MC Diệu Linh hiện điều trị tại khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
BSCKII Võ Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Ghép tế bào gốc, người đang trực tiếp điều trị cho Diệu Linh, thông tin cô mắc bệnh Lơxêmi kinh dòng lympho, một thể bệnh ung thư máu mạn tính.
Người mắc bệnh này đa số thuộc nhóm độ ác tính thấp và diễn tiến chậm. Tuy nhiên, Linh lại là trường hợp thuộc nhóm độ ác tính cao nên bệnh tiến triển nhanh.
“Hiện tại, bệnh nhân tiên lượng không tốt, chắc chắn sẽ phải ghép tủy khi đủ các điều kiện”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Được biết, Diệu Linh bắt đầu điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương từ tháng 6/2018. Khởi đầu, cô xuất hiện nhiều hạch to, xét nghiệm thấy bạch cầu tăng cao.
Sau khi được chẩn đoán và nghe bác sĩ giải thích, Linh quyết định lựa chọn loại phác đồ hoá chất nhẹ ít tác dụng phụ, hạn chế tình trạng rụng tóc để có thể tiếp tục công việc MC truyền hình, phần vì đam mê, phần muốn trang trải thêm kinh phí chữa bệnh.
MC Diệu Linh chắc chắn sẽ phải ghép tủy khi đủ các điều kiện. Ảnh: Vietnamnet. |
Sau 6 đợt điều trị, đến tháng 11/2018, sức khỏe Linh ổn định hơn. Tuy nhiên, không may mắn chỉ sau 3 tháng kết thúc điều trị, bệnh của cô tái phát với biểu hiện hạch to trở lại. Từ tháng 5/2019, các bác sĩ quyết định áp dụng hướng điều trị mới cho Linh bằng thuốc điều trị ung thư máu đặc hiệu với thể bệnh của cô.
Thuốc đáp ứng tốt, các hạch đã nhỏ trở lại nhưng tác dụng phụ khiến sức khỏe nữ MC yếu đi nhanh chóng. Suốt thời gian dài, cô thường xuyên bị đau cơ, đau xương, men gan tăng, dễ nhiễm trùng.
“Đôi lúc, chúng tôi phải điều chỉnh giảm liều thuốc và thậm chí tạm dừng thuốc do các biến chứng. Tuy nhiên, khi ngừng thuốc thì bệnh lại tiến triển xấu”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Mấy tháng gần đây, Linh luôn cảm thấy mệt mỏi vì thiếu máu. Sức đề kháng giảm khiến cô sốt nhiều ngày không đỡ do nhiễm trùng. Cô được chỉ định nhập viện từ hôm 20/5 để đổi phác đồ điều trị mới.
Bác sĩ Võ Thị Thanh Bình chia sẻ ghép tủy là phương án duy nhất nếu muốn bệnh nhân có cơ hội khỏi bệnh để sống, cho dù đây là một phương pháp có nguy cơ tử vong cao (khoảng 10-20%).
Tuy nhiên, để có thể ghép tủy, Linh cần một số điều kiện như bệnh thuyên giảm, toàn trạng tốt hơn và quan trọng là có người cho tế bào gốc.
Bác sĩ Bình nhấn mạnh tế bào gốc được hiến phải tương thích ít nhất 50% với người bệnh nên các bác sĩ sẽ tìm kiếm từ những người có cùng huyết thống ruột thịt với Linh như anh trai và bố mẹ, sau đó đến họ hàng.
Nếu không phù hợp, có thể tính đến phương án tìm nguồn cho từ cộng đồng. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bình, đây là phương án rất khó thực hiện trong điều kiện Việt Nam hiện nay bởi khó tìm nguồn người hiến không cùng huyết thống ở cộng đồng.
Về kinh phí ghép tủy, bác sĩ Bình thông tin mặc dù được bảo hiểm hỗ trợ, Diệu Linh vẫn phải chuẩn bị thêm một khoản ước tính từ 600-800 triệu đồng ngoài bảo hiểm cho ca ghép.
Tại bệnh viện, MC Diệu Linh tâm sự hiện cô đã cảm thấy ổn hơn. Tuy nhiên, bệnh tình của cô diễn biến thất thường theo từng ngày.
“Có những hôm tôi rất mệt, sốt cao, buồn nôn, tụt huyết áp, thậm chí không thể ngồi dậy. Nhưng cũng có những ngày như hôm nay, tôi thấy lại thấy khá khỏe, ăn uống cũng tốt hơn”, Linh nói.
Những lúc không mệt, Linh thường tranh thủ xem tivi, trò truyện với các bệnh nhân cùng phòng hoặc đi dạo ở khu hành lang. Hàng ngày, cô được cho sử dụng các thuốc uống và truyền với chi phí một tháng ước tính khoảng 200 triệu đồng.
Nữ MC cũng chia sẻ cô rất bất ngờ và xúc động trước sự quan tâm của mọi người những ngày vừa qua.
“Ban đầu, tôi chỉ công khai để giải thích nguyên nhân vắng mặt thời gian dài, nhưng lại nhận được rất nhiều tình cảm, sự động viên như vậy. Đây là nguồn động lực lớn để tôi tiếp tục chiến đấu với bệnh tật”, Linh bảo.
Tác dụng phụ của thuốc đặc trị ung thư làm mái tóc dày, mượt mà của Diệu Linh rụng mất 2/3. Tuy nhiên, nữ MC vẫn rất xinh đẹp, tươi tắn và tràn đầy lạc quan. Cô chia sẻ sẽ giữ tinh thần tốt để tập trung điều trị, dù chưa biết phải điều trị ở viện bao lâu.
“Nếu bệnh tiến triển tốt, tôi hy vọng có thể được về nhà nghỉ ngơi một thời gian”, Linh nói.
BSCK II Võ Thị Thanh Bình, Trưởng Khoa Ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho biết ung thư máu là bệnh lý ác tính, xảy ra do các tế bào máu bị ung thư hóa trong quá trình hình thành. Những tế bào này được nhân lên rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời sẽ tăng sinh trong tủy xương, cản trở quá trình tạo ra các tế bào máu bình thường.
Có ba loại ung thư máu, gồm bệnh bạch cầu, ung thư hạch (Lymphoma), u tủy, trong đó, người bệnh có thể mắc thể ung thư máu cấp tính hoặc mạn tính.
Ung thư máu thể cấp diễn biến khá nhanh, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sốt, nhiễm trùng, thiếu máu, xuất huyết, nổi hạch,… trong thời gian chỉ vài ngày đến một tuần, rất ít khi tới vài tháng. Trong khi đó, người bệnh mắc thể mạn thường diễn tiến lâu hơn. Nếu không được điều trị, ung thư máu có thể dẫn tới tử vong rất nhanh.
Một số triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư máu bao gồm: Xuất huyết dạng chấm, nốt hay mảng trên da hoặc chảy máu các nơi như mũi, chân răng, nhức đầu, đau cơ, đau xương, hạch to, xanh xao, mệt mỏi, sốt cao, đau bụng, buồn nôn, mẩn ngứa,…
Bác sĩ Bình khuyến cáo khi thấy cơ thể có triệu chứng bất thường, người bệnh cần đi khám và sớm làm các xét nghiệm máu để bước đầu định hướng bệnh, từ đó can thiệp kịp thời.
“Nếu có thể, người dân nên đi khám tổng quát định kỳ hàng năm để sớm phát hiện bệnh, giúp cho việc điều trị đạt hiệu quả cao”, bác sĩ Bình cho biết.