- Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Tối cao tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án. Vậy thời điểm này, ông Chấn có được xem là vô tội?
- Theo quy định tại Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự thì không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Với quy định này thì cả hai bản án tuyên ông Chấn có tội đều đã bị hủy nên hiện tại không có bản án nào đã có hiệu lực pháp luật mà tuyên ông Chấn có tội nên thời điểm này ông Chấn được xem là không phạm tội.
- Trên phương diện cá nhân, luật sư nghĩ sao về việc Hội đồng tái thẩm TAND Tối cao vừa chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao?
- Tôi rất vui khi nhận được thông tin này. Như vậy công lý đã được thực thi, sự thật đã chiến thắng. Đây là cơ hội để ông Chấn được xem xét tuyên vô tội.
Thật may tòa án trước đây đã không tuyên mức tử hình với ông Chấn mặc dù những mất mát mà ông và gia đình phải gánh chịu cũng không gì bù đắp nổi. Hy vọng tới đây, ông Chấn sẽ được khôi phục danh dự và việc bồi thường sẽ bù đắp phần nào mà những tổn thất ông đã phải chịu đựng.
Thời điểm ông Chấn được công bố quyết định thả tù. Ảnh: Vietnamnet. |
- Trong lịch sử tố tụng, đây có được xem là vụ án oan kỉ lục không thưa ông?
- Đây chưa phải án oan kỷ lục. Những trường hợp đã tuyên tử hình rồi được minh oan mới có thể đươc coi là kỷ lục. Chính Luật bồi thường trách nhiệm của nhà nước cũng quy định đối với trường hợp đã tử hình nhưng sau đó phát hiện là án oan.
- Sau khi được xác định oan sai, ông Chấn có quyền yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng phải bồi thường thiệt hại như thế nào?
- Theo quy định của Luật Bồi thường trách nhiệm của nhà nước thì cơ quan giải quyết cuối cùng phải bồi thường. Cụ thể, nếu CQĐT bắt giam nhưng VKS không truy tố thì CQĐT phải bồi thường. Nếu VKS truy tố nhưng tòa xử bị cáo không phạm tội thì VKS phải bồi thường. Nếu tòa phúc thẩm xử có tội mà cấp phúc thẩm tuyên không phạm tội thì tòa cấp sơ thẩm phải bồi thường. Nếu tòa cấp phúc thẩm xử có tội mà tòa án cấp trên xử không phạm tội thì tòa cấp phúc thẩm phải bồi thường.
Với quy định này, nếu được minh oan, ông Chấn có quyền yêu cầu Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (là tòa đã xét xử phúc thẩm) bồi thường. Các khoản bồi thường gồm: Thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại do tổn thất về tinh thần.
Các khoản thiệt hại như: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút thì được tính theo mức thiệt hại thực tế. Riêng thiệt hại do tổn thất về tinh thần (trong trường hợp bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù) thì luật quy định một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù oan thì được bồi thường số tiền tương đương ba ngày lương tối thiểu.
- Trong trường hợp 2 bên không tự thỏa thuận được mức bồi thường, người bị oan sai phải làm gì?
Theo quy định tại Điều 18, 19 và 20 Luật Bồi thường trách nhiệm của nhà nước thì sau khi nhận đơn yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường phải xác minh thiệt hại để làm căn cứ xác định mức bồi thường. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức và chủ trì thương lượng với người bị thiệt hại về việc giải quyết bồi thường. Nếu người bị thiệt hại không đồng ý với mức bồi thường thì có quyền khởi kiện ra tòa dân sự. Họ sẽ là nguyên đơn, cơ quan có trách nhiệm bồi thường sẽ là bị đơn trong vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại.
- Ngoài việc bồi thường về vật chất, người bị oan sai có quyền được yêu cầu khôi phục danh dự cho mình?
- Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu khôi phục danh dự khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật. Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức:
+ Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người bị thiệt hại có sự tham dự của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị thiệt hại cư trú, đại diện của cơ quan nơi người bị thiệt hại làm việc, đại diện của một tổ chức chính trị - xã hội mà người bị thiệt hại là thành viên;
+ Đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp theo yêu cầu của người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.