp đỡ những người nghèo khổ. Ra’s Al Ghul (Liam Neeson) sau đó đã lợi dụng hệ thống để phá hoại thành phố. Cuối cùng, Bruce Wayne (Christian Bale) đành phá hủy đoàn tàu để ngăn chặn âm mưu của gã phản diện, qua đó xóa bỏ di sản của cha mình đã trở nên biến tướng.

Trong Tenet, nhân vật chính do John David Washington thủ vai cũng đột ngột tỉnh dậy và nhận ra mình đang nằm giữa đường tàu. Tuy nhiên, vai trò của những chuyến tàu lướt qua anh hiện chưa được làm rõ.

Thuyết tương đối thời gian

Tương tự lối kể phi tuyến tính, Christopher Nolan còn yêu thích khám phá cấu trúc thời gian, đặc biệt trong chùm phim Memento, Inception, Interstellar Dunkirk.

Leonard (Guy Pearce) trong Memento không còn khả năng nhận biết thời gian vì chứng bệnh mất trí nhớ. Anh cứ lặp đi lặp lại một chuỗi đau đớn, khao khát trả thù, trả thù, rồi lại đau đớn.

Trong Inception, sự chênh lệch về nhận thức thời gian giữa cõi mơ và hiện tại khiến các nhân vật dần mất đi khả năng phân biệt giữa thực và hư. Còn Interstellar lại sử dụng kiến thức khoa học phức tạp để diễn giải thuyết tương đối thời gian.

Tenet anh 4

Một khoảnh khắc xúc động được xây dựng dựa trên thuyết tương đối thời gian ở Interstellar.

Thời gian bị bẻ cong, ngày càng giãn nở theo hành trình qua những hành tinh của nhân vật do Matthew McConaughey thể hiện. Kết quả, khi trở về, anh vẫn như xưa, còn cô con gái bé bỏng nay đã thành bà lão.

Với Tenet, dựa trên trailer, có thể thấy phim không mô tả tính tương đối của thời gian, mà dường như gắng đưa ra những lý thuyết mới xung quanh nó. Thời gian của các nhân vật chính đang cạn dần, buộc họ phải chiến đấu để sinh tồn, trong khi tìm cách lý giải cơ chế vận hành mới của thế giới diễn ra xung quanh mình.

Ở tác phẩm sắp ra mắt, Christopher Nolan sẽ tái sử dụng phương pháp thao túng thời gian thường thấy để làm rối trí khán giả (thậm chí chính diễn viên trong đoàn). Chỉ khác ở chỗ, trong Tenet, thời gian không co giãn, không vỡ vụn, mà “chảy” ngược.

Nghịch lý

Ranh giới giữa nghịch lý và lỗ hổng tình tiết là vô cùng mong manh đối với phần lớn khán giả đại chúng. InceptionInterstellar là hai tác phẩm tiêu biểu cho phong cách đưa nghịch lý vào trong tác phẩm của nhà làm phim.

Nhân vật của Matthew McConaughey trong Interstellar cố gắng gửi lời nhắn cho con gái thông qua chiếc giá sách trong nhà họ. Cô con gái sử dụng những thông tin ấy để cứu lấy tương lai nhân loại. Sau đó, hai cha con gặp lại nhau khi loài người đã di cư ra ngoài không gian nhiều năm sau đó.

Còn trong Tenet, nghịch lý xuất hiện ở cảnh cuối trailer, khi nhân vật chính của John David Washington nói: “Thứ này đảo ngược dòng chảy thời gian, vậy chúng ta đang ở đây, có nghĩa là những gì vừa xảy ra chưa bao giờ xảy ra hay sao?”.

Tri thức luận

Tri thức luận là môn khoa học đặt ra câu hỏi chúng ta biết được những gì, và tại sao chúng ta lại biết. Hai câu hỏi luôn là trung tâm của rất nhiều bộ phim mà Nolan từng thực hiện.

Bắt đầu từ Memento, câu hỏi là làm thế nào để biết ký ức của ta là thật. Các nhân vật trong phim thường xuyên hỏi Leonard về mức độ đáng tin của ký ức mà anh ta lưu giữ qua hình xăm và những bức ảnh chụp lấy ngay. Cuối phim, khán giả biết phiên bản sự thật trong hiện tại của Leonard là những lời dối trá do tự tay anh ta viết ra.

Trận chiến giữa các ảo thuật gia trong The Prestige đặt ra câu hỏi chúng ta làm cách nào để biết những gì mình thấy là thực. Công chúng cảm thấy phấn khích khi bị lừa. Christopher Nolan đã mượn lời nhân vật của Michael Cain để trình bày quan điểm của ông: “Giờ anh biết mình đang kiếm tìm bí mật. Nhưng anh sẽ không tìm thấy, bởi tất nhiên, anh không thực sự tìm. Anh không muốn đi đến tận cùng vấn đề. Anh muốn bị lừa”.

Tenet anh 5

Tenet hứa hẹn không phải một bộ phim dễ tiếp cận.

Trong Inception, để trả lời cho câu hỏi làm cách nào để biết ta đang sống trong thế giới thực thay vì giấc mơ, Cob và cộng sự sử dụng một món đồ cá nhân gọi là totem. Phim kết lại ở cảnh phim vẫn gây tranh cãi suốt một thập kỷ qua: totem của Cob - một con quay - vẫn tiếp tục xoay tít khi anh tái ngộ các con.

Câu trả lời thường thấy cho mọi câu hỏi mà Christopher Nolan đưa ra trong phim là người ta không muốn biết sự thật. Họ muốn phiên bản sự thật của chính bản thân, và người xem không có tư cách gì để nói với họ điều ngược lại.

Về phần Tenet, bộ phim có thể đặt ra nhiều câu hỏi mang tính triết học, như làm cách nào ta biết một sự kiện đã thực sự xảy ra? Trailer khiến người xem cảm thấy bộ phim gợi họ nhớ tới những tác phẩm trước đây của Nolan, như thể vị đạo diễn đang chiêu đãi khán giả thứ rượu cũ cất trong chiếc bình mới cầu kỳ.

Việc lặp đi lặp lại một nhóm vấn đề duy nhất từ tác phẩm này qua tác phẩm khác của Nolan dễ khiến bộ phim mới của ông chỉ còn là tiếng vọng từ những thành công quá khứ, thay vì một cú nổ lớn.

Tuy nhiên, liệu Tenet là một tiếng vọng, hay một cú nổ, chỉ xứng đáng để lướt qua, hay đòi hỏi khán giả phải nghiền ngẫm lâu dài? Sự lặp lại các mẫu số chung của Christopher Nolan sẽ tiếp tục mang đến niềm phấn khích, hay lần này chỉ đem đến nỗi hụt hẫng cho hàng ghế khán giả? Tất cả sẽ chỉ được giải đáp khi bộ phim dự kiến ra rạp vào cuối tháng 7.

‘Inception’ lại được ra rạp

Warner Bros. đang lên kế hoạch phát hành bộ phim “Inception” của Christopher Nolan vào ngày 17/7 – thời điểm ban đầu được ấn định cho bom tấn “Tenet”.

Gánh nặng của 205 triệu USD trên vai bộ phim đắt đỏ 'Tenet'

Khán giả sẽ ngỡ ngàng khi biết số tiền mà Christopher Nolan đã tiêu tốn để đưa ý tưởng đầu tiên về “Tenet” trở thành một bộ phim hoàn chỉnh trên màn ảnh.

Anh Phan

Bạn có thể quan tâm